1. Dòng Nậm Rốm gắn liền với tâm thức người Thái mảnh đất Điện Biên Phủ. Theo ngôn ngữ của người dân tộc Thái, “Nậm” có nghĩa là nước hoặc sông, suối, “Rốm” là cây lát. Nậm Rốm tức là dòng sông bắt nguồn từ rừng gỗ lát. Ngày nay, không ai còn biết rừng lát cổ xưa là ở đâu, chỉ biết Nậm Rốm có hai nhánh chính và vô vàn suối, khe. Một nhánh từ suối Mường Phăng, chảy qua Pá Khoang, Phiêng Lơi để hòa cùng nhánh từ Nà Tấu ở gần bản Ta Pô xưa, nay là phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ. Từ đây Nậm Rốm chảy uốn khúc trong thành phố và giữa những cánh đồng đến rìa phía nam lòng chảo để gặp sông Nậm Nưa.
Cùng trên chuyến bay, ông Tony Atkinson người Australia, nhà nghiên cứu lịch sử trận Điện Biên Phủ nói một cách hình tượng rằng, sông Nậm Rốm là cái cuống phễu hứng nguồn nước từ mọi hướng trong cái “thau nhà trời” này. Đón chúng tôi là Quàng Thị Kim Nhung, người Thái chính gốc Mường Thanh. Khi nói về dân tộc mình, Nhung hay bắt đầu bằng cụm từ “Người Thái chúng em” thật duyên dáng, gần gũi và kiêu hãnh.
Nhung kể cho tôi nghe một truyền thuyết của dân tộc Thái ở thung lũng Mường Thanh. Chuyện kể rằng, phía đầu nguồn Nà Tấu có bản Nà Nọi. Bên bờ trái có phiến đá to hình cái chậu được gọi là Chom Năng (chậu của nàng). Bên bờ phải có ngọn núi tên là Ải Lao. Vào ngày mưa to gió lớn, nước sông Nậm Rốm dâng lũ đỏ ngầu, thần chủ của đầu nguồn sông Nậm Rốm là Luông Me (rồng mẹ) theo đường ống xuyên từ Nậm Rốm lên ngọn núi Ải Lao để gặp thần chim phượng hoàng. Sau đó Luông Me rút khỏi Ải Lao trở về sông để đẻ trứng ở Chom Năng. Trứng của Luông Me nở ra Khun Bo Rốm. Khun có nghĩa là thủ lĩnh, Bó là nguồn. Khun Bó Rốm là Thủ lĩnh đầu nguồn sông Nậm Rốm. Vị thủ lĩnh đầu tiên của người Thái đã chỉ huy binh hùng tướng mạnh và người Thái Bé (Thay nọi) khai phá cánh đồng rộng lớn, trở thành chủ nhân đầu tiên của đất Mường Thanh.
Nhung hỏi tôi: “Anh biết tại sao Nậm Rốm lại chảy ngược không?”. Trong khi tôi đang loay hoay nhớ câu được câu chăng về địa tầng khu vực Điện Biên, thì cô cười: “Với người Thái chúng em, đó là do sức mạnh của tình cảm anh em đấy!”. Truyện kể rằng, ở Mường Thanh, Khun Bo Rốm sinh ra bảy người con, được Khun chia đi khắp nơi mở đất. Đất đai của người em út thiếu nước nên khô cằn. Người anh cả ở Mường Thanh bắt con sông Nậm Rốm chảy ngược để đưa nước cho em. Vì thế ở Mường Thanh (vùng Điện Biên ngày nay) các con sông đều chảy về miền xuôi, riêng sông Nậm Rốm chảy về phía nam và sang phía tây.
Chúng tôi đến cánh đồng bản Ló, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Giữa cánh đồng có một mạch nước ngầm trào lên tự nhiên mà đồng bào Thái gọi là mó nước. Trời bắt đầu nóng, dòng người xếp hàng lấy nước khá đông. Qua câu chuyện, chúng tôi thấy rất nhiều người ở xa cũng đến đây lấy nước. Chàng trai Lò Văn Chiến vừa thoăn thoắt hứng nước mó vào bình 20 lít vừa kể nhà mình ở tận Tà Lèng, nay xuống đây lấy nước về làm cơm cúng và cho gia đình dùng. “Nước này trong mát, tuyệt đối không nhớt, để lâu không có rêu. Nước lành quý lắm đó anh”, Chiến nói.
Tôi nhớ lại câu chuyện của cụ Nguyễn Xuân Mai, cựu chiến binh Đại đội 667, Tiểu đoàn 536 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối tháng 1/1954, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Mai từ trận địa Tà Lèng cách đồi A1 của địch hơn 1.000 m, quay về tuyến sau lấy gạo và thực phẩm. Khó khăn, vất vả nhất vẫn là chặng đường qua khe suối cạn. Đêm cuối năm nước suối lạnh cóng, trời tối đen như mực. Ai nấy đều vai vác nặng, người đi sau chỉ nhận ra người đi trước qua miếng gỗ mục có chất lân tinh gài trên mũ. Nhưng khi sắp đến chỗ rẽ ngoặt và cũng là chỗ khó đi nhất thì lạ thay, trên vách núi xuất hiện ánh lửa chập chờn. Ánh lửa khiến những người lính Cụ Hồ dễ nhận ra lối đi hơn. Thì ra, giữa rừng đen, một ông già dân tộc Thái đang cầm bó đuốc giơ cao như cố ý soi sáng cho bộ đội. Tôi chợt nghĩ, mạch nước ngọt lành bản Ló mạch ngầm của sông Nậm Rốm và ông già người Thái đứng trên bờ suối 68 năm về trước dường như có liên hệ hình ảnh với nhau. Như các con suối Điện Biên Phủ đều đổ về Nậm Rốm, như tấm lòng của ông già, cũng như tấm lòng của nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn tin yêu, hướng về Đảng và “Pú Hồ” (tiếng dân tộc Thái là “Cụ Hồ”.
2. Trước khi quân Pháp nhảy dù ngày 20/11/1953, Điện Biên Phủ có một cây cầu nhỏ bằng gỗ, vị trí gần tương đương cầu A1 trên đường Hoàng Văn Thái ngày nay. Sau đó, do sông Nậm Rốm chảy dọc thung lũng, chia đôi khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, nên người Pháp cần cầu lớn hơn để vượt sông. Hai cây cầu đã được lắp đặt, đó là cầu Bailey (ta vẫn gọi là cầu Mường Thanh) và cầu phao nằm xuôi về phía hạ lưu. Ông Tony Atkinson kể: “Thật ra, người Pháp không cần đến một cây cầu nặng 44 tấn với tải trọng lớn đến như vậy. Nguyên do lại khá ly kỳ. Đó là dọc bờ sông Nậm Rốm, cạnh bản Mường Thanh (nay là phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ) có một dải đất thấp. Có thể vì lý do an toàn cháy nổ nên người Pháp đã đặt kho đạn dược tại đây, bất chấp việc khu vực này sẽ bị ngập trong mùa mưa. Để rồi nhận ra điều này, họ tính đến giải pháp di chuyển kho đạn tới vị trí khu vực cụm cứ điểm Dominique (khu vực chân đồi D1 và nhà khách tỉnh Điện Biên ngày nay). Tuy nhiên, tập đoàn cứ điểm đã thất thủ trước khi cao điểm mùa mưa đến. Để rồi hôm nay, không như cây cầu phao đã bị trôi mất trong một trận lũ, cầu Mường Thanh vẫn đứng đó như một chứng nhân của lịch sử…”.
Trên suối Nậm Khấu Hu, một dòng suối từ đỉnh Pu Ya Tao phía bắc Điện Biên đổ về Nậm Rốm có một câu chuyện đặc biệt khác về những người lính công binh của Tiểu đoàn trưởng Ung Răng. Để mở đường thắng lợi, đưa hỏa lực pháo binh và bộ đội từ đường 41 (nay là quốc lộ 279) vượt đỉnh núi Pu Pha Song, Pu Ya Tao sang cánh tây của lòng chảo, những người lính công binh và dân công hỏa tuyến đã làm một con đường xuyên rừng, xuyên núi, xuyên khe. Đá nhỏ, đá to từ dưới vực suối được bộ đội và dân công đưa lên bằng sức người để lát đường. Để rồi với những trận mưa đầu mùa năm đó, ngay cả những viên sỏi dưới suối Nậm Khấu Hu cũng không còn. Theo lời kể của Đại tá Ung Răng, cả một dòng suối sạch trơn đá, sỏi. Tôi không biết điều này đã từng xảy ra trong lịch sử quân sự thế giới hay chưa? Nhưng thật sự là dòng suối Nậm Khấu Hu đã góp công đánh giặc, đã cùng bộ đội, các dân tộc Tây Bắc và đồng bào cả nước làm nên một chiều hè ngày 7 tháng 5 lịch sử.
3. Cuối năm 2021, đường bay TP Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ khai trương. Đường cao tốc Điện Biên - Sơn La cũng dự kiến sớm được xây dựng, mở ra con đường phát triển thênh thang cho tỉnh ở cực tây Tổ quốc. Nhìn gần hơn, chứng kiến TP Điện Biên Phủ khang trang, sạch đẹp để tổ chức Lễ hội hoa ban, nhìn những cô bé, cậu bé người Thái, người Kinh, người H’Mông... khỏe mạnh tươi cười vui chơi bên dòng Nậm Rốm hiền hòa, chúng ta đều phấn khởi, tin tưởng vào một Điện Biên cất cánh.
Nhưng liệu có ai còn nhớ, trước năm 1954, thung lũng Mường Thanh rộng lớn như vậy nhưng rất nhiều khu vực khó trồng cấy vì thiếu nước, cả thung lũng chỉ làm một vụ mỗi năm. Chính vì vậy, năm 1963 công trình đại thủy nông Nậm Rốm được xây dựng với mục đích dâng, chuyển cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phục vụ nước sinh hoạt. Thời điểm năm 1963 đại thủy nông Nậm Rốm là công trình thủy lợi lớn thứ hai sau công trình thủy nông Bắc Hưng Hải của miền bắc xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng công trình, Đảng, Nhà nước đã huy động người dân các dân tộc Điện Biên và thanh niên xung phong từ khắp các tỉnh miền xuôi.
Thời điểm đó, đế quốc Mỹ nhiều lần cho máy bay bắn phá huyện Điện Biên. Có lúc đường tiếp tế lương thực lên Điện Biên bị cắt đứt hoàn toàn, cả công trường thiếu lương thực, suốt sáu tháng mùa mưa năm 1965, hàng nghìn thanh niên xung phong ăn ngô hạt và làm việc trong điều kiện mưa nắng cực nhọc. Với tinh thần, khí thế lao động khẩn trương, chỉ sau một thời gian ngắn đơn vị xây dựng được một đập tràn qua sông Nậm Rốm dài 60 m, cao 9 m, rộng 11 m (bằng đá hộc và bê-tông) chặn dòng sông Nậm Rốm dâng nước lên cao. Năm 1969 công trình hoàn thành các hạng mục cơ bản. Đến năm 1979, hồ chứa nước Pá Khoang được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Đại thủy nông Nậm Rốm với hai tuyến kênh tả và hữu dài hơn 30 km tạo thành vòng cung bao bọc cánh đồng Mường Thanh, bảo đảm nước tưới ổn định cho 3.317 ha lúa hai vụ và 417 ha hoa màu. Ngày nay, nguồn nước của dòng Nậm Rốm trải khắp cánh đồng, đưa sản lượng nông nghiệp lên cao.
Nhóm chúng tôi dừng chân ăn cơm tối ở phường Thanh Luông. Cô chủ quán Lê Thùy Linh tiếp chuyện người bạn Tony Atkinson bằng giọng tiếng Anh chuẩn của người được đào tạo bài bản. Tại quán, nhóm những người yêu Điện Biên chúng tôi gặp Vũ Thị Thanh, cán bộ Ban Quản lý di tích đang nói chuyện bằng tiếng Pháp với hai du khách người Pháp. Chúng tôi vui mừng khi biết rằng, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên” với nguồn vốn từ Cơ quan phát triển Pháp. Thật cảm động khi Thanh cho tôi xem bức ảnh Tham tán thứ nhất Đại sứ quán Pháp và Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp khi đến Điện Biên đã viếng thăm Đài tưởng niệm lính Pháp và Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Hai địa điểm với hai vòng hoa trang trọng và giống nhau.
Tất cả chúng tôi, người Kinh, người Thái, người Australia, người Pháp cùng quây quần ăn tối. Những câu chuyện không ngớt. Điện Biên Phủ - chiến trường năm xưa hôm nay là điểm hội tụ của chúng tôi. Di sản chiến tranh tại mảnh đất này giờ đây đã là điểm kết nối của hòa bình.