Những “chiếc lá” xanh

Ở Thành phố Hồ Chí Minh có một dự án phi lợi nhuận do các bạn trẻ tạo nên, mang tên Nhà nhiều lá. Hơn ba năm qua, những “chiếc lá” trong ngôi nhà chung này đã cùng nhau tạo nên bao điều hữu ích cho cộng đồng. Một thư viện “0 đồng” giữa không gian xanh mát, tủ sách miễn phí cho vài điểm trường xa, chuỗi hoạt động thu rác đổi cây, các buổi chia sẻ truyền thông điệp sống xanh cho tất cả mọi người.
Điều Nhà nhiều lá mong muốn là lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng thông qua những việc làm đơn giản.
Điều Nhà nhiều lá mong muốn là lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng thông qua những việc làm đơn giản.

Thư viện đặt cọc bằng… niềm tin

Thư viện cộng đồng của Nhà nhiều lá (đường Hòa Hưng, phường 12, Quận 10) có 3.000 đầu sách, hai chú mèo và nước mát để mỗi ngày mở cửa phục vụ miễn phí cho tất cả mọi người. Rất nhiều sinh viên chọn đến đây đọc và mượn sách, ôn tập bài vở hoặc đơn giản là ngắm hai chú mèo nằm ngủ dưới bóng mát của những tán cây rồi lắng nghe đôi ba câu chuyện thú vị về môi trường. Hơn một năm nay, tuần vài buổi, Võ Nguyễn Xuân Hiển (sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng) lại đến thư viện này làm nhiệm vụ của cô thủ thư. Toàn bộ sách tại thư viện này đều do cộng đồng trao tặng, vậy nên, Hiển và các cộng tác viên của Nhà luôn bàn nhau tìm ra cách vận hành, quản lý tốt nhất.

Nghe bạn mới hỏi thăm “Mượn sách về nhà lâu vậy có cần đặt cọc gì không?”, Hiển và các cộng tác viên trong ca trực cười tươi, vội đáp “Ở đây tụi mình cho mượn sách đặt cọc bằng niềm tin”. Khách đến Nhà không chỉ được tận dụng không gian cộng đồng để học tập, đọc sách mà còn có thể mượn tối đa hai cuốn sách trong vòng 20-30 ngày mà chẳng cần bỏ ra bất kỳ chi phí nào. Sách trên kệ được phân loại theo lĩnh vực, có dán mã và giữ gìn sạch sẽ, tươm tất. Từ nguồn sách các nơi gửi về, ban đầu vài trăm, sau lên vài nghìn cuốn, Hiển cùng các bạn tại Nhà dành cả tháng trời chọn lọc, phân loại, tạo và dán mã rồi sắp xếp mọi thứ sao cho người đọc dễ tìm kiếm nhất.

Ngoài ra, Nhà còn có dịch vụ cho mượn sách trực tuyến để bạn đọc ở mọi miền đất nước đều có thể hưởng lợi từ thư viện cộng đồng này. Tất cả hình bìa, nội dung ngắn gọn và mã sách được tích hợp trong đường dẫn trên hệ thống. Bạn đọc chỉ cần nhắn tin vào fanpage Nhà nhiều lá, tìm cuốn yêu thích trên đường dẫn, các cộng tác viên sẽ gói sách và gửi đến tận nhà. Với các bạn ở xa, thời gian mượn sách được kéo dài từ 30 đến 45 ngày chỉ bằng vài dòng thông tin cá nhân lưu lại. Gần đến hạn trả sách, các tình nguyện viên sẽ nhắn tin nhắc. Hiển nói, việc này nhằm bảo vệ nguồn sách hiện có và tạo động lực để người mượn chú tâm hơn vào việc đọc.

Thấy thư viện hoạt động hiệu quả, mọi người lại gửi sách tặng, đủ độ tuổi, thể loại. Số sách cứ thế tăng dần. Nhà nhiều lá nghĩ đến việc tặng tủ sách cho các trường học khó khăn tại vùng sâu, vùng xa. Ban đầu là tủ sách tại Tây Ninh, về sau bổ sung thêm ở Lâm Đồng, Bình Thuận và Kon Tum. Địa chỉ các bạn tìm đến là những điểm trường rất xa, có nơi còn chưa hình thành thư viện trường nên thầy cô lẫn học sinh háo hức lắm. “Mỗi tủ sách như vậy có gần 1.000 cuốn. Nhà sẽ sắp xếp để cùng nhau mang từng thùng sách đến các điểm trường trao tận tay và tổ chức một buổi vui chơi với thầy trò nơi đó. Hôm ấy sẽ có thêm quà mà chúng em quyên góp từ cộng đồng. Khi thì tập vở, đồ dùng học tập, lúc là bánh kẹo, vài món đồ chơi. Mấy món quà nhỏ vậy mà tụi nhỏ quý lắm, bé nào cũng mừng. Về đến thành phố, thấy các trường gửi hình học trò thích thú đọc sách vào giờ ra chơi hay tiết trải nghiệm, chúng em rất vui vì biết rằng mình đã trao sách đến đúng nơi cần”, Hiển kể, giọng hân hoan.

Hôm đến tiền trạm tại một điểm trường nghèo ở Kon Tum, các thành viên của Nhà mắt rưng rưng. Trường không có thư viện, học sinh thiếu văn hóa phẩm chẳng biết mượn đâu vì chung quanh chỉ toàn cây rừng, nhà dân còn xa chứ nói gì nhà sách. Nghe Nhà có nguồn sách phù hợp, thầy hiệu trưởng mừng quá, tìm cách ngăn phòng chức năng của giáo viên, lấy một nửa diện tích làm nơi đọc và mượn sách cho trò nghèo. Sách phủ đầy kệ, thầy hiệu trưởng lên lịch cụ thể để ngoài giờ ra chơi, mỗi tuần các lớp đều có tiết đọc sách ở thư viện. Dù ở xa, các cộng tác viên của Nhà cũng cảm nhận rõ sự thích thú của thầy trò tại các tủ sách cộng đồng như thế thông qua tin nhắn, hình ảnh đều đặn gửi về fanpage. Năm 2024, Nhà sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều tủ sách ý nghĩa tại Bình Định và Quảng Nam.

Những “chiếc lá” xanh ảnh 1

Điều Nhà nhiều lá mong muốn là lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng thông qua những việc làm đơn giản.

Tặng cây, lấy rác

Bên cạnh hoạt động lan tỏa kiến thức từ trang sách, Nhà nhiều lá còn tạo dấu ấn với các chương trình bảo vệ môi trường, tác động đến ý thức sống xanh của cộng đồng. Nhớ lại sự kiện “Đổi pin và linh kiện điện tử lấy cây” đầu tiên tổ chức vào tháng 4/2021, Hoàng Mỹ Anh, Quản lý dự án Nhà nhiều lá vẫn chưa hết ngạc nhiên. Sau gần 5 phút chia sẻ thông tin, Nhà nhiều lá nhận về hơn 1.000 lượt người tiếp cận thông qua fanpage. Kết quả, hoạt động hướng đến môi trường đầu tiên của Nhà đã tương tác được với 12 nghìn người, dự kiến tổ chức vào hai ngày cuối tuần thì phải kéo dài đến 9 ngày. Nhìn dòng người đông đúc đang xếp hàng ngay ngắn, trên tay là túi pin nhỏ hoặc vài món linh kiện điện tử hư, Mỹ Anh biết, rồi đây, những sự kiện như thế này phải được tổ chức định kỳ vì nhu cầu từ cộng đồng là rất lớn.

Mất một khoảng thời gian đóng cửa dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 6/2022 đến nay, đều đặn mỗi tháng, Nhà nhiều lá luôn tổ chức các sự kiện thu rác tặng cây. Chai hộp nhựa, giấy, vỏ hộp sữa… sẽ được tái chế trong khi pin cũ, linh kiện điện tử hỏng được gửi đến các điểm xử lý đúng cách để giảm tác hại ra môi trường. Ngày nọ, một cụ bà tìm đến Nhà gửi một túi phế liệu rất to mà chẳng cần nhận cây. Bà nói, nhờ Nhà tái chế phần rác thải nhựa này giúp để không phải vứt lung tung ảnh hưởng môi trường. Rồi lắm khi, chẳng cần sự kiện gì, Nhà lại nhận vài túi lớn toàn rác đã được xử lý sạch. Bên trong là cả trăm vỏ hộp sữa đã vệ sinh kỹ càng, xếp gọn hay những vỏ hộp sữa chua đã được rửa sạch, lau khô. Người gửi đến nhắn “Nhờ Nhà nhiều lá tiếp tục vòng đời cho số rác này”. Cứ vậy, Nhà trở thành nơi nhiều người tìm đến nhờ xử lý rác.

Nhà nhiều lá hiện có 30 cộng tác viên, khi tổ chức sự kiện, tùy quy mô sẽ kêu gọi thêm 40-80 tình nguyện viên đến trợ giúp. Điều đặc biệt là khoảng 90% cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia các hoạt động tại đây đều là sinh viên. Các bạn tìm đến vì muốn chung tay bảo vệ môi trường, tập thêm thói quen mới và gia tăng trải nghiệm thú vị. Trồng và chăm sóc cây, tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa, hiểu đúng về phân loại rác tại nguồn, sử dụng quần áo vừa đủ… là những chủ đề quen thuộc mà Nhà hướng đến giới trẻ với mong muốn từng bước thay đổi suy nghĩ của mọi người.

Ngoài tới hỗ trợ tại sự kiện, nhiều tình nguyện viên còn ngỏ ý muốn cùng Nhà tổ chức các buổi chia sẻ, chương trình workshop để lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Vậy là mỗi tuần, Nhà lại dành không gian cho những buổi chia sẻ kinh nghiệm sống xanh hoặc rủ rê bạn trẻ cùng ngồi lại làm một chậu cây tiểu cảnh, ly nến từ vật dụng tái chế… Cách đây không lâu, Nhà bổ sung thêm hoạt động gia tăng vòng đời cho quần áo đã qua sử dụng bằng cách thu gom từ cộng đồng rồi tổ chức hội chợ gây quỹ hoặc gửi tặng quần áo đến các tổ chức từ thiện, người vô gia cư.

Fanpage của Nhà nhiều lá có 57 nghìn lượt thích và 65 nghìn người theo dõi, do đó, các sự kiện thu gom rác luôn được hưởng ứng nhiệt tình. Kênh TikTok cũng có lượng tiếp cận lớn do truyền tải thông điệp tích cực và nhiều thông tin hữu ích. Nhà tận dụng tối đa các kênh tương tác để ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm hơn về lối sống ít tác hại đến môi trường. “Chúng tôi không muốn lối sống xanh chỉ tổ chức theo kiểu phong trào hoặc dừng lại sau mỗi sự kiện mà phải được duy trì. Vậy nên, các kênh truyền thông luôn được đẩy mạnh. Làm thế nào để mọi người biết tác hại của việc xử lý pin sai cách hay phân loại rác tại nguồn thì có ích lợi gì và trồng thêm một cây xanh trong nhà sẽ thú vị ra sao. Cộng tác viên, tình nguyện viên khi tham gia vào các sự kiện, chương trình không chỉ có cơ hội giúp đỡ, góp sức cho cộng đồng mà cần phải nhận về giá trị là những kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm. Mong sao các bạn sẽ tự tin áp dụng những kiến thức ấy vào cuộc sống hoặc có ý tưởng tự vận hành một dự án giống như Nhà”, Mỹ Anh chia sẻ.