Nặng lòng bún hến

Được một người bạn sang tai, tôi quyết định đi tìm hồn của Huế giữa lòng Vinh. Vòng vèo qua mấy con phố rồi cũng đến nơi. Cô chủ niềm nở: “Con ăn chi rứa?”. Tôi lướt nhìn “menu” và như một phản xạ tự nhiên, cố hữu, tôi chọn cho mình một tô bún hến. Giọng Huế ngọt ngào: “Chờ chút nghe con!”.

Nặng lòng bún hến

Chưa vội ăn ngay, tôi uống một ngụm nước hến cho ấm bụng.Và cũng chưa vội nêm thêm các gia vị, tôi trộn đều các thứ có trong tô, từ từ ăn một đũa và bắt đầu cảm nhận... Tôi nêm nếm các thứ đã được để sẵn trên bàn, một chút ớt cay, một chút mắm ruốc. “Ớt lượng” của tôi đã giảm đi nhiều từ ngày ra trường nhưng cũng “liều” bỏ vô một chút, bởi bún hến ở đây không như ở Huế các o, các mệ đã nêm đủ vị rồi. Đũa thứ hai vừa gắp lên, bao nhiêu hương vị quen thuộc cộng hưởng và hòa tan trên đầu lưỡi. Vị cay của ớt, vị bùi giòn tan của đậu phộng, vị beo béo của hến, vị đậm đà của mắm nguyên chất, mềm dai của sợi bún, ngọt giòn thơm của các thứ rau rợ..., tinh tế và công phu biết mấy!

Cô chủ quán khen tôi “sành ăn”, tôi mỉm cười, tự bảo với mình “cả một hành trình đấy!”. Nhớ hôm đầu tiên vô Huế đi thi, ghé một quán ăn sáng, nhìn tô bún hến tôi không khỏi ngần ngại: “Mùng sống thế kia sao mà ăn? Vài đũa bún thế kia sao mà no?”. Nhưng bấy giờ đói quá, mà cũng lỡ gọi bún hến ra rồi nên đành phải ăn! Mới ăn được một đũa, vị cay đã xộc vào mũi, rồi nước mắt, nước mũi theo nhau chảy lòng ròng…Tưởng như mãi mãi phải ghi nhớ cái dư vị không mấy dễ chịu về món bún hến đất kinh kỳ buổi đầu ấy.

Một lần lớp tôi tổ chức liên hoan đi ăn bún hến, đứa thì chọn ăn cơm hến, đứa ăn mì hến, đứa ăn hến xào. Tôi nghĩ mình “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa rồi”, nhưng không lẽ mọi người ăn vui vẻ thế, tôi lại ngồi nhìn, cuối cùng tôi cũng quyết định thưởng thức món bún hến theo cách riêng của mình, gọi bún và thêm vào “cái đuôi”: “O ơi cho con tô bún hến, không ớt!”. Ai cũng nhìn tôi có vẻ lạ lẫm, một giọng Huế dịu dàng: “Không có ớt thì còn chi là bún hến nữa em!”. O bán hến nhìn tôi cười bảo: “Huế mưa nhiều, ăn cay cho đỡ lạnh bụng con hi!”... Vậy là lần thứ hai tôi ăn bún hến, và lần này có thêm một chút ớt. Thấy vị giác được kích thích mà bún hến có ngon hơn đôi phần.

Từ bữa đó tôi quyết định tập ăn cay, mỗi bữa một ít nêm vào tô bún hến của mình, cuối cùng “ớt lượng” cũng tăng lên. Mà thấy đúng thật, càng cay bún hến càng ngon! Rồi không biết từ bao giờ tôi cũng đã phải lòng cái món ăn dân dã, mộc mạc ấy. Bốn năm, thời gian đủ để nhấm nháp và cảm nhận, đủ để vị của hến thấm sâu vào ngóc ngách tâm hồn. Để bây giờ khi đã xa Huế biền biệt cả năm trời, tô bún hến lót dạ mỗi buổi mai lên giảng đường khi xưa vẫn âm thầm dâng lên thành nỗi nhớ.

Giờ ăn bún hến Huế, nghe giọng Huế giữa lòng thành Vinh này, nói gì thì nói sao mà bằng được khi ở đất cố đô, nhưng như thế cũng là quý lắm rồi! Cảm ơn người đã mang theo hồn của Huế trên bước đường tha hương!