Đi tìm những “người bạn”
Hóa ra thú chơi xe đạp cổ, xe đạp cũ (gọi chung là xe đạp cổ) không phải đến gần đây mới có ở vùng Sấu Giá, huyện Hoài Đức, Hà Nội, tức là gồm các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở bây giờ. Mà nó có từ thời… các cụ!
Bên ấm trà sánh đặc đầu xuân trong ngôi nhà thờ của gia đình còn vương không khí Tết, thầy lang Tạ Minh Khang, Chủ nhiệm CLB xe đạp cổ Sấu Giá chậm rãi kể về thời kỳ những năm trước năm 1950, một số cụ người trong vùng đã sở hữu những chiếc xe đạp nhãn hiệu Peugeot, Sterling… Tất nhiên hồi đó thì người ta không gọi là xe đạp cổ, mà mua xe để đi lại, phục vụ công việc thường ngày. Mê xe đạp, chơi xe đạp thuở ấy, nếu ví von với bây giờ, có lẽ cũng gần như những người mê mô-tô phân khối lớn, thậm chí là ô-tô cao cấp, thậm chí hơn nữa, bởi không riêng thời chiến tranh, thời bao cấp, chiếc xe đạp của những tháng năm xa xưa là cả một gia tài tích cóp nhiều năm mới có được. Và khi có thì tài sản to lớn ấy gắn bó mật thiết với cuộc sống của người chủ, của gia đình sở hữu nó.
Bởi thế, với không ít người, chiếc xe đạp không còn là… xe đạp nữa, mà đã như người bạn đường, “bạn đời” thân thiết. Bác Nguyễn Xuân Nông người Yên Sở, hội viên CLB xe đạp cổ Sấu Giá năm nay 76 tuổi, mua chiếc xe Peugeot sản xuất năm 1960 từ hồi 25 tuổi, thỏa nguyện giấc mơ từ bé là có được một chiếc xe đạp. Bác giữ gìn nó đến tận bây giờ, nguyên vẹn khung, vành, ghi đông…, trong quá trình sử dụng, chỉ săm lốp, xích mòn thì phải thay. “Tôi làm ruộng thôi, sau này có thêm thú sưu tập cổ vật”, bác kể: “Chiếc xe đạp theo tôi từ ra đồng cho đến những chuyến đi Hà Nội lai cám về chăn nuôi, chở đồ sưu tầm được. Nay tôi vẫn giữ nó bởi nó đi cùng mình, giúp mình qua những năm thiếu thốn”.
Hiện giờ bác Nông sở hữu ba chiếc xe đạp. Ngoài chiếc “bạn thân”, bác còn có chiếc xe Thống Nhất sản xuất năm 1967, sưu tầm được năm 2012. Đặc biệt là chiếc Peugeot sản xuất năm 1960, nhập từ Pháp về qua giới thiệu của người quen ở Hà Nội. Cả tiền mua xe và phí vận chuyển, bác tiết lộ, là 30 triệu đồng.
Với nhiều người chơi xe đạp cổ hôm nay ở Sấu Giá, đây là một thú chơi văn hóa, đã gần như một truyền thống, bởi họ sinh ra, lớn lên, đã thấy có các ông, các cụ đi trước chơi xe rồi. Mỗi chiếc xe đạp cổ như một vật phẩm, mang theo một câu chuyện về cái duyên sưu tầm được, lại chuyên chở thêm những kỷ niệm, tâm sự về cuộc đời, gia đình của những người từng sở hữu trước đó. Anh Khang kể về lần ngẫu nhiên, cũng là may mắn mua được chiếc xe khung nam của mình: “Hôm đó, trong năm 2009, tôi đi Đan Phượng chơi, gặp một ông cụ đạp xe đi qua. Nghĩ thế nào tôi dừng lại, đuổi theo, chào ông cụ, xin cho ngắm xe của cụ một chút...”. Thấy anh có vẻ thích, ông cụ mời anh về nhà chơi, nghe kể, anh mới biết chiếc xe đã đi theo ông cụ cả đời. Hồi thanh niên, những năm 1950-1960, ông cụ từng chở nghìn tấn hàng đi Hòa Bình. Anh xin ông cụ để lại cho chiếc xe, ông cụ ngẫm nghĩ rồi bảo, người khác thì tôi không bán đâu, nó theo tôi đã lâu lắm rồi, nhưng thấy anh yêu thích và quý xe, tôi đồng ý.
Đạp xe, thong thả sống
Phòng trưng bày xe đạp cổ được mở tại Nhà văn hóa xã Yên Sở, hơn 50 chiếc xe đạp cổ xếp hàng nghiêm ngắn dọc theo tường, giữa phòng và ngoài sảnh. Triển lãm xe đạp cổ của CLB Sấu Giá lần đầu tiên được tổ chức từ khi thành lập ngày 28-7-2013. Những chiếc xe thường xuyên được lau chùi cẩn thận, bôi dầu mỡ, chỉnh phanh, nan hoa, chuông… và bảo quản đến từng con ốc nên vẫn “chạy tốt”, chuông vẫn kính coong và bánh sau nhấc lên, quay pê đan, xích vẫn “trôi” tanh tách. Chiếc cổ nhất được sản xuất năm 1930, còn chiếc “trẻ” nhất cũng xuất xưởng năm 1968. Đời xe, như chia sẻ của các thành viên CLB, thì người chơi tạm phân là: trước phanh gầm - rất cổ, khoảng trước năm 1950, sau phanh gầm - khoảng sau năm 1950, chéo tám - cuối những năm 50 đến giữa những năm 60, và rút sắt – khoảng năm 1966 đến 1970 và những năm sau 1970.
Một số người tham quan, thích thú xem, bình phẩm về dáng lượn rất mềm mại của một chiếc yên da, ngồi bao nhiêu năm vẫn bền chắc. Rồi một chiếc xe bằng hợp kim nhôm, sáng trắng. Nhiều chiếc xe còn giữ được những chiếc bao nhựa, hộp nhôm gắn sau yên trước hoặc bên yên sau để cất kính hay để dụng cụ sửa xe. Từ hôm khai mạc triển lãm sáng mùng 6 Tết, rất nhiều người biết tiếng đã đến, trò chuyện, trao đổi rôm rả. Những chiếc xe đạp dáng thanh thoát, ra đường không để tranh đua tốc độ, dường như gợi cho nhiều người của thời buổi “phầm phập” xe máy, ô-tô hôm nay những ký ức một thuở thiếu thốn nhưng thong thả. Như anh Khang chia sẻ, thì không phải sưu tập để ngắm nghía, cất đi, mà mọi người vẫn sử dụng những chiếc xe đạp ấy, tất nhiên là phải nhẹ nhàng và giữ gìn cẩn thận, chứ không thể “đi như phá” được, dùng xong có khi phải treo lên, hôm nay đi chiếc này, ít hôm nữa đổi sang chiếc khác. “Mọi người hay đạp xe đi lại gặp gỡ trong vùng, sinh hoạt CLB vào chiều Chủ nhật hằng tuần để trao đổi, góp ý, bổ trợ cho nhau thông tin, bổ sung đồ đạc. Có khi tôi đạp xe ra tận Linh Đàm thăm bạn bè mà anh em ngạc nhiên quá, biết mình đi mấy chục cây số từ tận Đắc Sở ra đây”.
Hồi năm 2011, 2012, ba người đầu tiên thành lập CLB là anh Khang, ông Nguyễn Phú Thanh và ông Nguyễn Như Vĩnh, hầu như tuần nào cũng đạp xe đi Hà Đông chơi, giao lưu ở CLB xe đạp Nhuệ Giang (nay đã không còn). Từ khi thành lập năm 2013, đến nay CLB có 12 thành viên thường xuyên, ngoài ra còn những người khác thỉnh thoảng sinh hoạt, giao lưu theo điều kiện thời gian. Tổng số xe của 12 thành viên CLB lên đến 70 chiếc, có những người sở hữu cả chục chiếc xe độc đáo. Và nếu như thời gian đầu, mọi người tập trung sưu tầm dòng nội địa, là những chiếc xe đã qua sử dụng trong nước từ khoảng đầu những năm 1980 trở về trước, có biển số đăng ký, đã theo người Việt Nam trong đời sống thường nhật, đã chịu phong hóa trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, thì gần đây, việc sưu tầm còn hướng đến những chiếc xe đạp cổ đưa từ châu Âu về. Nhiều chiếc xe dòng này vẫn giữ được nước sơn sáng đẹp, hình dáng nguyên vẹn và ít bị “lai tạo” - nghĩa là do yêu cầu sử dụng phải lắp ghép các bộ phận, phụ tùng khác. Và như vậy, giá trị về kinh tế cũng cao hơn, nhất là khi công vận chuyển về nước có khi còn lớn hơn tiền mua xe.
Bác Nguyễn Nhật Cương, 68 tuổi, người xã Cát Quế, thành viên CLB kể, mê xe từ thời thanh niên, hiện giờ có năm cái, nhưng tính ra thì “qua tay” cũng đã mấy chục cái rồi. Bác chịu đi sưu tầm lắm, vào tận Tây Ninh, An Giang, sang tận Campuchia để tìm xe hay, xe đẹp. “Một chiếc nhãn hiệu Mercier, người ta đưa từ Thái-lan về Sài Gòn, tôi mua được với giá 36 triệu đồng. Lúc cao điểm có khi lên đến cả trăm triệu”, bác Cương kể. Chỉ bốn chiếc Peugeot dựng giữa phòng trưng bày, bác Cương cho biết: Trong bộ này có hai chiếc “chéo tám” của tôi, sản xuất năm 1964, và hai chiếc “rút sắt” năm 1968. Còn giữ được mới, sáng đẹp thế này là khó tìm lắm! Giá của nó cũng phải 60-70 và hơn 70 triệu đồng một chiếc.
Tất nhiên, chơi xe đạp cổ hay một loại đồ vật, phương tiện nào đó, thì để chơi bền được, người ta không chỉ mua vào. Mà phải có bán ra, trao đổi, có lãi thì mới có thể nuôi được niềm mê xe, thú chơi xe ấy. Nhưng trước khi nói đến kinh tế, thì với nhiều người chơi xe đạp cổ ở Sấu Giá, đó là giá trị tinh thần cho người ta nhớ về một thời, nhiều thời, ngẫm về những câu chuyện văn hóa, văn minh, đời sống xã hội quanh chiếc xe đạp. Về chơi các xã vùng Sấu Giá, có thể dễ gặp một ai đó “lượn” chiếc xe đạp của hàng ba bốn chục năm trước, nửa thế kỷ trước, nhưng nhìn vẫn đẹp, vẫn bền, thong dong trong đường làng hay trên con đê cao.