Loay hoay tìm nơi gom pin cũ

Thời gian gần đây, một số địa điểm thu gom quen thuộc như siêu thị, một số cửa hàng điện máy từ chối thu nhận pin cũ. Nhiều gia đình băn khoăn, chưa biết xử lý thế nào với đống pin cũ tích trữ trong nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều điểm thu gom trước đây từ chối nhận pin cũ.
Nhiều điểm thu gom trước đây từ chối nhận pin cũ.

1/ Lỉnh kỉnh chở hộp pin cũ đến siêu thị gần nhà, chị Phạm Thị Hương (phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) bất ngờ nhận được câu trả lời của nhân viên: siêu thị không tiếp tục nhận pin cũ nữa. Khi hỏi nên để đâu, nhân viên siêu thị nhã nhặn trả lời rằng, hệ thống siêu thị đang tìm nơi xử lý và gợi ý đến một cơ sở tận Thanh Trì mà cũng không chắc rằng, nơi ấy còn tiếp tục nhận hay không. Chị Hương tiếp tục liên hệ tới các địa điểm cách đây không lâu vẫn khuyến khích người dân mang pin cũ tới, như một số siêu thị, cửa hàng điện máy, tổ chức bảo vệ môi trường như Green Life, Việt Nam Tái chế… thì đều nhận được câu trả lời họ không nhận pin cũ nữa. Hơn 8kg pin cũ tích trữ trong vòng hơn một năm, gồm pin tiểu, pin máy tính, pin điện thoại, pin trong đồ chơi trẻ em… chị Hương lại tiếp tục cất trong góc phòng, đợi có đợt thu gom để mang pin đến.

Tương tự, gia đình anh Vũ Đức Đông (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang loay hoay với thùng pin cũ không nơi nào nhận. Vừa rồi mang hai máy tính bị hỏng đi bán thanh lý, bên thu mua lại họ trả lại pin cũ, nói rằng nếu không nhận thì sẽ vứt vào rác chung. Nghĩ đến lời cảnh báo một viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước và 1m3 đất trong 50 năm, anh Đông ngậm ngùi cầm về nhà, cất trong thùng kín rồi lên mạng tìm nơi gom pin cũ. Nhưng khi liên hệ với Việt Nam Tái chế (VNTC), chương trình hoạt động tích cực nhất trong việc nhận thu hồi, xử lý và tái chế rác thải điện tử, thì nhận được thông báo ngừng nhận các loại pin và ắc-quy chì từ tháng 10/2021. “Sau đó mình thử liên hệ mới biết, các tổ chức, hội nhóm bảo vệ môi trường khác như Green Life, Tắt đèn Bật ý tưởng... thì các nơi này cũng đồng loạt từ chối nhận pin cũ”, anh Đông cho biết.

Tiếp tục tìm hiểu, anh Đông được biết, hiện nay tại Hà Nội đã có một số địa điểm mới thu gom pin cũ như Công ty CP Pin Hà Nội - Habaco (72 đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì). Nhưng Habaco chỉ nhận nhiều nhất 70 viên pin trên mỗi lần thu gom từ một cá nhân hoặc một nhóm. Các địa điểm khác, như các cửa hàng xanh, hệ thống siêu thị Aeon Mall tại Long Biên và Hà Đông vẫn nhận pin cũ thì lại quá xa.

2/ Đại diện Greenlife, nhóm đã từng có một số địa điểm thu gom pin cũ, chia sẻ lý do ngừng nhận là do khó khăn trong việc đặt địa điểm thu gom. Một số điểm gom pin trước đây thường đặt trong khu dân cư, nhưng nếu làm quy mô lớn, tập kết quá nhiều lại ảnh hưởng tới an toàn phòng, chống cháy nổ nên Greenlife hiện nay chỉ tổ chức thu gom theo sự kiện.

Khó khăn về địa điểm chỉ là một phần. Đáng nói hơn là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu pin về thu gom và xử lý pin cũ. Điều 54, 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế và xử lý sản phẩm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải. Thực tế, pin nói riêng, hay rác thải điện tử tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thu gom bởi các cơ sở thu gom phế liệu, hoặc cửa hàng sửa chữa, mua bán đồ điện tử. Các chuyên gia cho rằng, chừng nào các nhà sản xuất, nhập khẩu có động thái tích cực và đưa ra thông báo chính thức về thu gom và xử lý pin cũ từ cộng đồng thì việc thu gom xử lý pin cũ nhằm giảm tác hại tới môi trường mới thật sự hiệu quả.

Pin có lịch sử chế tạo và phát triển hơn 200 năm, mang lại nhiều tiện ích cho đời sống con người. Đây là công cụ lưu trữ năng lượng được sử dụng phổ biến không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai. Tuy nhiên, mỗi viên pin đều chứa rất nhiều hóa chất độc hại, nguy hiểm nhất là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi… Pin đã qua sử dụng nếu bị vứt bỏ ra môi trường, chôn lấp hoặc đốt cùng rác thải sinh hoạt sẽ phát thải những hợp chất chứa kim loại nặng và chất độc vào đất, nước, không khí, tác động nhiều mặt đến sức khỏe con người cũng như môi trường sống của các loại sinh vật khác.

Thống kê của Chương trình Môi trường LHQ cho thấy, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg chất thải điện tử/năm. Tuy vậy, lượng rác thải điện tử được thu hồi, xử lý đúng quy trình rất ít. Do pin cũ không có giá trị để tái chế, trong khi sản phẩm này tồn tại rất nhiều trong các gia đình nên dễ bị đổ chung cùng rác thải sinh hoạt.