Kỹ năng thoát hiểm trong hỏa hoạn

Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn ở các tòa nhà chung cư cao tầng hiện được khá nhiều người tìm hiểu, khi số lượng vụ cháy, sự cố về điện xảy ra trong thời gian gần đây tăng cao.

Hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về PCCC cho trẻ mầm non.
Hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về PCCC cho trẻ mầm non.

Thông thường, khi có hỏa hoạn, mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý đó khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Do đó, trang bị các kỹ năng thoát hiểm là điều rất quan trọng và cần thiết.

Phần lớn nguyên nhân tử vong trong hỏa hoạn gây ra là do nhiễm khí độc, khói (80% số trường hợp tử vong trong 12 giờ đầu). Vì vậy, trong các vụ cháy, nạn nhân chết phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn làm cho việc ngộ độc ập đến nhanh, ngã quỵ nhanh.

Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên là bạn phải bình tĩnh để xử lý và nhanh chóng tìm giải pháp “dập lửa, thoát hiểm” bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, phải nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm bằng cách lập tức ấn chuông báo động tòa nhà, hô hào thông báo cho mọi người biết có cháy trên đường thoát hiểm, gọi 114 thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC.

Với trường hợp đám cháy không xuất hiện ở phòng, tầng của mình, việc đầu tiên bạn cần phải làm là xác định vị trí của ngọn lửa và nguồn khói. Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy xuống các tầng dưới. Không sử dụng thang máy là khuyến cáo trong các trường hợp hỏa hoạn.

Tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh… Nên dùng khăn có tẩm nước để bịt mũi, miệng để tránh hít phải khói gây ngạt. Lúc di chuyển bạn phải cúi thấp xuống hoặc trườn, bò. Cụ thể, trước khi thoát ra bằng lối đó phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức, đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng.

Khi ngoài cửa căn hộ đã bị lửa bao vây không thể thoát ra ngoài, nên nhanh chóng thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng; dùng các thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm; tuyệt đối không nhảy từ cửa sổ, ban công trên cao xuống. Trường hợp không thể thoát xuống tầng dưới nên thắt quần áo, chăn màn lại thành những dây dài để thoát thân qua cửa sổ. Việc nhắm mắt lao mình xuống đất là phương pháp cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp không thể thoát ra ngoài, đứng ở ban công dùng mũ, quần áo, còi, hô hoán... để vẫy, báo động cho lực lượng cứu hộ.

Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Đối với các tai nạn bị đè, vùi lấp trong đám cháy cũng cần bình tĩnh, thở đều để chờ người đến cứu, bởi việc hoảng loạn có thể mau chóng làm bản thân kiệt sức. Đặc biệt, khi thấy có người đến cứu thì cố gắng phát ra âm thanh để được phát hiện.

Khi một người có dấu hiệu bị ngạt khói, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khói dày đặc. Sau đó, tìm cách làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách hô hấp nhân tạo. Nếu người bị nạn đã ngưng tim, ngưng thở, cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện để được thở oxy.