Ngành cơ khí cần sự quan tâm đúng mức

Ngành sản xuất - chế tạo đang rất cần mở rộng cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại và hợp tác cho doanh nghiệp cơ khí trong nước về công nghệ, nhân lực, chính sách. Việc quan tâm đúng mức sẽ giúp lộ trình của ngành công nghiệp cơ khí tại Việt Nam vững đà phát triển, tránh bỏ ngỏ thị trường còn nhiều dư địa.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng năm 2022 so cùng kỳ năm 2021 tăng ở 61 địa phương. Ảnh: NAM ANH
Chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng năm 2022 so cùng kỳ năm 2021 tăng ở 61 địa phương. Ảnh: NAM ANH

Nhiều tiềm lực chưa được khai thác

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, nhưng hiện nay ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng gần một phần ba nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Vì vậy, thị trường và cơ hội tiềm năng của ngành cơ khí vẫn còn rất nhiều.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tám tháng năm 2022 để lại những chỉ số ấn tượng và đầy hứa hẹn trong ngành sản xuất: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%. Tính chung tháng 8/2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng ở 61 địa phương. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/8/2022 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23,2% so với cùng thời điểm năm 2021.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khối ngành sản xuất - chế tạo đang rất cần khai phóng cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại và hợp tác cho doanh nghiệp. Nếu có bệ phóng sẽ giúp lộ trình của ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiến gần hơn mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay và tăng 7,2% vào năm 2023 (theo ước tính của IMF).

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung, ngành cơ khí nói riêng rất cần Đảng, Nhà nước và các ban, ngành hữu quan tiếp tục quan tâm về mặt chính sách, hỗ trợ giải quyết một số vấn đề vướng mắc để phát triển. Trong đó, điểm nhấn là vốn, kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế (FDI) là hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy và “tạo lực kéo”, trực tiếp ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm để ngành cơ khí tham gia vào chuỗi.

Tự động hóa với công nghệ

Nhiều doanh nhân trong ngành cho rằng, áp dụng công nghệ chế tạo sẽ góp phần tạo nên khởi đầu mới cho một kỷ nguyên vàng về tăng trưởng công nghiệp Việt Nam. Năm 2022 được đánh giá là thời điểm các ngành công nghiệp được sắp xếp lại, đầu tư và triển khai về chiến lược sản xuất dài hạn trên toàn cầu. Những thách thức trước mắt về nguồn nhân lực cũng thúc đẩy quy trình tự động hóa tại nhà máy nhiều hơn.

“Không ngừng sáng tạo, đổi mới, trao đổi, lĩnh hội, kết nối và tiếp cận các giải pháp, ứng dụng triển khai trong thực tế sẽ nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo đà cho ngành cơ khí phát triển” là nhìn nhận chung của cộng đồng doanh nghiệp cơ khí.

Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS) Nguyễn Ngọc Tú cho biết, đón đầu xu thế tự động hóa, nhất là đối với ngành sản xuất phụ trợ ô-tô, xe máy điện ở Việt Nam, VNAS nỗ lực hướng đến là đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp tự động hóa robot trong sản xuất với các ứng dụng hàn, cắt kim loại, bốc xếp, thay thế, hỗ trợ con người, hướng đến tích hợp nhà máy thông minh 4.0.

“Ứng dụng hàn dùng robot thay thế cho con người để cắt giảm chi phí nhân công - thứ mà sau dịch càng ngày càng hiếm và đắt đỏ. Với một trạm hàn tiêu chuẩn, nếu trước vận hành cần ba người, một người để cấp đầu vào, một người để hàn, một người để cấp ra. Nhưng áp dụng công nghệ tự động, robot có thể làm công việc của cả ba người”, ông Nguyễn Ngọc Tú nêu thí dụ. Đồng thời khẳng định, áp dụng công nghệ robot vào trong sản xuất tự động sẽ giúp dây chuyền ổn định hơn, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất và đón đầu các doanh nghiệp sản xuất ô-tô đang vào Việt Nam. Hiện nay các trạm hàn tự động của VNAS đang được ứng dụng rất nhiều trong xe ô-tô của Vinfast, như khung gầm cho các mẫu xe Lux A, Lux SA…

Doanh nghiệp nỗ lực, chính sách phải có

Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, ông Đào Phan Long cho rằng, ngành chế tạo máy công cụ được ví là máy cái, máy gia công kim loại để hình thành công cụ cho các ngành khác.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay tiến rất nhanh, nếu không chủ động bắt kịp công nghệ mới, tiên tiến của các nước, Việt Nam sẽ rất khó khăn. Không chủ động, chúng ta có thể sẽ rước về những công nghệ thải loại của các nước, trở thành bãi rác của thế giới”, ông Long chỉ ra nguy cơ.

Thực tế cho thấy, thế hệ máy công cụ dùng gia công sản xuất ở các xí nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam có mức độ thua kém so với các nước trong khu vực. Việc đổi mới trang thiết bị công nghệ không phải một sớm một chiều, phải có tiền, công nghệ, chính sách…

Vậy nên, đã đến lúc những người làm chính sách, quy hoạch, Nhà nước phải có quy hoạch, lộ trình rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Con đường hình thành các trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp nói chung, cơ khí nói riêng là rất cần thiết. Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam với chiến lược riêng, kết hợp chính sách của Nhà nước sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể phát triển ngành cơ khí đất nước.

Thực tế, hiện nay các nước đang chiếm ưu thế, doanh nghiệp cơ khí trong nước đang thua thiệt, đi làm thuê trên đất nước mình. Do đó, ông Đào Phan Long kiến nghị, bất kể đầu tư công hay đầu tư lớn phải học theo các nước, đặt vấn đề trong dự án đó doanh nghiệp Việt được làm bao nhiêu phần trăm. Đơn cử, một nhà máy nhiệt điện 1.200MW đầu tư hơn hai tỷ USD, cơ khí Việt Nam tham gia những khâu gì để có việc làm, tích lũy được kỹ thuật, vốn và phát triển tiếp theo hướng bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, xanh. Hoặc với ngành sản xuất ô-tô, đóng tàu hiện nay thương hiệu nước ngoài vẫn đang chiếm lĩnh bởi những ngành này đòi hỏi vốn, kỹ thuật rất cao…

Đưa ra một loạt dẫn dụ, ông Đào Phan Long nhấn mạnh, chính sách cho cơ khí nói riêng phải nằm trong tổng hòa chính sách công nghiệp nói chung và kinh tế - xã hội Việt Nam. Phải có quy hoạch chung, trong khối thị trường về cơ khí, Việt Nam chọn một số sản phẩm để có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước điều tiết. Còn lại phải để thị trường. Nguyên do, thị trường là chính sách thuế, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực cho cơ khí… khó hơn các ngành khác. Đấy là hệ thống chính sách cần bàn tay của Nhà nước chứ không chỉ doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất, kiến tạo trong doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam sẽ giúp nâng cao năng lực một cách rõ rệt… Đặc biệt, nó có thể giúp doanh nghiệp đạt được tính bền vững với phương pháp sản xuất phụ trợ: Giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển.