Thường xuyên hứng chịu địa chấn
Theo CNN, ngày 1/1, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter đã bất ngờ xảy ra tại bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa, khiến khu vực này và các tỉnh lân cận rung chuyển. Với cường độ lớn, trận động đất này đã kéo theo hàng loạt dư chấn. Tính đến 6 giờ sáng 2/1 (giờ địa phương), đã có tổng cộng 129 dư chấn có cường độ từ 2 độ richter trở lên được ghi nhận. Không chỉ vậy, những cơn sóng thần cao vài mét đã đổ bộ vào các bờ biển trong và lân cận khu vực này sau động đất.
Ước tính, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ động đất là khoảng 200 người. Dù vậy, mức độ thiệt hại vẫn chưa được xác định, song giới chức Nhật Bản cho biết ít nhất 270 ngôi nhà trong khu vực đã bị phá hủy. Tuy nhiên, con số cuối cùng có thể còn cao hơn nhiều vì chưa bao gồm thiệt hại tại Wajima - thành phố với hơn 27.000 dân, chỉ cách tâm chấn động đất 32 km - nơi các quan chức sở cứu hỏa cho biết khoảng 200 tòa nhà đã bị phá hủy.
Theo nhà cung cấp điện Hokuriku Electric Power, hơn 36.000 hộ gia đình bị mất điện ở hai tỉnh Ishikawa và Toyama. Dịch vụ đường sắt cao tốc đến Ishikawa đã bị đình chỉ trong khi các nhà khai thác viễn thông SoftBank và KDDI báo cáo sự gián đoạn dịch vụ điện thoại và internet ở các tỉnh Ishikawa và Niigata. Trong khi đó, Hãng hàng không Japan Airlines hủy hầu hết các chuyến bay đến khu vực Niigata và Ishikawa. Nhà chức trách cho biết, một trong những sân bay của Ishikawa đã bị đóng cửa.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho hay, đây là lần đầu một trận động đất mạnh 7 độ richter được ghi nhận ở Nhật Bản kể từ cơn địa chấn làm rung chuyển khu vực Iburi của Hokkaido vào tháng 9/2018. Trận động đất khi đó đã làm tê liệt hòn đảo nói trên, khiến hơn 5,3 triệu cư dân sống trong cảnh mất điện và nhiều vụ sạt lở đã xuất hiện sau động đất.
Là một trong những quốc gia nằm trong “vành đai lửa” Thái Bình Dương, với một chuỗi gồm ít nhất 450 ngọn núi lửa đang hoạt động hoặc không hoạt động, nằm trải dài khoảng 40.000 km theo hình móng ngựa, Nhật Bản hứng chịu nhiều trận động đất mỗi năm, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đáng kể nhất, tháng 3/2011, một trận động đất mạnh 8,9 độ richter, kéo theo những đợt sóng thần đã tàn phá bờ biển phía đông bắc Nhật Bản. Thảm họa này đã khiến hơn 19.000 người chết.
Không chỉ vậy, sóng thần đã đánh sập hệ thống làm mát tại ba trong số các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, gây ra vụ tan chảy các lõi phản ứng và phun ra bụi phóng xạ trên những vùng đất rộng lớn chung quanh. Đây được coi là một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, gây ra cảnh báo ở nhiều nước. Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán khỏi các thị trấn và làng mạc chung quanh nhà máy Fukushima số 1 và hiện vẫn chưa quay trở lại. Hơn 10 năm sau thảm họa, việc dọn dẹp khu vực chung quanh nhà máy Fukushima số 1 vẫn đang tiếp diễn.
Kiến trúc sư Kengo Kuma thiết kế tấm rèm được bện bằng các sợi carbon. Ảnh: CNN |
Thích ứng nhằm giảm thiệt hại
Dù phải hứng chịu nhiều thảm họa do động đất, song Nhật Bản đã luôn nỗ lực tìm cách thích ứng với hoàn cảnh này. Các chuyên gia về thảm họa cho biết, những trận động đất có cường độ tương tự ở những nơi khác trên thế giới thường có sức tàn phá lớn hơn nhiều. Thí dụ, trận động đất mạnh 7,6 độ richter ở phần khu vực Kashmir thuộc lãnh thổ Pakistan năm 2005 đã khiến hơn 86.000 người thiệt mạng, gây ra sự sụp đổ của hơn 30.000 tòa nhà.
Ngay sau trận động đất vừa qua ở Nhật Bản, GS chuyên ngành Địa chấn học Robert Geller tại Trường đại học Tokyo cho biết: “Hầu hết ngôi nhà nhỏ dù bị hư hại, cũng không bị sập hoàn toàn”. Thậm chí, 100 căn nhà gỗ trong làng chài nhỏ Akasaki ở bán đảo Noto vẫn nguyên vẹn sau trận động đất này.
Việc ngôi làng đứng vững còn được cho là nhờ thiết kế kiến trúc thông minh của người dân địa phương. “Theo kiến trúc truyền thống, một nhà kho sẽ được đặt ngay bên bờ biển, có tác dụng như một vùng đệm, che chắn cho ngôi nhà chính khỏi sóng gió”, ông Shinagawa, một người dân địa phương cho biết. Để chống chọi mưa, tuyết và gió thổi vào từ biển, những căn khác ở Akasaki không lắp nhiều cửa sổ kính. Tường những ngôi nhà này cũng làm từ gỗ rắn chắc, xếp lớp theo chiều ngang, trong khi phòng ốc được dựng lên nhờ hệ thống dầm chắc chắn.
Theo CNN, do tần suất gặp động đất cao, Nhật Bản trong nhiều năm qua đã xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu với địa chấn tốt nhất trên thế giới, thường xuyên triển khai các biện pháp bảo vệ mới sau mỗi lần hứng chịu thảm họa. Các kiến trúc sư, kỹ sư và nhà quy hoạch đô thị từ lâu đã nghiên cứu kết hợp tri thức truyền thống, sự đổi mới hiện đại và các quy tắc xây dựng ngày càng phát triển để tạo ra những tòa nhà có thể đương đầu với địa chấn. Sau thảm họa động đất năm 1923, Nhật Bản đã thúc đẩy việc nghiên cứu các phương pháp khiến những tòa nhà chắc chắn hơn và đưa ra các tiêu chuẩn xây dựng mới.
Các sáng kiến có thể kể đến như “bộ giảm chấn” quy mô lớn, sử dụng khung thép để tăng thêm tính linh hoạt cho sàn và tường bê-tông của các tòa nhà và căn hộ. Bộ giảm chấn quy mô lớn này “cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động” trong trường hợp xảy ra sự kiện địa chấn mạnh bằng trận động đất mạnh 8,9 độ richter năm 2011.
Năm 2016, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất Nhật Bản là Kengo Kuma đã hợp tác với Công ty dệt may Komatsu Matere phát triển một hệ thống “rèm” được bện từ hàng nghìn sợi carbon nhằm neo trụ sở chính của công ty xuống đất như một chiếc lều. Mới đây, ông cũng đồng thiết kế hệ thống tường kiểu bàn cờ chống động đất cho một tòa nhà mẫu giáo ở phía nam tỉnh Kochi. Trong khi đó, các kiến trúc sư hàng đầu của Nhật Bản khác như Shigeru Ban và Toyo Ito đã đi tiên phong trong việc sử dụng gỗ ghép nhiều lớp (CLT), một loại gỗ kỹ thuật mới có thể thay đổi cách xây dựng các tòa nhà cao tầng nhằm đối phó động đất.
Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu khoa học Trái đất và phục hồi thiên tai Nhật Bản (NIED) Yoshiaki Nakano cho biết, Nhật Bản là quốc gia có những quy định xây dựng chống địa chấn nghiêm ngặt nhất thế giới. Các tòa nhà thường có hai mức độ chống chịu chính: Khả năng chịu đựng các trận động đất nhỏ, thường gặp 3 - 4 lần trong vòng đời; khả năng chống chịu những trận động đất dữ dội và hiếm gặp hơn. Ngoài ra, Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập khẩn cấp để người dân sẵn sàng ứng phó cho các trận động đất lớn.
Nhờ các biện pháp và tâm thế chủ động thích nghi, Nhật Bản đã luôn đứng vững trong thảm họa, hoặc ít nhất cũng giảm thiệt hại trong các cơn địa chấn.