Ngày 8-10-1954, 80 ngày sau khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20-7-1954), Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn 308, dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ, là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Tiểu đoàn sớm có mặt tại những vị trí, mục tiêu cần thiết để vừa bảo vệ nhân dân, vừa bảo vệ tài sản chung.
Công việc diễn ra trong thầm lặng, nhưng không kém phần nguy hiểm, căng thẳng. Đòi hỏi sự tỉnh táo và kiên nhẫn đến tột cùng của từng người một. Tiểu đoàn quyết tâm bảo vệ an toàn 35 trọng điểm an toàn trong hai ngày để đón Sư đoàn 308 tiến vào tiếp quản. Trong đó có Sở cảnh sát, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà máy nước, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà đèn Bờ Hồ, Bưu điện, Phủ toàn quyền Đông Dương… Đặc biệt là không được nổ súng, nếu cần thiết phải hy sinh để bảo đảm an toàn cho cuộc tiếp quản.
Đại tá Lê Duy Tư, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca khi đó vừa tròn 22 tuổi. Ông cùng với năm anh em khác thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ nhà đại hình - nơi xét xử những chiến sĩ hoạt động cách mạng của ta. Nhà đại hình năm ấy, nay chính là Tòa án Nhân dân tối cao có địa chỉ ở số 48 đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Nhắc đến địa điểm xưa, ông Tư nhớ lại, ngày trở về Hà Nội, bởi vốn quen với rừng sâu núi thẳm suốt chín năm chiến đấu trường kỳ, ông đã rất bỡ ngỡ với những trụ sở to lớn. Hơn nữa, lại trực tiếp giáp mặt với những người ở chiến tuyến phía bên kia, ông có phần lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ phải bảo vệ toàn vẹn trụ sở. Thế nhưng khi vào việc, trong tâm thế của người chiến thắng, ông Tư cùng các anh em nhanh chóng bắt nhịp, thực hiện nhiệm vụ được giao và điều bất ngờ là chính lúc đó ông lại nhìn thấy sự hoang mang hiện rõ trên khuôn mặt những người phía thực dân Pháp. “Họ cũng thấy chúng tôi là những thanh niên mới 24, 25 tuổi, vào đến trụ sở anh em bỏ ba-lô, cũng không cầm súng, nét mặt lại vui tươi phấn khởi, thái độ ôn hòa, họ cũng thấy rất bất ngờ, nhìn chúng tôi, rồi rút đi”, ông Tư nhớ lại.
Đại tá Dương Niết, người chỉ huy nhóm ba chiến sĩ tiếp quản, bảo vệ Sở Cảnh sát Bắc Việt - nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội, nhớ mãi hình ảnh khi ông cùng anh em đặt chân đến nơi này: “Chúng tôi vừa bước vào cửa thì thấy khẩu hiệu binh lính Pháp căng ở trên lan-can tầng hai, đi ở ngoài đường cũng nhìn thấy khẩu hiệu kêu gọi binh lính và nhân dân đi vào nam hoặc là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Xơ - là giám đốc một trại giam của chúng ta lúc đó”.
Đại tá Lê Duy Tư (trái) và Đại tá Dương Niết gặp mặt, nhớ về những kỷ niệm khó quên cách đây 65 năm.
Ở Sở cảnh sát lúc đó, quân Pháp có cả một tiểu đội hơn 100 người, trong khi quân ta chỉ có vỏn vẹn ba người trực tiếp canh gác. Do vậy, ông Niết và các anh em phải thức suốt ngày đêm, cảnh giác với từng hoạt động nhỏ của lính Pháp. Trong đêm, anh em quây quần hát những bài ca truyền thống như: “Bao chiến sĩ anh hùng”, “Vì nhân dân quên mình”… Đại tá Dương Niết nhớ lại: “Khi anh em chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, có một người lính Pháp đến, được một lúc tên quan ba phát hiện, bắt lên không cho tiếp xúc, đánh và tát cho người lính này mấy cái. Nhưng đến đêm anh ta lại lẻn đến. Chiều ngày 9-10, khi quân Pháp tập hợp xuống Hải Phòng, thì không thấy anh ta đâu. Hóa ra anh ta là người lính Đức bị Pháp bắt trong chiến tranh thế giới thứ hai. Anh ta bị đưa sang phục vụ quân đội Pháp, ở quê nhà còn một mẹ già và em gái nên anh ta rất muốn trở về. Chắc là hôm đấy, anh ta muốn nói chuyện với chúng tôi để trốn ở lại tìm cơ hội về nước”.
Trong hai ngày thực hiện nhiệm vụ căng thẳng, những người lính của Tiểu đoàn Bình Ca một dạ khắc ghi không làm điều gì ảnh hưởng đến hình ảnh của những người chiến thắng. Ở khu vực Sở Cảnh sát, do anh em hậu cần khi phát cơm không thông thuộc đường phố Hà Nội nên phát thiếu, quân Pháp lại cố tình bỏ quên, nên Đại tá Niết và các chiến sĩ khác bị đói. Nhưng tinh thần vẫn vui tươi và giữ nghiêm kỷ luật. Cuối cùng, sau hai ngày vất vả ấy, 35 trọng điểm ở Hà Nội đã được bảo vệ an toàn, đón quân ta tiến vào tiếp quản.
Ngày 10-10-1954, Hà Nội dường như chưa bao giờ đẹp đến như thế! Hôm đó, toàn thành phố dồn về khu vực Kỳ đài Hà Nội để chứng kiến giây phút lá cờ Tổ quốc tung bay sau chín năm kháng chiến trường kỳ. Khoảnh khắc thiêng liêng ấy, những người lính Bình Ca như ông Niết, ông Tư không được tận mắt chứng kiến bởi họ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ canh gác tại các vị trí trọng yếu đã được phân công. Nhưng trong tim họ hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng luôn kiêu hãnh tung bay. Bồi hồi nhớ lại, Đại tá Dương Niết nghẹn ngào: “Ngày và đêm 8-10, rồi ngày 9, nhân dân Hà Nội chuẩn bị cờ rất nhiều. Không từ nào có thể diễn tả được cảm xúc của dân lúc đó, vừa hồi hộp, vừa háo hức, vui sướng, rất khó tả! Ngày 10-10, khi đoàn quân về đến Thủ đô, mọi thứ như vỡ òa, hạnh phúc lắm! Có thể nói là niềm phấn khởi của người dân những ngày đó là tột cùng!”.
65 năm đã trôi qua sau những ngày mùa thu lịch sử đó, trái tim những người lính Bình Ca vẫn bồi hồi xúc động mỗi khi gợi lại ký ức ngày trở về.