Kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa

Với việc được tăng thêm khoảng 30% tiền lương từ ngày 1/7/2024, ngoài việc bù đắp phần trượt giá, bảo đảm trang trải đời sống vật chất tốt hơn, cán bộ, công chức, viên chức còn hy vọng có thêm khoản tiền để chăm lo đời sống tinh thần và tích lũy một phần.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng lo lắng thị trường tăng giá vào đầu tháng 7.
Người tiêu dùng lo lắng thị trường tăng giá vào đầu tháng 7.

E ngại giá tăng theo

Tuy nhiên, việc tăng lương sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa khi giá cả hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm rằng tăng lương không dẫn đến lạm phát. Thực tế từ nhiều lần tăng lương cơ sở trước đây cho thấy, lương chưa tăng giá cả đã tăng trước, khiến việc tăng lương không mang nhiều ý nghĩa thực chất mà chủ yếu để bù đắp chi phí giá cả tăng lên.

Chị Bùi Thị Thủy, giáo viên tiểu học xã Vạn Thắng (Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết: “Nghe tin lương sắp được tăng 30% từ đầu tháng sau. Cảm xúc của tôi là sự pha trộn giữa niềm vui và lo lắng. Việc tăng lương là một động lực mạnh mẽ giúp tôi tiếp tục cống hiến trong nghề nghiệp. Điều này có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn và thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong tập thể giáo viên”.

“Tuy nhiên, tăng lương cũng có thể góp phần tạo ra tăng giá nếu không được quản lý tốt, khiến cho sức mua của đồng tiền giảm và làm cho việc tăng lương trở nên không có ý nghĩa nhiều trong việc cải thiện cuộc sống”, chị Thủy đánh giá.

Đối với công nhân làm việc trong các khu vực ngoài nhà nước, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân và các ngành nghề lao động phổ thông như thợ xây, thợ hồ..., thì việc tăng lương không được áp dụng theo quy định này mà phụ thuộc vào chính sách của từng doanh nghiệp hoặc các thỏa thuận giữa người lao động và chủ lao động. Theo đó, nhiều công nhân lo lắng vì thị trường tăng giá với điệp khúc là lương tăng nhưng khu vực nào tăng thì họ không để ý. Chị Vũ Thị Chi, công nhân may mặc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết: "Chị em công nhân chúng tôi có nói chuyện với nhau về điều này, ngành giáo dục và y tế được tăng lương. Là phụ nữ nuôi con đi học, có lúc đi viện, chúng tôi gửi gắm niềm tin, tình cảm cho hai ngành này. Nhưng cũng e ngại chút thôi, giá thực phẩm, xăng dầu, tiền nhà thuê trọ có tăng theo không?”.

“Ngoài lao động kiếm đồng lương, chúng tôi như “cỗ máy” chạy bằng cơm trong nhà, mọi biến động giá cả, chúng tôi là người đầu tiên biết điều đó. Tiền lương tăng thêm sẽ giúp cải thiện cuộc sống hiện tại, nhưng nếu giá cả đồng loạt tăng lên, mọi chi phí sinh hoạt cũng đội lên thì liệu sự tăng lương ấy có thật sự mang lại thay đổi tích cực không?”, cô Đoàn Thị Khánh Lê, giáo viên Trường mầm non 2/9, thành phố Quảng Ngãi băn khoăn.

Và những nỗi lo khác

Giá thực phẩm ngày 19/6 trên một số địa bàn, mỗi kg có giá phổ thông như sau, thịt heo nạc vai 139 nghìn đồng, nạc dăm 150 nghìn đồng, ba chỉ 166 nghìn đồng, cá basa cắt khúc 70 nghìn đồng, cá ngừ đông lạnh bán theo con 67 nghìn đồng, cá mú đen 310 nghìn đồng, cá tầm Sa Pa 250 nghìn đồng, cá chép giòn 180 nghìn đồng… Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội, trong tháng 5 so tháng 4/2024, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng giảm giá, và một nhóm hàng ổn định giá. Thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sau đợt dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2023 khiến giá thịt heo tăng, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính.

Anh Nguyễn Văn Thành, công nhân Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng, cho biết: “Dù công việc khá ổn định, nhưng mức lương hiện tại của tôi không đủ để trang trải hết mọi chi phí cho gia đình”. Vợ anh Thành là giáo viên tiểu học. Hai vợ chồng sống bằng lương nên hiểu nhau hơn: “Điệp khúc có lương vẫn lo, lương tăng lại lo hơn. Gia đình tôi chỉ có 50% vui vì tăng lương. Nhưng 100% lo tăng giá”, anh Thành bình luận.

Với những lao động tự do như thợ hồ, thợ xây, thợ sửa chữa tàu thuyền, công nhân thi công các công trình hạ tầng nông thôn…, tiền công được tính theo ngày, họ cũng tâm tư, không biết sau ngày 1/7, chủ thầu có tăng lên vài ba chục nghìn tiền công mỗi ngày không? Anh Lê Văn Hoàng, thợ xây ở Hội An (Quảng Nam) ngậm ngùi: "Chúng ta làm công nhật, nếu chủ thầu không tăng tiền công thì mình cũng chẳng được hưởng gì thêm”.

Tâm lý chung của những người làm công nhật như anh Hoàng là lo lắng. Họ hiểu rằng công việc của họ không có sự bảo đảm và ổn định. Với họ, mỗi ngày trôi qua là một cơ hội để kiếm sống, để chăm lo cho gia đình và để mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều người lao động ở nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, việc tăng lương sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa khi giá cả hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm rằng tăng lương không dẫn đến lạm phát.

Lương công nhân thợ xây hiện từ 350- 380 nghìn đồng/ngày tại Hội An, nếu được tăng lên chút cũng là niềm động viên lao động trong mùa hè nắng nóng. Nhưng có nên nói ra điều này với các ông chủ không? Anh Hoàng, gãi đầu. “Anh nghĩ cũng nên thử. Nhưng không biết họ có chịu tăng không. Công việc bây giờ cũng không dễ kiếm, nhiều người sẵn sàng làm với mức tiền công hiện tại”.