Khởi động “Trái tim Xanh” bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Mong muốn truyền tải thông điệp mạnh mẽ “không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ”, các cơ quan LHQ tại Việt Nam cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ngày 5/7 đã khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức Trái tim Xanh 2022 hướng tới chấm dứt bạo lực và có hành động kịp thời để ngăn chặn bạo lực trong cộng đồng.

0:00 / 0:00
0:00
Bà Cherie Russell phát biểu tại sự kiện. Ảnh: UNICEF VIỆT NAM
Bà Cherie Russell phát biểu tại sự kiện. Ảnh: UNICEF VIỆT NAM

Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), bà Rana Flowers nhấn mạnh, chiến dịch Trái tim Xanh là một phần của phương pháp tiếp cận lớn hơn, bằng việc nâng cao nhận thức bảo đảm tất cả các thành viên trong cộng đồng có tinh thần chịu trách nhiệm cao hơn khi chứng kiến các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, cũng như bảo đảm tất cả những người có hành vi bạo lực phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. 

Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng bạo lực có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong mọi gia đình bất cứ giàu hay nghèo, phụ nữ chịu bạo lực cả về thể xác và tinh thần. Khảo sát Chỉ số mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ giai đoạn 2020-2021 chỉ ra rằng, hơn 72% số trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bằng hình thức bạo lực. Còn theo Khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) năm 2019, trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% số người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, bạo lực đối với phụ nữ ước tính làm thâm hụt 1,81% GDP của quốc gia.

Số trẻ em và phụ nữ lên tiếng về bạo lực còn rất ít nên số liệu trên chỉ là “phần nổi của tảng băng” và đó cũng là khó khăn và thách thức đối với Việt Nam hiện nay. “Chung tay với nhau, chúng tôi và các đối tác tham gia vào sự kiện ngày hôm nay nhằm hướng đến giải quyết tình trạng bạo lực, khuyến khích tất cả mọi người trong cộng đồng có thể truyền đi thông điệp “không dung thứ đối với bạo lực”, bà Rana Flowers nhấn mạnh. 

Khởi động “Trái tim Xanh” bảo vệ phụ nữ và trẻ em -0
Các khách mời dự lễ khởi động chiến dịch “Trái tim Xanh”. Ảnh: UNICEF VIỆT NAM 

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực, trong đó mọi thông điệp đều khẳng định trẻ em chỉ có thể phát triển toàn diện trong một môi trường yêu thương, chăm sóc; phụ nữ và trẻ em cần sự bình yên trong ngôi nhà của mình. Song, để có thể đạt được mục tiêu này, phụ nữ và trẻ em không chỉ cần kiến thức và kỹ năng để bảo vệ mình mà cần được trao cơ hội, quyền lựa chọn và quyết định nhiều hơn trong các vấn đề liên quan. 

Chẳng hạn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đã xây dựng mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của hình thức bạo lực. Theo ông Nguyễn Phúc Phong, Giám đốc Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh: “Ngôi nhà Ánh Dương đưa ra ba mục tiêu chính: Thay đổi nhận thức của cộng đồng; cung cấp dịch vụ cho nạn nhân bạo lực; tham mưu để ban hành hành lang pháp lý theo hướng thuận lợi nhất cho các cơ quan phối hợp giải quyết vụ việc”.

Bà Cherie Russell, Tham tán Phát triển, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia chia sẻ: “Khoảng tám tháng trước, khi mới đến Việt Nam, một trong những người phụ nữ đầu tiên tôi gặp đã đối mặt bạo lực trong gia đình, sau đó phải tìm về nhà mẹ đẻ để được hỗ trợ. Đây là một câu chuyện khá là phổ biến không chỉ ở Việt Nam  mà còn ở Australia. Bạo lực là một hành vi không thể chấp nhận được, tất cả các thành viên trong cộng đồng hãy lên tiếng. Cùng nhau, chúng ta có thể bảo đảm cho phụ nữ và trẻ em có thể tiếp cận nhiều kênh và những kênh đó có thể hỗ trợ họ”.

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ (UNWomen) Việt Nam cho biết, UNWomen đã xây dựng khung “RESPECT WOMEN”, gồm các quy tắc thể hiện sự tôn trọng phụ nữ. Trong đó cha mẹ cần xây dựng kỹ năng giao tiếp với con, các cặp đôi xây dựng kỹ năng trao đổi để giải quyết vấn đề thay vì dùng bạo lực; trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; bảo đảm các dịch vụ sẵn có để cho phụ nữ và trẻ em khi gặp vấn đề bạo lực có thể tìm đến để chia sẻ, báo cáo, tin tưởng và dựa vào đó; xóa đói, giảm nghèo để bảo đảm chất lượng cuộc sống; thể hiện thái độ tôn trọng phụ nữ và trẻ em trong tất cả các hoạt động ở môi trường trong gia đình, trường học, cũng như công cộng; thay đổi những chuẩn mực, định kiến, quan điểm đối với phụ nữ. 

Trái tim Xanh được xây dựng dựa trên Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 6 hằng năm. Trong giai đoạn đầu vào năm 2020, chiến dịch đã thu hút gần 100 triệu lượt tương tác của người dân trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, với thông điệp có sức lan tỏa từ những người có tầm ảnh hưởng.