GS NGUYỄN THANH HƯƠNG VỚI GIẢI THƯỞNG TOÀN CẦU VỀ SỨC KHỎE:

Giúp nông dân kiểm soát bệnh tật vật nuôi

Vừa qua, nhóm Dự án Farm2Vet đã giành được Giải thưởng lớn (Grand Prize) trị giá 1 triệu bảng của The Trinity Challenge (Tổ chức tìm kiếm, giải pháp sáng tạo cho những thách thức sức khỏe). Đề tài của nhóm là việc lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để ngăn dịch bệnh khiến cho nông dân phải đối mặt nguy cơ bệnh dịch và nghèo đói do kháng kháng sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Giúp nông dân kiểm soát bệnh tật vật nuôi

Chúng tôi trao đổi với một trong lãnh đạo nhóm là GS Nguyễn Thanh Hương (ảnh bên) (giảng viên đại học Illinois Urbana Champaign- Mỹ). GS Nguyễn Thanh Hương (SN 1972) nguyên là sinh viên Trường Mỏ địa chất ở Ucraina, là cháu nội nhà phê bình văn học Hoài Chân.

Phóng viên (PV): Xin chị chia sẻ cơ duyên đưa Farm2Vet đến với cuộc thi?

GS Nguyễn Thanh Hương: Tôi nhận được thông báo về cuộc thi vào tháng 12/2023. Trước đó, tôi đã có kinh nghiệm làm việc với chủ đề kháng kháng sinh từ năm 2007. Tôi đến Hà Nội vào tháng 12/2023 để thực hiện dự án “Trung tâm Toàn cầu về Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Sạch” do Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ tài trợ. Khi đó, tôi tập hợp một nhóm đồng nghiệp, trong đó gồm người đã làm việc với tôi được vài năm và một số mới gặp. Sau khi nắm được kiến thức chuyên môn của họ, tôi đã đề xuất ý tưởng Farm2Vet. Chúng tôi đã suy nghĩ và đưa ra mục tiêu của Farm2Vet. Tôi đã viết bản thảo đầu tiên, tất cả chúng tôi đều sửa đổi và củng cố nó cho hoàn thiện. Giải pháp sau đó được đăng trên trang web cùng với tất cả các bài dự thi khác.

PV: Nhóm đã phải cạnh tranh như thế nào?

GS Nguyễn Thanh Hương: 285 đội từ 58 quốc gia đã gửi giải pháp, bạn có thể kiểm tra con số chính xác trên trang web Trinity Challenge. Các giải pháp được đưa ra đều vô cùng hữu ích và đến từ những bộ óc giỏi nhất trên thế giới. Thành thật mà nói, tôi nghĩ đội của chúng tôi yếu thế vì nhiều lý do. Các đội đến từ quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ và các quốc gia châu Phi, rất hay nhận được loại tài trợ này. Những đội lọt vào vòng chung kết đã gửi giải pháp dựa trên dự án hiện tại của họ, trong khi giải pháp của chúng tôi là hoàn toàn mới.

Mặc dù mỗi thành viên trong nhóm của chúng tôi đều là chuyên gia trong lĩnh vực họ đang làm nhưng chúng tôi lúc mới tham gia thì vẫn chưa làm việc cùng nhau như một nhóm. Khoảng một nửa trong số chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm với đề tài khoa học đằng sau tình trạng kháng kháng sinh.

PV: Những khó khăn mà nhóm đã vượt qua là gì, thưa chị?

GS Nguyễn Thanh Hương: Như tôi đã đề cập trước đó, chúng tôi là đội yếu thế trong cuộc thi. Sau khi lọt vào tốp 10 chung kết, chúng tôi quyết định tập trung vào điểm mạnh của mình thay vì điểm yếu. Một trong những điểm mạnh của chúng tôi là tư duy vượt trội. Điều này có thể có rủi ro và thường không được đền đáp bằng nguồn tài trợ nghiên cứu truyền thống. Tuy nhiên, Trinity Challange không phải giống các quỹ tài trợ truyền thống. Ban giám khảo không chỉ đến từ giới học thuật mà còn đến từ các công ty lớn như Google, Meta và Amazon. Họ đề cao hơn việc chấp nhận rủi ro. Một điểm mạnh quan trọng khác là chúng tôi nghiên cứu khoa học theo định hướng tạo ra sản phẩm.

Trước kia, các nhà nghiên cứu và người làm công nghệ hoạt động riêng lẻ và cả hai đều hy vọng rằng sản phẩm của họ sẽ được hòa hợp khi đưa vào sử dụng. Chúng tôi không làm theo cách đó. Chúng tôi làm khoa học để cho ra một sản phẩm. Khoa học và công nghệ song hành tạo nên cho một sản phẩm hoàn chỉnh.

PV: Người dân sẽ được hưởng những lợi ích gì khi dự án triển khai?

GS Nguyễn Thanh Hương: Tôi muốn nhấn mạnh rằng Farm2Vet không nhằm mục đích giảm việc sử dụng kháng sinh. Chúng ta phải hiểu tại sao nông dân lại sử dụng kháng sinh. Họ làm vậy vì họ không có cách nào khác để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi của mình. Nhiều người trong số họ không được tiếp cận với các dịch vụ thú y. Có một thực trạng là ở Việt Nam không có đủ bác sĩ thú y và nhiều hộ nông dân không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ đó. Chúng tôi mong mở rộng phạm vi hoạt động của các dịch vụ thú y để giúp đỡ người nông dân, trước hết là phòng ngừa bệnh tật trên gia súc. Chúng ta phải kiểm soát bệnh tật trước tiên, dẫn đến giảm việc sử dụng kháng sinh. Chúng ta cũng phải xử lý một cách bền vững về mặt tài chính.

Chúng tôi sẽ tìm cách để những người nông dân tham gia Farm2Vet nhận được giấy chứng nhận sử dụng kháng sinh và bán sản phẩm của họ với giá cao hơn. Các bác sĩ thú y tham gia Farm2Vet cũng sẽ có nhiều khách hàng hơn. Tiếp đến, chúng tôi sẽ làm việc với các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi để kết nối họ với nhiều nông dân muốn có thức ăn không chứa kháng sinh hơn. Việc duy trì khả năng cứu sống của thuốc kháng sinh mang lại lợi ích cho các công ty thức ăn chăn nuôi, nông dân, bác sĩ thú y và tất nhiên là người tiêu dùng.

PV: Dự kiến thời gian sẽ triển khai dự án khi nào, thưa chị?

GS Nguyễn Thanh Hương: Chúng tôi đang thảo luận về thời gian của dự án. Giải pháp sẽ bắt đầu được triển khai vào khoảng tháng 9 đến tháng 12/2024, kéo dài trong vòng 3 năm.

PV: Xin cảm ơn chị!