Nhà điêu khắc thơ trên đá ở Chungcheongnam

Chúng tôi gặp nhà thơ, nhà điêu khắc kiêm nhà nghiên cứu phát triển kinh tế Hàn Quốc Kim Yoo-je vào một ngày mùa thu năm 2022 tại thành phố Bo-Ryong, thuộc tỉnh Chungcheongnam. Anh là tác giả tạo dựng công viên thơ độc đáo trên núi, thu hút nhiều văn nghệ sĩ và khách du lịch tới thưởng lãm.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Kim Yoo-je tặng tập thơ cho tác giả, nhà văn Kiều Bích Hậu.
Nghệ sĩ Kim Yoo-je tặng tập thơ cho tác giả, nhà văn Kiều Bích Hậu.

Điêu khắc thơ trên đá

Được ký giả, nhà thơ Jang Geon-seob lái xe đưa chúng tôi vượt hơn 200 km từ trung tâm Thủ đô Seoul tới tỉnh Chungcheongnam, tôi và dịch giả Lê Đăng Hoan thật sự ngạc nhiên khi đặt chân tới một công viên quy tụ những tác phẩm điêu khắc đá với những bài thơ của các tác giả danh tiếng Hàn Quốc. Lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ, anh Jang Geon-seob sẽ chỉ cho chúng tôi thăm tấm bia đá được dựng tại đây để ghi nhớ mối quan hệ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Thơ hiện đại Hàn Quốc. Nào ngờ khi đến, chúng tôi mới vỡ lẽ ra có cả một công viên điêu khắc thơ trên đá. Tất cả 250 tác phẩm thơ điêu khắc trên đá của nghệ sĩ Kim Yoo-je được trưng bày một phần dưới thung lũng, gần với xưởng điêu khắc của anh, một phần sắp đặt nơi lưng chừng dãy núi, nơi có con đường liên tỉnh chạy qua.

Tháng 4/2019, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Thơ hiện đại Hàn Quốc ký một biên bản ghi nhớ hợp tác trao đổi đoàn công tác, thực tế sáng tác và dịch, xuất bản tác phẩm của nhau. Cùng năm đó, vào tháng 10, một đoàn 13 nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã sang thăm các đồng nghiệp Hàn Quốc. Để chào đón sự kiện ấy, nghệ sĩ Kim Yoo-je đã thực hiện tác phẩm điêu khắc kỷ niệm sự hợp tác giữa hai hội. Đoàn nhà thơ Việt Nam cũng đã đặt chân đến tỉnh Chungcheongnam để chụp ảnh lưu niệm với tấm bia đá ý nghĩa này.

Nghệ sĩ Kim Yoo-je từng tu nghiệp ngành điêu khắc tại Nhật Bản. Sau đó, anh tốt nghiệp và làm việc một thời gian tại Nhật. Khi trở về nước, quyết định gắn bó với vùng núi tỉnh Chungcheongnam, anh phát hiện ra một điểm được nhà nước cho phép khai thác đá. Ý định mới lóe lên, anh cảm thấy mình đã tìm ra một điều thật đặc biệt trong sự nghiệp của mình: điêu khắc thơ trên đá. Đó thật sự là một cách xuất bản đặc biệt, trường tồn lâu dài với thời gian, với trời đất, hài hòa với thiên nhiên và là cách tôn vinh thơ thú vị. Nghệ thuật điêu khắc phối hợp với thơ, xoắn bện vào nhau, tương tác theo cách độc đáo, sẽ thu hút được không chỉ giới văn nghệ sĩ, mà còn cả khách du lịch và công chúng nói chung.

Chúng tôi mải mê ngắm nhìn và vuốt ve những dòng thơ trên đá. Những tác phẩm vững chãi này được sắp đặt khéo léo trên một vạt đất phẳng lưng chừng núi, dưới bóng những cây ngân hạnh, anh đào, cây phong… đến mùa thu lá vàng, đỏ ngời lên lộng lẫy. Khi ấy, mầu xám xanh của đá, mầu đen của dòng chữ thơ càng thêm sâu, thâm trầm. Kim Yoo-je bảo tôi: “Bạn hãy gửi cho tôi một bài thơ ngắn, dịch sang tiếng Hàn. Tôi sẽ làm một tác phẩm điêu khắc thơ song ngữ Việt - Hàn của bạn và trưng bày trong công viên này”. Tôi thật cảm động trước lời đề nghị của anh, nhưng vẫn đùa: “Anh mà làm thế, thì tôi hẳn năm nào cũng sẽ sang đây thăm anh, thăm tác phẩm điêu khắc thơ tôi đấy. Anh sẽ phát chán lên cho mà xem!” Kim Yoo-je cười, trêu lại tôi: “Ồ, vậy thì tôi sẽ tán tỉnh bạn và cưới bạn làm vợ đấy! Không chỉ thơ của bạn mà cả chính bạn cũng sẽ ở lại vùng núi Chungcheongnam này mãi mãi!” Dự định của anh là thực hiện 1.000 tác phẩm điêu khắc thơ trên đá cho công viên ở nơi này.

Nhà điêu khắc thơ trên đá ở Chungcheongnam ảnh 1

Một góc công viên điêu khắc thơ trên đá tại tỉnh Chungcheongnam.

Không gian bao la cho sáng tạo

Kim Yoo-je cho biết, anh còn là một thành viên trong Ban Phát triển kinh tế thành phố Bo-Ryong. Trước đó, anh từng có thời gian học và nghiên cứu ngành kinh tế tại Philippines. Với vị trí này, anh có cơ hội gần gũi, giúp đỡ nhóm tám cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và sinh sống ở đây. Gia đình những cô gái ấy đều làm nông nghiệp, là chủ trang trại rau lớn trong vùng. Họ đã có cơ nghiệp, giàu có, ai cũng có xe hơi để dùng. Cũng trong buổi hôm ấy, hai trong số các cô gái Việt Nam cư trú tại tỉnh Chungcheongnam đã đến chào mừng chúng tôi, tặng mỗi người một bó hoa tươi. Nghệ sĩ Kim Yoo-je hào hứng nói: “Các cô gái này được chúng tôi trân quý lắm. Các cô đã sinh 13 đứa con và ở đây sắp hình thành đủ một làng Việt Nam rồi”. Phan Cẩm Lam, một trong hai cô gái Việt Nam định cư ở đây cho biết, mỗi khi các cô gặp khó khăn, gọi đến Kim Yoo-je thì đều được anh giúp đỡ tận tình, cho ra kết quả mới thôi.

Sau khi thăm công viên điêu khắc thơ trên đá, Kim Yoo-je dẫn chúng tôi tới thăm nhà anh. Lái xe lượn qua mấy khúc quanh sườn núi, chúng tôi tới một con đường nhỏ hai bên vàng rực tán cây ngân hạnh. Một thảm lá vàng thắm rải kín mặt đường, những tán lá vàng mỏng nhẹ bay lên khi bánh xe hơi lướt qua, lãng mạn xiết bao, thật sự là một nơi dành cho tâm hồn nghệ sĩ. Ngôi nhà cũ kỹ nằm lặng lẽ, có phần cô độc trên sườn núi, bao quanh phía ngoài là bức tường rào đá xếp, giống hàng rào đá ở vùng núi Hà Giang (Việt Nam). Tôi chú ý đến cái giếng nước có xếp đá bao quanh và bên trên là một cây thông già nghiêng bóng cổ kính xuống mặt nước. Có vẻ như nước giếng là nước đọng chảy từ trên núi xuống qua một đường ống ẩn trong đất. Ngôi nhà nhỏ của nghệ sĩ Kim Yoo-je tiết chế đồ đạc, phần nhiều là sách. Sách xếp kín một bức tường và được trữ ở các giá đặt trong các phòng, kể cả phòng bếp. Nơi ngủ của nghệ sĩ cũng cơ động, chỉ là một tấm đệm dày, khi không dùng thì dựng lên lấy không gian đi lại.

Bên bàn bếp, Kim Yoo-je lấy sách thơ của anh, với nhan đề “Người phụ nữ mở ban mai” ký tặng chúng tôi. Dịch giả Lê Đăng Hoan hứa sẽ dịch thơ anh sang tiếng Việt và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Rồi cũng tới lúc phải chia tay, rời ngôi nhà nhỏ đứng đơn độc trên sườn núi ấy, chúng tôi bỗng thầm ghen với nghệ sĩ Kim Yoo-je. Anh có cả một không gian bao la cho sáng tạo.