Kiến tạo thế hệ doanh nghiệp cống hiến

Việt Nam đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp thành công và phát triển đến mức đề cao phụng sự xã hội. Họ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận làm giàu cho mình mà còn dấn thân vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị, bản lĩnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng trải nghiệm công nghệ AI của FPT tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2022.Ảnh: Lê Thủy
Khách hàng trải nghiệm công nghệ AI của FPT tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2022.Ảnh: Lê Thủy

Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay, khu vực kinh tế nhà nước đóng góp khoảng 28% vào tăng trưởng GDP, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 18% và 54% còn lại là đóng góp của khu vực kinh tế trong nước, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân.

Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân

Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân thể hiện rất đậm nét trong sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nhìn từ lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân đóng góp chủ đạo vào kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD; trong lĩnh vực bất động sản có sự chi phối của doanh nghiệp tư nhân với hàng loạt thương hiệu lớn và dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng là các tập đoàn kinh tế tư nhân với các điểm du lịch, nghỉ dưỡng lọt vào danh sách bình chọn quốc tế trong những năm gần đây.

Hơn 35 năm đổi mới, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã thật sự lớn mạnh về quy mô, tạo ra nhiều công ăn việc làm, có đóng góp lớn cho nền kinh tế và tham gia sâu nhiều lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ, công nghệ cao không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra quốc tế.

Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân thể hiện rất đậm nét trong sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nhìn từ lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân đóng góp chủ đạo vào kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD; trong lĩnh vực bất động sản có sự chi phối của doanh nghiệp tư nhân với hàng loạt thương hiệu lớn và dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng là các tập đoàn kinh tế tư nhân với các điểm du lịch, nghỉ dưỡng lọt vào danh sách bình chọn quốc tế trong những năm gần đây.

Phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng dần được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất thép, đầu tư xây dựng đường bộ, sân bay và gần đây bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng cả ở khâu sản xuất và truyền tải. Đó là những lĩnh vực trước đây chỉ có doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm, và nay với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân đã thúc đẩy tính cạnh tranh mạnh mẽ cả về chi phí và chất lượng đầu tư xây dựng. Doanh nghiệp tư nhân cũng len lỏi vào các vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn để cung cấp, khai phá các dịch vụ còn nhiều tiềm năng như du lịch cộng đồng, chế biến nông sản địa phương, qua đó hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Nói vậy để thấy rằng, tuy còn rải rác nhưng tầm vóc, năng lực của kinh tế tư nhân đã hiện diện khắp nơi, trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Rõ ràng khi điểm lại những lĩnh vực quan trọng, những ngành đỉnh cao đem lại diện mạo cho nền kinh tế hiện nay, gần như doanh nghiệp tư nhân đều đã xuất hiện và đóng vai trò ngày càng lớn và rõ nét.

Như trong công nghiệp chế biến chế tạo có Vingroup, Trường Hải sản xuất, lắp ráp ô-tô; TH sản xuất sữa, Masan sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng, Vietjet kinh doanh vận tải hàng không. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng có những tên tuổi lớn như Techcombank, HD Bank, VPBank cạnh tranh trực tiếp với khối ngân hàng thương mại nhà nước Big4. Ngay cả lĩnh vực chuyển đổi số, công nghiệp 4.0, lực lượng tiên phong cũng chính là những doanh nghiệp tư nhân năng động vươn lên dẫn đầu như FPT, CMC nhờ khả năng xuất khẩu phần mềm...

Kiến tạo thế hệ doanh nghiệp cống hiến ảnh 1

Vận hành dây chuyền sản xuất ô-tô tại nhà máy sản xuất ô-tô Vinfast, khu công nghiệp Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Viết Chung

Dự báo trong thời gian ngắn nữa sẽ tiếp tục có thêm những dấu ấn, thành tựu mới của doanh nghiệp tư nhân song hành cùng công cuộc phát triển của đất nước khi các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Đèo Cả được trực tiếp tham gia đầu tư các dự án đường cao tốc quốc gia.

Giữ “lửa” cải cách môi trường kinh doanh

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc với sự lớn mạnh của thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị, bản lĩnh quốc gia trong “sân chơi” hội nhập rộng lớn...

Tuy nhiên, sự chuyển mình của doanh nghiệp Việt từ quy mô siêu nhỏ lên quy mô vừa vẫn mất quá nhiều thời gian, thậm chí có nhiều doanh nghiệp không lớn lên được, hoặc không muốn lớn lên. Tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt rất mạnh mẽ nhưng còn thiếu những điều kiện để nuôi dưỡng, thúc đẩy các ý tưởng và phát triển ra thị trường nên những doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) vẫn khó để trở thành kỳ lân. Đáng lo ngại, cải cách môi trường kinh doanh bị chững lại kể từ khi đại dịch bùng phát, thậm chí đã có những biểu hiện kháng cự, làm chậm quá trình cải cách và nỗ lực phục hồi lại quyền lợi đã mất ở một số bộ, ngành thông qua động thái phục hồi lại điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ.

Tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt rất mạnh mẽ nhưng còn thiếu những điều kiện để nuôi dưỡng, thúc đẩy các ý tưởng và phát triển ra thị trường nên những doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) vẫn khó để trở thành kỳ lân.

Các chính quyền địa phương dường như mất động lực trong cuộc ganh đua cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Có những địa phương đặt ra nguyên tắc chỉ ban hành quy định khi độ an toàn pháp lý đạt tới 99,9%. Cơ quan công quyền cũng tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật “chuẩn theo đúng từng câu, từng chữ”, thay vì theo nội dung và tinh thần của điều luật trong giải quyết thủ tục hành chính hoặc linh hoạt giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với người dân và doanh nghiệp. Từ tâm lý sợ sai, khi giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, đội ngũ công chức còn tìm cách gây thêm khó khăn hơn là tạo thuận lợi. Với cách làm đó, họ cảm thấy được an toàn hơn, nhất là trong giải quyết thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Trên thực tế, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn có dư địa tăng trưởng lớn, nếu như môi trường kinh doanh được cải thiện một cách quyết liệt và bền bỉ. Sẽ có một thế hệ doanh nghiệp kế tiếp của Việt Nam xuất hiện trong giai đoạn đặc biệt này. Nhưng muốn hình thành nên thế hệ doanh nghiệp phụng sự xã hội, phải tiếp tục giữ “lửa” cải cách và không thể thiếu vai trò kiến tạo của Chính phủ. Và điều kiện để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, phải dựa trên cơ sở khơi dậy được hết tiềm năng, tiềm lực, sáng kiến, sáng tạo của các doanh nghiệp.

Coi doanh nghiệp là trọng tâm chính sách, coi kinh tế tư nhân thật sự là động lực chủ yếu của nền kinh tế. Đảng và Nhà nước đã khẳng định điều này và thể hiện qua những cam kết mạnh mẽ, những nghị quyết, chính sách được đưa ra. Vấn đề còn lại là nâng cao năng lực thực thi của cả bộ máy, và tinh thần cải cách thấm đến từng cán bộ, công chức Trung ương, địa phương.

Từ chỗ không được thừa nhận đến xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước. Kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.