Nâng cao kỹ năng thực hành trong giáo dục nghề nghiệp

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động mấy năm qua, hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng hoặc mất việc làm. Gần hai triệu lao động đã phải rời khỏi thị trường lao động trở về quê. Để thích nghi những thay đổi của thị trường, người lao động phải qua đào tạo nghề nhằm đáp ứng được các yêu cầu tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thực hành nâng cao kỹ năng của sinh viên trường nghề.
Thực hành nâng cao kỹ năng của sinh viên trường nghề.

Ứng dụng công nghệ mới

Ứng dụng công nghệ mới và giảng dạy trực tiếp trong nhà máy đang được các trường nghề triển khai ngày càng nhiều, giúp các em sinh viên có cơ hội tham gia thị trường lao động ngay sau tốt nghiệp.

Tại Trường cao đẳng Cơ điện nông nghiệp Hà Nội, các học viên được học trong môi trường mô phỏng cùng các thiết bị điều khiển giống hệt như trong nhà máy. Sau khi học lý thuyết, các em được tự tay lắp đặt thiết bị. Chính phương pháp dạy học này đã giúp cho các em biết được thực tế công việc sau này như thế nào và hứng thú học tập cũng cao hơn. Sinh viên Trần Thanh Hùng của trường cho biết: “Lớp học được trang bị hiện đại với mô hình giống như các xưởng sản xuất. Điều này khiến chúng em không bị quá bỡ ngỡ khi thực hành và có thêm rất nhiều hứng thú trong học tập”.

Thầy Trương Văn Chuyến của trường vừa là thợ, lại giảng dạy và chỉ dẫn cho học viên thực hành. Vừa là thầy, vừa là thợ nên những chỉ dẫn của thầy rất sát với thực tế. “Sinh viên sẽ chủ động làm những phần thực hành. Nếu có sai hỏng, chưa chuẩn thì giáo viên mới trực tiếp đi vào hướng dẫn”, thầy Chuyến cho biết.

Phó Hiệu trưởng nhà trường Đào Quang Huy, chia sẻ: “Nhà trường đẩy mạnh việc học tập ứng dụng các phần mềm, các mô phỏng do đó học viên ngoài việc thị phạm trên lớp, các em còn có thể thị phạm ở các phần mềm học tập. Hiệu quả học tập cả lý thuyết và thực hành nâng lên rõ rệt”.

Hiện, Trường cao đẳng Cơ điện và Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cũng đang áp dụng các chương trình nền tảng số, trong đó có thể hỗ trợ người học mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Ngoài ra, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tăng cường thời lượng thực hành, nắm bắt ngay nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp cũng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường thực hiện. “Việc kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo đơn thuần mà trong cả vấn đề thực tập, thực hành nhằm giúp học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi đi làm việc. Việc đào tạo học sinh, sinh viên đa kỹ năng là điều hoàn toàn đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay”, ông Đào Quang Huy nhận định.

Mới đây, Công ty Aichi Toyota, AT Group Nhật Bản và Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã tổ chức lễ khai trương Trung tâm đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng ô-tô điện và ô-tô Hybrid theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là chương trình hợp tác đào tạo nhân lực AT School, với sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Bản. Sinh viên theo học chương trình này sẽ được giảng viên của Nhật Bản trực tiếp đào tạo trên những thiết bị đào tạo hiện đại nhất, những công nghệ bảo dưỡng mới nhất, chủ yếu dành cho xe Hybrid do chính công ty Aichi Toyota cung cấp… Đặc biệt, khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại doanh nghiệp ô-tô Nhật Bản, nhiều đại lý ô-tô ở Việt Nam. Hoặc có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình dành cho người nước ngoài có trình độ cao đẳng với hợp đồng làm việc 5 năm, được hưởng chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội như người Nhật Bản.

Nâng cao kỹ năng thực hành trong giáo dục nghề nghiệp ảnh 1

Sinh viên trường nghề Việt Nam dự thi tay nghề quốc tế.

TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cũng cho biết, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và địa phương mà đến nay, 90% sinh viên của trường từ năm thứ ba trở đi đã được các doanh nghiệp nhận. Điều này cho thấy sự khan hiếm của lao động nghề cũng như sự thích ứng linh hoạt của trường nghề trong thời kỳ dịch Covid-19 đang diễn ra.

Trước những yêu cầu của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đẩy mạnh việc kết hợp các doanh nghiệp để có những dự đoán về số lượng lao động cụ thể, từ đó tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác đào tạo và hạn chế tình trạng thừa hoặc thiếu việc làm sau khi đào tạo. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải linh hoạt, có thể đào tạo, thực hành ngoài giờ, ngày nghỉ chứ không cứng nhắc trong vòng 8 tiếng.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, việc đào tạo học sinh, sinh viên đa kỹ năng là điều hoàn toàn đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Chính vì vậy, các trường cần sàng lọc xem doanh nghiệp nào đang có nhu cầu cấp thiết sau đó sàng lọc với số lượng phù hợp để đưa học sinh đi thực tập. “Cả doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau để có chương trình đào tạo linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường trên cơ sở các chuẩn đầu ra của ngành và của các trường”, TS Bình nói.

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp nhận định: “Một trong những thách thức không nhỏ của chúng ta là tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp so các nước trong khu vực và thế giới. Cân đối cung cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận năng suất lao động tiềm năng, còn thừa thiếu lao động cục bộ, làm việc không đúng chuyên ngành nghề đào tạo”.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%. Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia vào năm 2025

Theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ đổi mới và phát triển chương trình đào tạo chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số đạt 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp ứng dụng khoa học-công nghệ mới.

Chương trình cũng đặt mục tiêu hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025. Phấn đấu 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia.

Ngoài ra, quản lý số và quản trị số phấn đấu đạt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp vào Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào năm 2023.

Lộ trình số hóa 100% quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số của trường cao đẳng, trung cấp vào năm 2025 và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Hình thành bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào năm 2025 và liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin giáo dục nghề nghiệp vào năm 2030. Mục tiêu, đến năm 2025 phấn đấu 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện trên môi trường số và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.