Kịch bản ứng phó dịch sốt xuất huyết

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kịch bản bảo đảm công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn trong điều kiện số ca mắc mới tăng mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn, hỗ trợ điều trị cho các ca mắc sốt xuất huyết.
Tư vấn, hỗ trợ điều trị cho các ca mắc sốt xuất huyết.

Sẵn sàng cho “ba tình huống”

Từ đầu năm 2022 đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 26 nghìn ca mắc SXH, số ca tử vong tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương có số ca mắc cao là quận 12, Bình Tân, Tân Phú và ba huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các ca mắc thuộc nhóm tuýp huyết thanh D1 bắt đầu có sự gia tăng của tuýp huyết thanh D2, số ca nặng có chiều hướng tăng.

Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000-6.000 ca mắc SXH điều trị nội trú, ngành y tế đưa ra ba tình huống ứng phó. Tình huống một dự kiến được áp dụng khi thành phố có dưới 300 ca nhập viện mới/ngày, dưới 2.000 ca đang điều trị nội trú và dưới 200 ca nặng tại các bệnh viện. Theo đó, tổng quy mô giường bệnh điều trị SXH trong tình huống này là hơn 2.400 giường, với 260 giường phục vụ hồi sức tích cực, ưu tiên điều trị các trường hợp nặng tại các bệnh viện bộ, ngành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương và các bệnh viện đa khoa của thành phố. Đối với trẻ em là bệnh viện chuyên khoa nhi. Ở kịch bản đầu tiên, thành phố sẽ cần 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân SXH, 160 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 320 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.

Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 300-600, hệ thống y tế phục vụ 2.000-4.000 ca đang điều trị nội trú và 200-400 ca chuyển nặng tại các bệnh viện, TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển sang tình huống hai. Lúc này, tổng số giường điều trị SXH sẽ đạt 4.000 giường, trong đó có 410 giường hồi sức tích cực. Tình huống này cần 550 bác sĩ và 1.100 điều dưỡng chăm sóc, 320 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 640 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.

Tình huống ba dự kiến được triển khai khi thành phố có từ 600-900 ca nhập viện mới mỗi ngày do SXH và các cơ sở y tế đang “gánh” 4.000-6.000 ca điều trị nội trú với khoảng 400-600 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị ở tình huống này là 6.000 giường với khoảng 10% là giường hồi sức tích cực. Tình huống này cần 800 bác sĩ và 1.600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh, 480 bác sĩ chuyên khoa và 960 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng. Dựa vào từng tình huống cụ thể, thành phố dự trù dịch truyền, máu và các chế phẩm máu bảo đảm sử dụng trong một tháng.

Siết chặt hệ thống

Bên cạnh việc yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị cho kế hoạch ứng phó nêu trên, Sở Y tế cũng đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc phân tuyến điều trị người bệnh SXH. Ngoài việc điều trị tích cực cho người bệnh, các bệnh viện này còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn điều trị SXH cho bệnh viện tuyến dưới thông qua việc tiếp tục triển khai hội chẩn liên viện hoặc cử bác sĩ hỗ trợ điều trị tại chỗ khi cần thiết.

Cụ thể, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh được phân công hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 8 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn các quận 5, 8, 10, 11, 12, Tân Bình và huyện Hóc Môn, Củ Chi. Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 được phân công hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 8 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quận 1, 3, 4, 7, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Bệnh viện Nhi đồng thành phố chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 6 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn các quận 6, Bình Tân, Tân Phú và ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tình hình chống dịch SXH tại cơ sở để kịp thời xử lý, chấn chỉnh các trường hợp nguy cơ bùng phát dịch cao nhưng vẫn lơ là. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền đến từng hộ dân những biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, biện pháp mấu chốt, quan trọng và hữu hiệu nhất vẫn là cắt đứt nguồn lây từ loăng quăng, muỗi, cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt.