Những ngôi làng lưu sử thi giữ nước

“Miền chiến địa” - liệu quá lời không khi đặt tên cho vùng đất này như thế. Chúng tôi đi giữa biên cương xứ Lạng trong những ngày rét nàng Bân để nghe bao lời ký thác của non sông.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc làng đá Thạch Khuyên.
Một góc làng đá Thạch Khuyên.

1/Cũng còn bởi nguyên do năm xưa giặc phương bắc vốn kỵ khí hậu nồm ẩm của phương nam nên thường xuất chinh vào mùa đông. Vậy nên khi cái lạnh lẩn trong từng nếp áo và gió thốc lá cành xoay vần như thể ngàn kỵ binh ruổi vó trận tiền, đứng bên khu di tích bia Thủy Môn Đình được Đô Tổng Binh sứ Ty, Bắc quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc, Thao quận công Nguyễn Đình Lộc lập vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời Vua Lê Huyền Tông là một trải nghiệm không dễ gì có được.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, bia được dựng ở nơi cửa ngõ của đất nước, cách cửa khẩu Hữu Nghị 2km, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đối với những cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lạng Sơn, bia Thủy Môn Đình không những là một bảo vật quốc gia quan trọng cần được bảo tồn, gìn giữ, mà đây còn là minh chứng về sự cống hiến, hy sinh của cha ông ta trong công cuộc bảo vệ cương thổ; là bản hùng ca nơi biên cương, là di huấn người xưa gửi gắm để xác định rõ trách nhiệm và niềm tự hào được tiếp nối truyền thống bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Điều làm nên giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng thông tin, tư liệu quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Trên văn bia có câu: “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan” - dịch nghĩa là: “Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc”. Trên lòng bia là bài ký được khắc bằng chữ Hán với chủ đề chính là “Liên kết để tồn tại”, được viết theo lối tự sự, hành văn khúc chiết, hào sảng; ngôn ngữ chọn lọc, súc tích, giàu hình ảnh, vần điệu. Nội dung bia chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, thấm đẫm tư duy, đạo lý truyền thống, trong đó còn ghi rõ về “Thất tộc thổ ty” nổi tiếng của xứ Lạng đã đoàn kết, gắn bó để bảo vệ biên cương.

Một trong những dòng họ được ghi trên bia là dòng họ Vi đã có 14 đời nối tiếp nhau trấn thủ biên cương, hiện vẫn còn lưu lại dấu xưa ở khu quần thể di tích dòng họ Vi ở thôn bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình. Thần phả của dòng họ có ghi lại, khi đức Lê Thái Tổ tập hợp binh mã, đứng lên đánh đuổi giặc Minh, một vị tướng của nghĩa quân là Vi Kim Thăng cùng với con trai Vi Phúc Hân đã theo chủ tướng truy đuổi theo tiêu diệt Liễu Thăng ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Sau khi bình định giang sơn, sạch bóng quân thù, Vi Kim Thăng được phong làm Thảo Lộ tướng quân, trấn giữ vùng biên ải phía bắc, đời nối đời đảm nhiệm sứ mệnh bảo vệ biên cương.

Câu chuyện về những dòng họ thuộc các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao… trao truyền qua các thế hệ trọng trách bảo vệ cương vực nghìn đời như dòng họ Vi không phải là hiếm ở nơi dặm dài ải Bắc này. Biến thiên của thời gian đã khiến ngôi làng của dòng họ Vi dường như đã trở thành phế tích, chỉ còn sót lại những bức tường thành và cổng thành không còn nguyên vẹn. Song mạch ngầm nối liền quá khứ với hiện tại vẫn còn đó nơi mạch nước Bó Lìn chảy vào giếng nước Tổng đốc Vi Văn Định tự tay đào năm 1910. Dù rằng giờ đây trong làng đều có nước máy, song người dân vẫn đến giếng Bó Lìn để lấy nước về sinh hoạt. Khi đi xa, người bản Chu sẽ mang theo một chai nước Bó Lìn như một kỷ vật của quê hương.

2/Đã đến với xứ Lạng, cũng đừng ngại đường xa mà không lên với núi rừng Đình Xá thuộc huyện Đình Lập, nơi dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược để nghe câu chuyện có một không hai về vị Thành hoàng làng Pò Háng đã độ trì cho nhân dân đánh thắng giặc. Di tích đình Pò Háng nằm trên quả đồi cao của thôn. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt, tường gạch chỉ, mái lợp ngói âm dương. Đình thờ Đinh Tiên Hoàng đế và là nơi hội tụ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, chúng ồ ạt tấn công đường số 4 và chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng ở Đình Lập. Cuối tháng 3/1947, huyện Ðình Lập bị địch chiếm đóng ở những địa bàn quan trọng. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, lực lượng kháng chiến của huyện Ðình Lập đã thành lập khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc gồm các xã: Bính Xá, Kiên Mộc và Bắc Xa.

Ông Bế Văn Túc, thủ từ đình Pò Háng cho chúng tôi xem bức trướng “Chiến kháng hộ ủng”, có nghĩa là “Ủng hộ kháng chiến” được đặt trang trọng trong đình. Bên phải bức trướng là dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tam niên” (Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Bên trái là dòng chữ: “Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàng dự” (Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng). Ông kể: “Ngày 14/4/1947, quân Pháp huy động một tiểu đoàn thiện chiến cùng đám tay sai tấn công căn cứ Nà Thuộc, quân dân ta đã tổ chức hội thề và dâng lễ khẩn cầu thành hoàng độ trì cho chiến thắng trận đầu. Các cụ cao tuổi dựa vào uy linh của đình Thành hoàng đã phất cờ gõ thanh la, động viên, cổ vũ bộ đội, du kích nổi lửa, đốt rơm trấn áp tinh thần kẻ địch. Thật linh nghiệm là trời bỗng xuất hiện mây mù cùng các cơn gió thổi rất mạnh làm những đám khói khổng lồ bốc cao lên trời, hướng đến khu vực quân Pháp. Kẻ thù bị khói làm cay xè mắt, nhiều tên bị gió xô ngã và hoảng loạn bỏ chạy”.

3/Rời Đình Lập, hành trình của chúng tôi tiếp tục đến với “làng phòng thủ, nhà pháo đài” đã trường tồn hàng trăm năm ở vùng biên. Nằm giữa núi rừng biên giới thuộc xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, làng đá Thạch Khuyên hiện lên với những nếp nhà trình tường, mái ngói âm dương sậm màu mưa nắng. Vẻ đẹp hoang sơ và yên bình của ngôi làng ấy không chỉ mang lại một nét văn hóa dân gian độc đáo, mà còn là minh chứng cho ý chí của đồng bào biên giới chống lại thổ phỉ và chống thực dân Pháp xâm lược giữa thế kỷ XX, gắn liền với những chiến công lẫy lừng của đội du kích Ba Sơn.

Không giống như những ngôi làng đá khác, những bức tường phòng thủ của làng Thạch Khuyên được dựng lên từ đá hộc, tạo sự bề thế và có sức liên kết lớn. Như tên gọi của mình, “làng phòng thủ, nhà pháo đài” có tầm nhìn hướng ra đường biên này là một trong chín điểm di tích khu du kích Ba Sơn - địa bàn chiến lược có vị trí xung yếu, án ngữ toàn bộ phía Đông Bắc thị xã Lạng Sơn và một đoạn đường số 4 hiểm yếu, đối đầu trực diện với chiến lược “Vành đai sắt” của thực dân Pháp, hòng biến Lạng Sơn thành nơi tập trung quân, tiếp ứng cho chiến trường chính ở mặt trận Thất Khê (Lạng Sơn) và Đông Khê (Cao Bằng).

Những năm tháng cam go, quyết liệt ấy, quân và dân Ba Sơn đã cùng với quân, dân huyện Cao Lộc chiến đấu hơn 100 trận lớn nhỏ, góp phần đánh bại quân Pháp trên đường số 4; chiến dịch giải phóng biên giới năm 1950 và giải phóng Lạng Sơn ngày 17/10/1950 đã góp phần không nhỏ sức người, sức của cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đội du kích Ba Sơn và Đảng bộ, nhân dân xã Xuất Lễ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đông rồi sẽ tàn nhường bước gió xuân. Những khu căn cứ du kích năm xưa giờ đang chuyển mình về đích nông thôn mới. Hãy đến với xứ Lạng, đến với những dòng họ nghìn đời tình nguyện là người lính canh biên ải, đến với những thôn làng bình dị mà kiên gan nuôi giấu, che chở cho bao cán bộ cấp cao của Đảng hoạt động những ngày đầu cách mạng. Hãy chìm trong nồng nàn hương quế, hương hồi, tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật vô giá kể về những năm tháng kháng chiến cứu quốc đầy gian khổ, hy sinh mà vẻ vang của quân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn để thấm thía hơn về cái giá của hòa bình, no ấm hôm nay.

Sĩ khí dâng cao, quân dân Nà Thuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, đánh lui tiểu đoàn Âu Phi, tiêu diệt hàng chục tên, trong đó có tên đội Pháp. Tin chiến thắng làm nức lòng quân dân Việt Bắc, Bác Hồ nghe báo cáo rất vui, nhất là khi biết chuyện Thành hoàng cũng tham gia cùng nhân dân đánh giặc, Bác bảo “Vậy phải khen thưởng cả thành hoàng làng”. Nói rồi, Người ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc Huân chương Chiến công hạng ba và cho may một bức trướng đặc biệt tặng đình Thành hoàng Pò Háng.