Một phần trái tim để lại Việt Nam

Tháng 11, Moscow tuyết ngập bàn chân. Kết thúc sự kiện ở Ủy ban Cựu chiến binh, ông Viktor Filippov kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về trận đánh “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây 50 năm, khi ông cùng những người đồng chí, người bạn Việt Nam dũng cảm góp sức đánh tan âm mưu quân đội đế quốc Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Viktor Filippov phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không tại Moscow.
Ông Viktor Filippov phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không tại Moscow.

Trung tướng Viktor Filippov năm nay đã 87 tuổi. Chất giọng trầm ấm cùng cơ thể cao lớn vạm vỡ của người lính khiến ông trông trẻ hơn độ tuổi. Sau khi tốt nghiệp Học viện Chỉ huy quân sự ở Kalinin (nay là Tver, Nga), ông được phân công về đơn vị tên lửa phòng không ở thành phố Chita. Công tác hai năm, ông nhận lệnh đến Việt Nam và có sự gắn bó với Việt Nam bắt đầu từ đó.

Đông Nam Á là nơi mới mẻ với ông Filippov. Chuyến đi giúp ông phát triển sự nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và tận mắt chứng kiến không lực quân đội Mỹ, cũng như khả năng chiến đấu của quân và dân Việt Nam. Trước khi tới Việt Nam, ông Filippov có lẽ chưa hình dung nhiều về những tình cảm sâu đậm với dải đất hình chữ S mà ông mang theo suốt cuộc đời.

Tháng 3/1972, ông Filippov cùng đoàn chuyên gia đến Việt Nam. Sau đó, họ lên xe men theo đường nối bắc - nam Việt Nam đến Quân khu 4, nơi đơn vị đóng quân. Một nửa thế kỷ trôi qua khiến ông không còn nhớ tên đơn vị, nhưng ấn tượng về các chiến sĩ Việt Nam thì vẫn còn nguyên vẹn. “Họ rất kiên cường và mau chóng làm chủ thiết bị do Liên Xô cung cấp”, ông Filippov nhớ rõ. Khi quân Mỹ tăng cường ném bom, trung đoàn nơi ông phục vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ bầu trời. Hệ thống phòng không ngụy trang kỹ trong rừng rậm. Khi quân Mỹ trinh sát bằng ra-đa xác định các vị trí phóng tên lửa, các tiểu đoàn sau mỗi lần bắn phải thay đổi vị trí. Chiến thuật này giúp cứu cả người và vũ khí cho quân ta.

Cùng kinh nghiệm chiến đấu, tình cảm giữa các chuyên gia Liên Xô và quân, dân Việt Nam được vun đắp qua thời gian. Khi máy bay Mỹ ném bom các hệ thống phòng không, phía Việt Nam yêu cầu các chuyên gia Liên Xô vào nơi trú ẩn, nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra theo cách đó. Cựu chiến binh Nga nhớ lại, thường thì họ cùng bộ đội Việt Nam đẩy lùi các cuộc tập kích. “Chúng tôi không thể trú ẩn. Chúng tôi không có quyền làm vậy, khi những đồng chí Việt Nam còn ở ngoài vị trí chiến đấu”, ông Filippov xúc động kể lại. Các thành viên nhóm chuyên gia của ông Filippov may mắn trở về, nhưng ông rất buồn vì những tổn thất về người từ phía Việt Nam.

Ông Filippov tự hào về “Trung đoàn của mình” trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 11/1972 đã tiêu diệt hàng chục máy bay địch, trong đó có nhiều pháo đài bay B-52. Sau đó, ông Filippov rời Quân khu 4 để hỗ trợ đơn vị khác. Ông đã trải qua trận oanh kích dữ dội nhất của máy bay Mỹ ở Hà Nội, với những quả bom nặng 100kg ném xuống Thủ đô đã phá hủy hàng loạt nhà cửa. Tháng 12/1972, nhóm chuyên gia Liên Xô hỗ trợ quân đội Việt Nam đẩy lùi cuộc tập kích ồ ạt của Mỹ trong trận đánh “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tổn thất lớn đó đã khiến phía Mỹ buộc phải ký hiệp định hòa bình.

Một phần trái tim để lại Việt Nam ảnh 1

Ông Viktor Filippov (trái) cùng bạn ôn lại những kỷ niệm về Việt Nam.

Tháng 1/1973, ông Filippov và các chuyên gia rời Việt Nam. 50 năm trôi qua, những chuyên gia Liên Xô không thể quên những tình cảm ấm áp, thái độ ân cần mà quân và dân Việt Nam dành cho họ. Ông Filippov luôn cảm thấy tự hào về những hỗ trợ từ Liên Xô cho Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, và ông cũng không quên những tình cảm mà ông cùng các chuyên gia nhận được từ những người lính ở chiến trường Việt Nam.

Một vài câu chuyện đến giờ vẫn khiến ông Filippov cảm thấy nặng lòng. Khi quân Mỹ không kích, nhiều người Việt Nam đến trú ẩn cùng các chuyên gia Liên Xô, trong đó có một bé gái bốn tuổi mà mọi người ai cũng yêu mến. Nhưng trong một cuộc không kích khác, người ta báo tin em đã qua đời. “Chúng tôi đến giờ vẫn còn nhớ và tiếc thương bé. Nếu bố mẹ bé còn sống, chúng tôi rất muốn gửi lời chia buồn và mong họ hiểu rằng, chúng tôi yêu quý con họ đến nhường nào”, ông Filippov nhắn nhủ.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, Việt Nam đổi mới và phát triển nhanh chóng. Ông Filippov cùng các đồng đội có nhiều dịp trở lại Việt Nam, thăm những người đồng chí, những địa phương họ từng công tác. Đến bất cứ đâu, ôn lại những kỷ niệm một thời, những chuyên gia như ông Filippov không quên cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì những tình cảm chân thành, dân tộc Việt Nam anh hùng luôn trong trái tim họ. Từ đáy lòng mình, họ luôn mong tình cảm tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc không ngừng phát triển, đơm hoa.