Mô hình “Xã hội 5.0”

Một thành phố trong tương lai, nơi các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT) hay dữ liệu lớn (big data) được áp dụng vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội, qua đó hỗ trợ và chăm sóc con người toàn diện; giúp các phương tiện giao thông không người lái di chuyển bảo đảm khoảng cách an toàn, giảm thiểu thương vong; theo dõi sức khỏe cư dân hằng ngày, hằng giờ... Đó là thành phố thông minh theo mô hình “Xã hội 5.0” đang được thí điểm tại một số địa phương của Nhật Bản. 

Một dự án thí điểm thành phố thông minh tại Nhật Bản. Ảnh: JAPAN TODAY
Một dự án thí điểm thành phố thông minh tại Nhật Bản. Ảnh: JAPAN TODAY

Lấy con người làm trung tâm

Cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa rộng rãi, nhiều nước nỗ lực chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của các thành phố thông minh lấy công nghệ làm trung tâm. Cách đây vài năm, Nhật Bản - đất nước nổi tiếng đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, đã xây dựng đề án “Xã hội 5.0”, một hình thái phát triển cao hơn cả cách mạng công nghiệp 4.0, nằm trong Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5 do Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới nước này đề xuất. Vào tháng 1-2016, Văn phòng Chính phủ Nhật Bản đã chính thức phê duyệt đề án này.

Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên trên thế giới xây dựng “Xã hội 5.0” nhằm khắc phục các khó khăn của tình trạng già hóa dân số, đồng thời thiết lập hệ thống y tế thông minh giúp kéo dài hơn nữa tuổi thọ của người dân. Bằng cách kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế trong các bệnh viện, AI sẽ hỗ trợ con người điều trị y tế hiệu quả dựa trên dữ liệu được cung cấp, trong khi người cao tuổi sẽ được chăm sóc y tế từ xa để không còn phải đến bệnh viện thường xuyên.

Aizuwakamatsu và Arao là hai trong số những địa phương được chọn thí điểm áp dụng các công nghệ mới nhất hướng đến hình thành đô thị siêu thông minh, lấy con người làm trung tâm. Thành phố Arao có dân số 52.000 người, là nơi có khu hầm mỏ lớn nhất ở Nhật Bản và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tuy nhiên, sau khi phải đóng cửa hầm mỏ vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20, dân số thành phố sụt giảm nhanh chóng. Những năm gần đây, hàng nghìn cư dân đã rời đi nơi khác tìm kiếm việc làm, dẫn đến tình trạng “chảy máu” thanh niên, khiến dân số ở Arao ngày càng già hóa.

Cư dân ít ỏi, lại đứng trước khó khăn trong việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe người cao tuổi, chính quyền Arao đã lắp đặt hàng loạt gương thông minh, hay còn gọi là “gương phúc lợi”, trên khắp các địa điểm công cộng của thành phố. Hệ thống gương sức khỏe có thể đo nhịp tim của cư dân để cung cấp dữ liệu cho AI phân tích chuyên sâu rồi đưa ra các chỉ số như tuổi, giới tính, vóc dáng, cân nặng, tình trạng sức khỏe và thậm chí là cả tâm trạng. Sau đó, hệ thống đề xuất việc cải thiện sức khỏe phù hợp với mỗi người, chẳng hạn như đưa ra lời khuyên về chế độ luyện tập thể thao hoặc tăng thời gian thư giãn... Đây chỉ là một trong những ứng dụng thực tế của AI giúp con người sống khỏe mạnh, hạnh phúc và có được tuổi thọ cao hơn. Ngoài ra, do dân số thành phố phần lớn là người cao tuổi nên Arao cũng có hệ thống cảnh báo và cấp cứu khi nhận được báo động từ thiết bị theo dõi đặt trong các hộ gia đình đã đăng ký.

Địa phương được đưa vào thí điểm xây dựng đô thị siêu thông minh thứ hai tại Nhật Bản là Aizuwakamatsu, thành phố có bề dày lịch sử ở tỉnh Fukushima, nơi sinh sống của hơn 118.000 cư dân. Hướng đến mô hình “Xã hội 5.0”, giới chức thành phố đã xây dựng hệ thống thu thập thông tin của mọi cư dân để xây dựng cơ sở dữ liệu nền cho tất cả các loại dịch vụ số. Một trong những dự án mới được áp dụng tại đây là ứng dụng chia sẻ taxi dựa trên AI. Bằng cách tính toán khoảng cách tối ưu giữa điểm khởi hành và điểm đến của người dùng, AI sẽ đưa ra đề xuất hợp lý nhất để giảm bớt chi phí, giúp người đặt dịch vụ di chuyển an toàn.

Tại trung tâm chăm sóc cư dân thành phố, AI cũng chịu trách nhiệm phân tích và xử lý các thông số về sức khỏe của người dân. Ở đây, con người được xem là đối tượng chăm sóc hàng đầu và dựa vào những dữ liệu cư dân được thu thập, AI đưa ra các tính toán hợp lý và an toàn nhất về lịch trình, thời gian hoạt động hoặc di chuyển… cho mỗi người đăng ký chăm sóc sức khỏe. Ông Inomata Tomiei (62 tuổi) là một trong các tình nguyện viên đã đồng ý chia sẻ dữ liệu sức khỏe, lịch trình di chuyển thu được từ đồng hồ thông minh của mình cho dự án chăm sóc sức khỏe thành phố. Ông cho biết, những dữ liệu này không chỉ phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cá nhân người cung cấp, mà sau đó còn được dùng để nghiên cứu khoa học, tính toán sự tối ưu để phục vụ cộng đồng.

Thế giới đang đối mặt nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu, như tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, Trái đất ấm lên, chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng… Do đó, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và khả năng tự hỗ trợ ngày càng trở nên cần thiết. Với đề án “Xã hội 5.0”, một hình thái phát triển cao hơn cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng các nhu cầu khác nhau của con người, không phân biệt vùng miền, độ tuổi, giới tính, ngôn ngữ... sẽ được đáp ứng một cách tốt nhất.

Đón đầu xu hướng toàn cầu

Mục tiêu của dự án “Xã hội 5.0” là lấy con người làm trung tâm, từ đó phát triển kinh tế, giải quyết các thách thức xã hội để mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống chất lượng cao, đầy đủ và thoải mái. Mô hình này được xem là sự tiếp nối các hình thái xã hội tại Nhật Bản, từ “Xã hội 1.0” được định nghĩa là những nhóm người săn bắt và hái lượm chung sống hài hòa với thiên nhiên; “Xã hội 2.0” hình thành các nhóm dựa trên canh tác nông nghiệp, tăng cường tổ chức và xây dựng quốc gia; “Xã hội 3.0” là xã hội thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua cách mạng công nghiệp và thực hiện sản xuất hàng loạt; “Xã hội 4.0” là xã hội thông tin, và nay là “Xã hội 5.0” hướng tới xây dựng những thành phố thông minh chú trọng chăm sóc con người.

“Xã hội 5.0” được coi là trọng tâm chiến lược khoa học, công nghệ và tăng trưởng của “đất nước mặt trời mọc”. Mô hình xã hội siêu thông minh này đã được đưa vào chiến lược đầu tư cho tương lai từ năm 2017. Nhật Bản chọn ra năm lĩnh vực chính để ưu tiên thu hút đầu tư thực hiện kế hoạch này, đó là: tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, hiện thực hóa cuộc cách mạng di động, tạo ra các chuỗi cung ứng thế hệ tiếp theo, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, tận dụng công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính.

Công nghệ phát triển cùng cách mạng công nghiệp 4.0 đã chạm đến mọi ngõ ngách của đời sống ở “xứ sở hoa anh đào”. Trên thế giới, nhiều nước đã xây dựng các thành phố thông minh, trong đó tập trung phát triển và ứng dụng các thành tựu công nghệ, nhưng chưa thật sự chú trọng bảo vệ và chăm sóc cho cư dân. Với mô hình phát triển “Xã hội 5.0” lấy con người làm trung tâm, Nhật Bản đang có những bước đi đón đầu xu hướng toàn cầu, phát triển đô thị theo hướng ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.