Những giá trị mới từ nông thôn mới

NDO - Phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều giá trị mới cho những vùng quê nghèo, trong đó có xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk).
Đồng bào Ê Đê ở xã Ea Tul, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đồng bào Ê Đê ở xã Ea Tul, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Nhìn con đường trải bê-tông rộng rãi chạy thẳng tắp trước nhà, ông Nguyễn Văn Luyến, xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bồi hồi nhớ lại, nếu không có chương trình xây dựng nông thôn mới, không được cán bộ xã vận động hiến đất làm đường và bản thân ông cũng như nhiều người dân nếu không chiến thắng được tư tưởng "tấc đất, tấc vàng" thì có lẽ những lối mòn đi mãi thành đường bùn đất ấy sẽ còn đeo bám người dân quê ông. 

 Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như nhận thức của người dân… khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bằng sự vào cuộc quyết liệt, sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, với nhiều cách làm sáng tạo đã đưa nhiều địa phương vượt qua khó khăn, về đích nông thôn mới.

"Đánh thức" nguồn nội lực

Xã Ea Bung, huyện Ea Súp là xã biên giới đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk. Chủ tịch UBND xã Ea Bung Phan Thanh Pha cho biết, khi triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, xã chỉ đạt 4 trong số 19 tiêu chí, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 30%... Bằng nguồn hỗ trợ của cấp trên, kinh phí địa phương và nhiều nguồn huy động khác, xã Ea Bung đã đầu tư hơn 43,6 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình văn hóa, xã hội khác, đồng thời, vận động nhân dân đóng góp hơn 600 triệu đồng.

Từ một xã biên giới đặc biệt khó khăn, đất rộng, người thưa, đến cuối năm 2020, xã Ea Bung về đích xây dựng nông thôn mới với những kết quả ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 4%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/năm.

Thành công trong xây dựng nông thôn mới của xã Ea Bung có được chính là nhờ sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân từ trong nếp nghĩ, cách làm, thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Gia đình ông Nguyễn Văn Luyến ở thôn 7, xã Ea Bung mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng đã hiến tặng 1.620m2 đất để xã làm đường giao thông.

Dẫn chúng tôi ra thăm con đường đi ngang trước nhà, ông Nguyễn Văn Luyến chia sẻ: "Trước đây, trong xóm chỉ có một con đường mòn nhỏ, hằng ngày chứng kiến cảnh các cháu học sinh mặc áo dài đi học bị ngã xe, áo quần, sách vở lấm bùn đất phải về nhà thay, tôi đã vận động vợ con hiến đất để xã làm đường bê-tông. Kể từ khi làm đường đến nay, bộ mặt thôn xóm thông thoáng, người dân và các cháu học sinh đi lại thuận lợi, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, bền chặt".

Phát huy nguồn nội lực trong dân để xây dựng thành công nông thôn mới cũng là cách làm sáng tạo tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái. Ghi nhận tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái), nơi có 80 hộ dân tộc Mông sinh sống, thu nhập người dân chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp cho nên việc xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Theo lãnh đạo thôn Khuôn Bổ, tổng kinh phí huy động cho xây dựng nông thôn mới đã đạt hơn 4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 3,4 tỷ đồng. Để có 3,4 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, tại Khuôn Bổ đã hình thành hai tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp sản xuất và tiêu thụ nông sản được bảo đảm thông suốt giữa các mùa vụ. Nhờ đó, Khuôn Bổ đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu với 100% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, đường ngõ, xóm bê-tông hóa đạt 80,2%, hơn 91% số hộ gia đình có nhà đạt chuẩn.

Khoác "áo mới" cho vùng quê nghèo

Tham gia xây dựng nông thôn mới, giờ đây nhiều buôn làng có đường nhựa, đường bê-tông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng. Người dân không chỉ phát triển sản xuất nhằm xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu, xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) Phạm Xuân Toàn cho biết, từ sự vượt khó đi lên của Khuôn Bổ, các thôn khác trong xã đã học tập và làm theo tạo thành các vùng chuyên canh tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị như: vùng trồng quế, tre bát độ, cây ăn quả có múi và vùng trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta, nâng mức thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống còn 13,8%.

Để có nhiều địa phương như xã Hồng Ca, Tỉnh ủy Yên Bái đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giúp đỡ các huyện; phân công các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, trưởng các ngành, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ các xã vùng khó khăn.

Với việc giao chỉ tiêu thoát nghèo từ 15 hộ đến 30 hộ/năm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đưa nội dung giúp đỡ thoát nghèo vào chấm điểm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, với mục tiêu cao nhất là hướng tới sự hài lòng của người dân, đến nay, Yên Bái đã huy động các nguồn lực xã hội hóa cùng với nguồn lực ngân sách hỗ trợ làm gần 1.000 nhà cho người có công và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân nhiều địa phương đã quyết liệt đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, biến những vùng đất cằn cỗi, trở thành những cánh đồng trù phú, nâng cao đời sống, tăng thu nhập.

Ông Y Hoa H’Đớt, Trưởng buôn Phơng, xã Ea Tul huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) kể: "Trước đây, bà con trồng cà-phê, hồ tiêu, cao-su nhưng chăm sóc theo kinh nghiệm, không có nguồn vốn đầu tư, năng suất thấp. Kể từ khi xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất,… đời sống được nâng cao về mọi mặt".

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang cuộc sống ấm no đến với đồng bào tại nhiều vùng quê nghèo trong cả nước. Kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà phần đông trong số họ đã vươn lên làm giàu. Nhờ sự ổn định về kinh tế, cuộc sống tinh thần của đồng bào cũng được nâng cao. Các lễ hội truyền thống, văn hóa… được bà con nâng niu, gìn giữ. Đây cũng chính là những giá trị mới mà nông thôn mới đem lại cho người dân trên những vùng đất khó.