Người kể chuyện thế gian

Ví nhà văn Đỗ Phấn là người kể chuyện thế gian, không biết có khiến ông bận tâm không, nhưng thật sự là tôi thấy thế, khi những trang cuối cùng của cuốn khép lại…

Người kể chuyện thế gian

“Bờ Hồ là địa điểm vui chơi. Đến bây giờ vẫn thế. Ai đến Hà Nội mà chưa đi Bờ Hồ thì chưa là biết Hà Nội”, nhà văn Đỗ Phấn khẳng định chắc nịch như vậy, trong bài viết “Đi chơi Bờ Hồ” được chọn làm tựa đề cuốn tản văn vừa ra mắt của ông.

Hà Nội có nhiều hồ, nhưng khi nhắc đến Bờ Hồ, hẹn nhau lên Bờ Hồ, không ai đi chệch hay nghĩ khác là hẹn nhau ở hồ Hoàn Kiếm. Ở đó, người ta có thể dẫn bạn phương xa thăm thú đền Ngọc Sơn, Tháp bút, Đài nghiên, ngồi ghế đá ven hồ ngắm những hàng cây trổ lộc xanh mơn man lúc xuân về hay ngắm nhìn tòa nhà Bưu điện hắt bóng xuống mặt nước Hồ Gươm… Nhưng đọc tản văn này của Đỗ Phấn, người ta còn biết thêm về một dòng tranh từng thịnh hành ở đây, đó “Tranh Bờ Hồ”. Tranh bờ hồ được vẽ bằng bột mầu pha với phẩm mầu dân gian tả cảnh bờ hồ, có đặc điểm là các họa sĩ “vẽ tại chỗ và bày ra đất, chặn mấy viên sỏi bán cho khách vãng lai. Sau nâng cấp lên bán trong ki-ốt sách báo của bà vợ cố họa sĩ Hoàng Lập Ngôn ngay dưới chân núi Ngọc Bội cửa đền Ngọc Sơn”.

Nhẩn nha, chầm chậm với từng câu chữ của Đỗ Phấn, người đọc sẽ bắt gặp nhiều chi tiết, nhiều câu chuyện xưa mà đến nay nếu không được gợi nhắc thì hoặc nhiều người đã quên, hoặc nhiều người không biết. Tỉ như chuyện thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước Hà Nội thiếu điện, “ngày lễ trọng trong năm thành phố cho mắc bóng đèn mầu quanh Hồ Gươm và ngôi sao trên nóc tháp Rùa… Hết ngày lễ, sở điện tháo đèn mang về để sang năm dùng lại. Trẻ con bốn khu nội thành khấp khởi mong chờ chỉ vài ngày trong năm để dự bữa tiệc mầ0u sắc ấy” (Gặp lại dấu xưa). Hay: “Vào quãng đầu những năm 70 khá nhiều vòi nước chỉ còn chảy nhỏ giọt. Cái núm vặn hai tai trở nên thừa thãi. Người Hà Nội ngồi canh máy nước công cộng để theo dõi nước chảy suốt ngày đêm. Không phải để khóa mà là để hứng. Hàng hàng xô chậu nối đuôi nhau xếp dài cả trăm mét vỉa hè…” (Vòi nước công cộng).

Cứ như thế, những câu chuyện của người, của mình trong tản văn của Đỗ Phấn đánh thức giác quan của người đọc, để những người đã từng sống thấy vọng lên một quá khứ và thầm so sánh những trải nghiệm bản thân, còn những người chưa từng trải qua, hay với du khách mới đến Hà Nội, sẽ cảm thấy tò mò, muốn tìm kiểu sâu hơn, nhiều hơn, thậm chí muốn tìm kiếm, đặt dấu chân mình trên những con phố, khu tập thể từng làm nên những câu chuyện về Hà Nội một thời.

(“Đi chơi Bờ Hồ”, Đỗ Phấn, NXB Trẻ).