Một cột mốc trọng đại

Ngày 20-7-1977, lần đầu tiên quốc kỳ Việt Nam tung bay trước trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (Mỹ), ghi một dấu mốc quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Sau 40 năm hội nhập, Việt Nam đã xác lập được vị thế của mình trên trường quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, một đối tác chủ động của LHQ.

Lễ thượng cờ Việt Nam tại trụ sở LHQ năm 1977. Ảnh tư liệu
Lễ thượng cờ Việt Nam tại trụ sở LHQ năm 1977. Ảnh tư liệu

Ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ. Do tương quan lực lượng tại LHQ và trên thực tế khi đó, Việt Nam chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được.

Với khát khao cháy bỏng về nền hòa bình cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Liên Xô (trước đây), Trung Quốc, Anh… “yêu cầu công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ”.

Những năm tháng tiếp theo, Việt Nam tiếp tục đấu tranh tự giải phóng. Với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Việt Nam đã giành được độc lập, giải phóng một nửa đất nước, đồng thời góp phần làm tan rã chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới, tạo điều kiện để hàng loạt nước khác được trao trả độc lập theo Nghị quyết 1514 của Đại hội đồng LHQ. Tháng 4-1975, Việt Nam hoàn thành giải phóng, đất nước thống nhất và tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng gia nhập LHQ, “đưa Việt Nam sánh vai cùng cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Cùng ngày, Lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở LHQ. Chứng kiến sự kiện trọng đại này có Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng Thư ký LHQ, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu, cùng đại diện Việt kiều và bạn bè Mỹ.

Trong suốt 40 năm qua (1977 - 2017) kể từ cột mốc trọng đại đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và LHQ không ngừng được cải thiện và phát triển. Trở thành thành viên của LHQ trong bối cảnh đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cấm vận, nhưng Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ lớn về tinh thần và vật chất của các tổ chức quốc tế thuộc LHQ cho công cuộc tái thiết đất nước. Viện trợ của LHQ đã chiếm tới 60% tổng viện trợ cho Việt Nam thời kỳ cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Khi đó, nguồn quỹ hỗ trợ của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP); Chương trình Lương thực thế giới (WFP); Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF); Quỹ Dân số LHQ (UNFPA); Tổ chức Y tế thế giới (WHO),... đã hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong các hạng mục phát triển xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số, kế hoạch hóa gia đình...

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, LHQ tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam với nguồn vốn hàng trăm triệu USD mỗi năm. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) của LHQ.

Trong quá trình khôi phục đất nước sau chiến tranh, Việt Nam luôn nỗ lực để trở thành một thành viên có trách nhiệm trong LHQ; luôn ủng hộ các mục tiêu hàng đầu của LHQ như duy trì hòa bình và an ninh, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc. Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế do LHQ tổ chức. Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996…

Đặc biệt, ngày 16-10-2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009. Đây là lần đầu Việt Nam tham gia cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh HĐBA phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại… Trong hai năm giữ cương vị này, lần đầu Việt Nam tự xây dựng Nghị quyết LHQ và được thông qua với sự đồng thuận cao. Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt trọng trách mà còn thể hiện được bản sắc trong hoạt động đối ngoại đa phương, từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Một cột mốc trọng đại ảnh 1

Sĩ quan Việt Nam tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan. Nguồn: TRUNG TÂM GÌN GIỮ HÒA BÌNH VIỆT NAM

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành trước thời hạn nhiều MDG, đồng thời là một trong tám nước thực hiện thí điểm Sáng kiến “Thống nhất hành động” và đang triển khai thành công sáng kiến này. Tại các diễn đàn LHQ, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận để giải quyết các vấn đề quan tâm chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm nhân quyền, đồng thời đóng góp vào việc cải tổ các cơ quan LHQ theo hướng mở rộng minh bạch, dân chủ và hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã và đang tiếp tục tạo được mối quan hệ hợp tác tin cậy, thẳng thắn với các nước thành viên LHQ trên cơ sở giữ vững lập trường, nguyên tắc của mình. Bên cạnh đó, mối quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới ngày càng được xây dựng và củng cố vững chắc, là tiền đề để Việt Nam đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình của thế giới.