Theo AP, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken vừa đưa tên năm thủ lĩnh khủng bố bị nước này đưa vào “tầm ngắm”. Trong đó có Bonomade Machude Omar, còn được gọi là Abu Sulayfa Muhammad, kẻ chỉ huy bộ phận quân sự và đối ngoại của nhóm cực đoan Ansar al-Sunna - bị Mỹ coi là chi nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mozambique. Các cuộc tiến công liên tiếp ở vùng Cabo Delgado thuộc Mozambique khiến bạo lực cực đoan không chỉ ảnh hưởng ở nước này, mà còn gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng. Bạo lực còn làm gia tăng nguy cơ bùng nổ khủng hoảng nhân đạo trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Washington cũng kết tội Abu Sulayfa Muhammad là chỉ huy cấp cao và điều phối nhiều cuộc tiến công ở miền bắc Mozambique. Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất là nhằm vào khách sạn bên bờ biển ở TP Palma hồi tháng 3, khiến hàng chục người Mozambique và người nước ngoài thiệt mạng. Trước vụ tiến công hai tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đưa nhóm Ansar al-Sunna vào danh sách Tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO).
Hai cái tên khác là Salem ould Breihmatt và Sidan Ag Hitta, những thủ lĩnh cấp cao cầm đầu các tay súng ở Vùng Mopti và Vùng Kidal của Mali, thuộc nhóm cực đoan Jama’at Nasr al-Islam wal Muslimin (Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo - JNIM). Breihmatt là chuyên gia về chất nổ và tuyển dụng chiến binh thánh chiến, còn Hitta là kẻ chịu trách nhiệm trong vụ tiến công nghiêm trọng vào căn cứ Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA) tháng 1/2019, cũng như nhiều vụ bắt cóc con tin trong khu vực. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), JNIM hoạt động như liên minh của các nhóm nổi dậy thánh chiến hoạt động ở khu vực Sahel của châu Phi, được thành lập vào năm 2017.
Ngoài ra, danh sách cũng bao gồm hai thủ lĩnh của al-Shabaab - nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Somalia. Đó là Ali Mohamed Rage, còn được gọi là Ali Dheere, người phát ngôn và thủ lĩnh cấp cao của nhóm; Abdikadir Mohamed Abdikadir, còn được gọi là Ikrima, là kẻ điều hành và lập kế hoạch hoạt động. Những năm gần đây, al-Shabaab đã mở rộng lãnh thổ hoạt động trong khi tiến hành các cuộc tiến công nhằm vào dân thường, cũng như chống lại lực lượng an ninh địa phương, quân đội quốc tế...
Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Mỹ sẽ phong tỏa “tất cả tài sản và quyền lợi về tài sản của những cá nhân này” cũng như có thể chỉ định các nhà nước, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với những đối tượng này là khủng bố. Bằng động thái này, Washington đang kỳ vọng có thể ngăn chặn các phương thức tài trợ cho ba nhóm khủng bố tại châu Phi. Cả Ansar al-Sunna, JNIM và al-Shabaab hiện nằm trong danh sách FTO của Mỹ. Nước này cũng nhấn mạnh yêu cầu “hợp tác chặt chẽ” để giải quyết mối đe dọa, làm suy giảm năng lực và hoạt động của các nhóm khủng bố này, chống lại sự kiểm soát và ảnh hưởng của chúng.
Hiện nay, giới quan sát lo ngại rằng đại dịch Covid-19 đang đe dọa làm trầm trọng thêm những xu hướng cực đoan của chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi. Báo cáo “Chỉ số khủng bố toàn cầu năm 2020” của Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình (IEP) cho thấy, có tới bảy “điểm nóng” trong khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng khủng bố và bạo lực. Trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, đã đặt nhiệm vụ phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố lên hàng đầu trong nhóm giải pháp ưu tiên để triệt tận gốc bạo lực. Song đến nay, vấn đề ngăn chặn các nguồn tài trợ khủng bố vẫn là bài toán nan giải ở nhiều nơi trên thế giới.