Phép thử của Tài và Đức
Đại dịch Covid-19 là một phép thử. Nó cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt bộc lộ vai trò của mình trước những thách thức lớn lao của xã hội. Nếu những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại, nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn Phúc Lợi, từng hiến 5.147 lượng vàng cho Chính phủ Cách mạng lâm thời, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố Chính phủ bấy giờ, thì trong hai năm vừa qua, các doanh nhân Việt cũng đã hiến tặng hàng chục nghìn tỷ đồng góp phần ngăn chặn SARS-CoV-2.
Đó có thể là hàng nghìn tỷ đóng góp cho quỹ Vaccine, đó cũng có thể là nhiều tấn gạo cứu trợ đồng bào nghèo ở đô thị. Đó có thể là những khoản hỗ trợ khổng lồ mua máy móc thiết bị y tế, và đó cũng có thể là những sẻ chia khiêm tốn giúp một bạn hàng trong cơn bĩ cực. Đó có thể đơn giản chỉ là nỗ lực dang rộng vòng tay lo đồng lương cho người lao động trong lúc bản thân doanh nghiệp mình không có nguồn thu...
Một doanh nghiệp mới thành lập, lẽ tự nhiên sẽ nghĩ trước hết đến cách tồn tại, sản xuất và bán được hàng, nuôi sống doanh nghiệp và tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng đến một thời điểm nhất định, sứ mệnh của doanh nghiệp sẽ không còn đóng khung trong lợi ích của chính họ nữa, mà hướng tới những giá trị cho đất nước, nhân dân mình.
Nhân văn là hướng đến con người. Các doanh nghiệp nhân văn thường chọn lấy con người làm gốc, lấy việc giải quyết các nỗi đau, đáp ứng nhu cầu của con người làm lựa chọn định hướng phát triển. Cho nên, đặc tính nhân văn trong mỗi doanh nhân và doanh nghiệp của họ chính là quan tâm, chăm sóc, giải quyết nỗi lo và vấn đề của con người trong tổng hòa xã hội. Với những doanh nghiệp nhỏ, đối tượng con người được quan tâm có thể là chính những người làm công ăn lương và gia đình của họ. Doanh nghiệp lớn hơn có thể quan tâm đến một địa phương hay cả một quốc gia. Doanh nghiệp có tầm nhìn lớn lao hơn nữa sẽ quan tâm đến lợi ích của cả nhân loại.
Một doanh nghiệp mới thành lập, lẽ tự nhiên sẽ nghĩ trước hết đến cách tồn tại, sản xuất và bán được hàng, nuôi sống doanh nghiệp và tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng đến một thời điểm nhất định, sứ mệnh của doanh nghiệp sẽ không còn đóng khung trong lợi ích của chính họ nữa, mà hướng tới những giá trị cho đất nước, nhân dân mình. Trong một cuộc trò chuyện ngẫu hứng, chủ tịch một tập đoàn đa ngành tư nhân nói với tôi rằng, bây giờ là lúc nghĩ xem làm được cái gì tốt cho đất nước, cho xã hội thì mới làm. Tôi tin lời ông, vì đã trực tiếp chứng kiến những thay đổi tích cực trong triết lý phụng sự của nhiều người trong thế hệ những doanh nhân F1-thế hệ trưởng thành từ đổi mới.
Trong những giờ phút sinh tử, khi hơn 100 cửa hàng hầu như bị đóng băng theo lệnh phong tỏa chống dịch, không một đồng doanh thu, CEO của một công ty bán lẻ thời trang và hàng gia dụng vẫn kiên quyết bảo đảm thu nhập hằng tháng cho hàng nghìn nhân sự của mình, không một người nào phải nghỉ việc. Cuộc sống tinh thần của họ được đặc biệt quan tâm.
Chị tâm sự với ban điều hành: Nhỡ dịch kéo dài, chúng ta không còn gì cả, thì vẫn phải dành cho những người công nhân, nhân viên của mình một môi trường nhân văn và tử tế. Không phải ngẫu nhiên mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy tinh thần nhân văn và đạo đức kinh doanh làm tiêu chí lựa chọn Doanh nhân Tiêu biểu năm nay. Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nói: “Họ phải là những doanh nhân vừa tài vừa đức”.
Tạo nên sự công bằng thực chất
Vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đang ngày càng được thừa nhận trong xã hội. Vị thế quốc gia của Việt Nam được nâng lên đáng kể trong những năm vừa qua là nhờ sự ổn định của nền kinh tế, trong đó, sự đóng góp của các doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Ngày 26/5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “ổn định”.
Ngày 26/5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “ổn định”.
Trước đó, Fitch Ratings và Moody’s cũng đưa ra những đánh giá tương đồng. Quy mô GDP của Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt khoảng 391,92 tỷ USD, và dự báo năm 2023, sẽ đạt khoảng 424,45 tỷ USD, xếp thứ 42 trên tổng số 177 nền kinh tế, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Những thành tựu này, trước hết là từ sự đóng góp của hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng lựa chọn con đường nhân văn. Vẫn còn nhiều doanh nhân coi trọng lợi ích của cá nhân mình hay doanh nghiệp mình cao hơn lợi ích của cộng đồng, sẵn sàng trục lợi trên sự khó khăn chung của xã hội. Những người như Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt, hay ông Đỗ Anh Dũng của Tân Hoàng Minh, ông Trịnh Văn Quyết của FLC và trước đây Trịnh Xuân Thanh ở PVC là không hiếm.
Nhưng họ vẫn là thiểu số trước những doanh nhân vừa có tài phát triển doanh nghiệp của mình, vừa lựa chọn sứ mệnh nâng tầm cuộc sống của người dân và đóng góp vào sự phồn vinh chung của xã hội. Chủ tịch một tập đoàn nông nghiệp nói rằng, công ty của ông chỉ đầu tư cho các sản phẩm sạch, chất lượng cao và an toàn. “Tôi chỉ bán ra những gì mà gia đình tôi ăn được”, ông tuyên bố.
Tuy vậy, doanh nhân vẫn chưa phải là đối tượng được quan tâm, tạo điều kiện phát huy tốt nhất năng lực và sự đóng góp của họ. Những chính sách bất cập, ngay cả trong thời điểm gian khó nhất, cũng ít đặt trọng tâm đến lợi ích của doanh nhân, doanh nghiệp. Giai đoạn Covid-19 căng thẳng, doanh nhân vừa phải đóng góp cho xã hội chống dịch, vừa phải nuôi sống cán bộ, công nhân viên của mình, vừa phải bảo đảm nộp thuế, bảo hiểm theo nghĩa vụ. Hầu như họ không được nhận nhiều ưu đãi.
Những dịp lễ, Tết, quyền lợi nghỉ ngơi của người lao động được quan tâm đến mức nhiều bộ, ngành tham gia lập kế hoạch, tranh luận việc cho nghỉ bao nhiêu ngày, nhưng rất ít ai quan tâm điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ra sao. Cơ chế quản lý vẫn là kẽ hở tạo điều kiện cho các mối quan hệ, chưa tạo ra sự công bằng cho cạnh tranh bằng năng lực chuyên môn.
Mỗi năm, chúng ta có một ngày dành cho doanh nhân, trong khi thế giới không có một ngày như vậy. Đó là điều khác biệt, thể hiện sự quan tâm hơn đối với tầng lớp đang góp phần quan trọng tạo ra lợi ích trực tiếp cho xã hội. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là vẫn còn đó rất nhiều vấn đề phải làm, để tạo ra sự công bằng thật sự giữa những thành phần trong cấu trúc của nền kinh tế.
Mỗi khi, trong những khoảng thời gian thật sự khó khăn, đứng trước những thách thức lớn đối với xã hội và con người, phần lớn doanh nhân Việt Nam đều sẵn sàng, tình nguyện, bằng cách này hay cách khác, chung tay khắc phục, giải quyết những nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Trận lũ quét và lụt lội kinh hoàng năm 2020 ở miền trung là một thí dụ cho thấy tinh thần tương trợ nhân văn của doanh nghiệp cả nước.
● Español: La humanidad, cualidad compartida por empresarios vietnamitas
● 中文: 人文素养——越南企业家的共同特征
● Français: L’humanisme, une qualité commune des entrepreneurs vietnamiens
● Русский Язык: Гуманность – общее качество вьетнамских предпринимателей
● English: Humanity: the shared quality of Vietnamese entrepreneurs