Những câu chuyện đằng sau các LHP quốc tế

Bên cạnh thành tố chính là các bộ phim chất lượng, những câu chuyện đằng sau các Liên hoan phim (LHP) quốc tế cũng thu hút sự quan tâm của công chúng. Những tình tiết này được bật mí trong Tọa đàm “Liên hoan phim quốc tế - Quá trình thực hiện và những câu chuyện hậu trường” tổ chức tại Casa Italy (Hà Nội) ngày 30/11 vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả tại tọa đàm.
Các diễn giả tại tọa đàm.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ LHP Italy năm 2023 đang được giới thiệu tại Việt Nam. Liên hoan được tổ chức phối hợp với LHP châu Á tại Thủ đô Rome (Italy), nhằm mang đến cho khán giả Việt Nam cái nhìn đặc biệt về điện ảnh đương đại của “đất nước hình chiếc ủng”. Buổi nói chuyện do Hanoi Grapevine, kênh thông tin và quảng bá quan trọng cho nghệ thuật và văn hóa tại Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của ông Antonio Termenini, Giám đốc nghệ thuật LHP châu Á tại Rome; ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc điều hành LHP quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF); đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm.

Theo ông Antonio Termenini, ước tính, thế giới có khoảng 10.000 LHP quốc tế lớn, nhỏ, trong đó nổi bật nhất là LHP Cannes, LHP Venice, LHP Berlin… Chỉ tính riêng Italy, cái nôi của nền văn hóa châu Âu, mỗi năm nước này diễn ra 300 LHP quốc tế chính thức, nếu tính cả những LHP không chính thức thì con số này rơi vào khoảng 500. Song, ông Termenini cũng nhận định, chỉ có khoảng một nửa trong số các LHP có chất lượng cao. Các LHP còn lại thường chỉ trình chiếu những bộ phim cũ và không có các hoạt động bên lề.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Toàn cho biết, Việt Nam hiện có LHP quốc tế Hà Nội, LHP châu Á Đà Nẵng và sắp tới là LHP quốc tế TP Hồ Chí Minh, dự kiến tổ chức năm 2024. Đây là con số rất khiêm tốn so các nước trong khu vực và trên thế giới. Do không quen thuộc với LHP, nhiều khán giả Việt Nam thậm chí còn nhầm lẫn LHP với các giải thưởng điện ảnh khác như Cánh diều vàng, Bông sen vàng… Trong khi LHP thường đào sâu vào các bộ phim dự thi, nội dung tác phẩm, các giải thưởng điện ảnh lại tập trung vào các hạng mục cá nhân nhiều hơn.

Những câu chuyện đằng sau các LHP quốc tế ảnh 1

Họp báo ra mắt Liên hoan phim Italia 2023.

Nói về quá trình thực hiện HIFF, ông Toàn chia sẻ, LHP này do Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và Công ty VietFest thực hiện. Dự án này nằm trong lộ trình để TP Hồ Chí Minh gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) trong lĩnh vực điện ảnh. Đây là dự án LHP đầu tiên và là sự kiện văn hóa hiếm hoi được tổ chức theo hình thức hợp tác công - tư, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 20%. TP Hồ Chí Minh mong muốn dự án sắp tới sẽ là một LHP quốc tế quy mô với chi phí tổ chức kỳ vọng rơi vào khoảng từ 2-5 triệu USD.

Theo ông Toàn, ngoài các yếu tố quan trọng nhất của một LHP là các tác phẩm chất lượng, ban giám khảo trong nước và quốc tế uy tín, các khâu tổ chức cũng cần phải thật chỉn chu để công chúng quốc tế có ấn tượng thật tốt về Việt Nam. “Đã có rất nhiều khán giả khẳng định sẽ không quay lại một LHP vì sự yếu kém trong việc tổ chức chỗ ăn nghỉ và công tác bảo đảm an ninh khi quy tụ cả nghìn con người trong một không gian giới hạn”, ông Toàn khẳng định. Do đó, đây thật sự là một bài toán khó cho các nhà tổ chức.

Chia sẻ kinh nghiệm về các công tác chuẩn bị cho LHP quốc tế sắp tới tại Việt Nam, ông Termenini cho rằng, ngoài kinh phí, việc làm thế nào để một LHP có được bản sắc riêng mới là điều quan trọng nhất. “Tổ chức một LHP quốc tế ở những nơi như Thủ đô Bangkok (Thailand), Rome hay TP Hồ Chí Minh đều có những thách thức, vì đây đều là những thành phố có vị thế nhất định trong khu vực. Các nhà tổ chức phải biết chính xác muốn làm những hoạt động gì, những sự kiện như thế nào ở LHP quốc tế này. Điều đó thể hiện trong việc lựa chọn các bộ phim trình chiếu, những hoạt động bên lề của LHP và thông điệp mà LHP muốn truyền tải”, đạo diễn người Italy góp ý.

Đồng ý với quan điểm trên, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định, Việt Nam không cần “chạy đua” về số lượng các LHP quốc tế mà hơn hết là cách vận hành các LHP, phim chất lượng. Bà cũng hy vọng các LHP quốc tế không chỉ là nơi chiếu, phát các bộ phim chất lượng mà còn giúp tạo cơ hội hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực với nhau. Bởi, điện ảnh châu Á đang phát triển rất mạnh những năm gần đây, không hề kém cạnh so các nền điện ảnh phương Tây. Tuy nhiên, làm thế nào để các LHP quốc tế trong khu vực và đặc biệt là Việt Nam có thể thu hút đông đảo công chúng, đó thật sự là bài toán khó của các nhà tổ chức trong thời gian tới.