Thi tốt nghiệp THPT

Nhiều thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội

Đúng 14 giờ chiều 26/6, gần 1,1 triệu thí sinh trên cả nước đến các điểm thi làm thủ tục tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Các thí sinh đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: HẢI NAM
Các thí sinh đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: HẢI NAM

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6 với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Đây là kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Trong ngày làm thủ tục dự thi, cùng với việc kiểm tra thẻ dự thi, đính chính sai sót (nếu có), thí sinh được học quy chế thi và nghe phổ biến các quy định liên quan.

Các điểm thi đều đã sẵn sàng

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kết thúc thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có 1.067.391 thí sinh đã đăng ký (năm 2023 là 1.024.063). Trong đó, số thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344 (năm 2023 là 37.841).

Như mọi năm, năm nay, thành phố Hà Nội vẫn là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhiều nhất, với 109.078 thí sinh (chiếm 1/10 cả nước). Đứng sau là TP Hồ Chí Minh với 88.196 thí sinh; Thanh Hóa là 38.677 thí sinh. Các tỉnh có số thí sinh đăng ký dự thi ít nhất gồm: Kon Tum 5.052 thí sinh; Lai Châu 4.211 thí sinh; Bắc Kạn 3.180 thí sinh.

Tại Hà Nội, sáng 26/6, 196 trưởng điểm thi đã hoàn thành việc nhận bàn giao cơ sở vật chất làm địa điểm thi. Từ 9 giờ, 100% các điểm thi trên địa bàn thành phố tổ chức họp toàn thể thành viên, chuẩn bị các phần việc sẵn sàng đón thí sinh đến làm thủ tục dự thi.

Theo kế hoạch, trong ngày 26/6, ban vận chuyển và bàn giao đề thi của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tổ chức bàn giao đề thi tới các điểm thi. Phương án vận chuyển, bàn giao đề thi được xây dựng, triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế và tuyệt đối bảo mật, có sự giám sát của lực lượng công an.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi đặc biệt quan tâm khâu bảo quản đề thi. Đề thi phải bảo quản trong tủ sắt riêng biệt có khóa (không dùng chung với ngăn tủ đựng bài thi).

Để chuẩn bị cho việc đón thí sinh làm thủ tục dự thi vào chiều 26/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trưởng điểm thi quán triệt kỹ với thí sinh về quy chế thi, nhất là danh mục các vật dụng được phép và vật dụng cấm mang vào phòng thi cùng khuyến cáo nếu vi phạm.

Theo đó, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; ê-ke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Các vật dụng cấm mang vào phòng thi gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Nếu thí sinh mang vào phòng thi một trong các vật dụng cấm sẽ bị đình chỉ thi. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy toàn bộ kết quả bài thi, môn thi của kỳ thi năm đó, điều này đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, không còn cơ hội tham gia xét tuyển đại học.

Nhiều thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội ảnh 1

Theo đó, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi

63% số thí sinh chọn bài thi KHXH

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong tổng số 1.067. 391 thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thì chiếm tới 63% chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH), cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Nhiều học sinh khối 12 cho biết, bởi đã có kết quả trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ vào các trường đại học, nên chọn bài thi tổ hợp nhẹ nhàng để hoàn tất điều kiện tốt nghiệp THPT. Bài thi KHXH được nhiều học sinh đánh giá “dễ thở” hơn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN), là giải pháp an toàn để tránh bị điểm liệt.

Giáo viên các trường THPT cũng lý giải, nhiều thí sinh lựa chọn bài thi KHXH bởi cho rằng, các môn thi thành phần của bài thi này gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án. Với những học sinh chưa vững kiến thức các môn KHTN, việc chọn bài thi này không chỉ đạt mục đích tốt nghiệp mà còn giúp các em có thêm thời gian, đầu tư vào các môn thi THPT bắt buộc (vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa dùng xét tuyển đại học như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ).

Tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH có xu hướng ngày càng áp đảo bài thi KHTN khiến nhiều học sinh khối 12 lo lắng cho con đường vào đại học, đặc biệt ở các khối ngành KHXH. Theo dự báo của nhiều giáo viên, điểm chuẩn các ngành tuyển sinh tổ hợp KHXH sẽ nhỉnh hơn năm trước, tỷ lệ cạnh tranh cao. Hiện nay, tổ hợp được các trường đại học sử dụng nhiều nhất cho xét tuyển đại học hiện nay là A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh); B00 (Toán, Hóa học, Sinh học); D01 (Ngữ văn, Toán, tiếng Anh). Các môn thuộc bài thi KHXH gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân rất ít xuất hiện (trừ một số ít trường tuyển khối ngành xã hội và nhân văn).

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp với tâm trạng “dễ thở”

Những mùa tuyển sinh gần đây, thí sinh tham gia xét tuyển đại học (ĐH) sớm bằng các phương thức như học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ... không bao gồm phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chính vì thế, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều em đã nhận kết quả trúng tuyển nên đã góp phần giảm bớt áp lực thi cử.

Trúng tuyển liên tiếp ba trường ĐH nhờ phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với chứng chỉ tiếng Anh, nên Nguyễn Tuấn Thành, học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có tâm lý khá thoải mái. Em cho biết, bản thân đã đỗ Trường đại học Thương mại ngành Thương mại điện tử, Học viện Ngân hàng ngành Tài chính - ngân hàng và Trường đại học FPT với ngành An toàn thông tin. Vì vậy, đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tuấn Thành không cảm thấy quá áp lực.

“Kỳ thi năm nay có tới hơn 1 triệu thí sinh đăng ký xét tuyển, mức cạnh tranh khá lớn. Trong 4 năm trở lại đây, điểm đầu vào của các trường ĐH có biến động rất lớn, thậm chí có trường hợp 26 - 27 điểm vẫn trượt ĐH. Vậy nên, trúng tuyển sớm giúp em cảm thấy an tâm phần nào trước khi bước vào kỳ thi quan trọng”, Tuấn Thành chia sẻ.

Tương tự, bạn Nguyễn Thu Mai, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết, trúng tuyển sớm nhờ xét tuyển sớm giúp bản thân “thở phào” nhẹ nhõm. “Nhận thông báo trúng tuyển từ trường ĐH mà mình mơ ước khiến em cảm thấy vỡ òa, nhất là trong thời điểm ôn thi cực kỳ căng thẳng. Em gần như đã trút bỏ được hết lo âu về kỳ thi, nên việc ôn thi tốt nghiệp THPT cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, Thu Mai vui mừng bày tỏ.

Đến thời điểm hiện tại, gần 200 trường ĐH đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2024, với thông báo thời gian, điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Theo TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Giao thông vận tải, đây là một trong những cơ hội để thí sinh trúng tuyển nguyện vọng yêu thích.

“Hệ thống sẽ xem xét cả xét tuyển sớm lẫn xét tuyển theo kết quả thi THPT và cái nào mà các em đạt thì hệ thống sẽ chọn, chứ không nhất thiết là chúng ta đăng ký xét tuyển sớm, đỗ rồi thì phải vào ngành đấy. Chúng ta vẫn có cơ hội khác để xét tuyển THPT và ngược lại. Cho nên, tôi nghĩ các em cũng nên tham gia ít ra là phương thức xét tuyển sớm. Thứ hai là phương thức xét tuyển theo kết quả THPT để có thêm các cơ hội”, TS Phạm Thanh Hà đưa ra lời khuyên.

Thí sinh cần lưu ý việc trúng tuyển sớm chỉ là điều kiện cần để các em trúng tuyển, nhưng điều kiện đủ là tốt nghiệp THPT. Dù chọn phương thức nào để xét tuyển ĐH, thí sinh cũng cần chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để đỗ tốt nghiệp. Nếu nguyện vọng trúng tuyển sớm là nguyện vọng yêu thích nhất hãy đặt lên nguyện vọng 1, lúc đó chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển.