Khi doanh nghiệp chây ì
Nhiều tháng qua, cư dân tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) gửi đơn đi nhiều nơi, kiến nghị việc Công ty CP Xây dựng Công nghiệp có nhiều sai sót trong quản lý, vận hành tòa nhà.
Người dân tố cáo đơn vị này không bàn giao hồ sơ nhà chung cư theo quy định; không nghiêm túc chuẩn bị hồ sơ nhà chung cư (theo đề xuất của Ban Thanh tra) để báo cáo Đoàn kiểm tra ngày 29-8-2018, nhằm có thời gian chiếm dụng tầng 26 để làm văn phòng và sử dụng tầng hầm để kinh doanh; trông giữ xe không có giấy phép; trong quá trình vận hành không có báo cáo quyết toán về thu chi tài chính hằng năm cho cư dân được biết; có ý định chiếm đoạt gần 500 triệu đồng tiền bảo trì do cư dân đóng góp. Chưa hết, Công ty CP Xây dựng Công nghiệp còn có nhiều hoạt động gây mất trật tự an ninh trong khu dân cư.
Qua thông tin chúng tôi nắm được, ngày 29-8-2018 Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, do ông Trần Ngọc Minh (Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản), làm phó trưởng đoàn, chủ trì và ban hành biên bản kiểm tra tòa nhà. Biên bản này yêu cầu Công ty CP Xây dựng Công nghiệp hoàn thiện nhiều hồ sơ để báo cáo, bàn giao diện tích tầng hầm để xe cho Ban quản trị quản lý. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu đơn vị này phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị trước ngày 5-9; đề nghị báo cáo về việc chuyển đổi công năng tại tầng 5 và tầng 26; đề nghị UBND quận Đống Đa chỉ đạo các đơn vị chức năng của quận kiểm tra, xử lý vi phạm về việc sử dụng diện tích 1.016 m2. Dẫu vậy, đến nay đơn vị này vẫn chưa thực hiện. Người dân vẫn đang kiến nghị, mong các cơ quan chức năng nhập cuộc, yêu cầu đơn vị này chấp hành nghiêm.
Tìm hiểu ở nhiều dự án khác, chúng tôi cũng ghi nhận những ý kiến bức xúc của người dân. Tại tòa H2 KÐT Việt Hưng (quận Long Biên) do Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm CÐT, người dân cho biết, ngay từ đầu HUD cố tình chỉ bàn giao những gì có lợi cho họ, đồng thời chiếm dụng diện tích chung của chung cư để cho thuê, thu lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Ðơn cử, phòng sinh hoạt cộng đồng của tòa nhà không có nhưng lại có hơn 400 m2 ki-ốt cho thuê làm quán cà-phê. Ban đầu, đơn vị thông báo quỹ bảo trì còn hơn 90 triệu đồng, thế nhưng sau nhiều lần đấu tranh đòi hóa đơn, chứng từ thì con số này đã lên gấp… 10 lần. Còn tại tòa CT21A, Ban quản trị đã được thành lập từ tháng 5-2017 nhưng đến nay vẫn chưa ký bàn giao với CÐT. Tầng 1 có bảy nhà xe, nhưng CÐT chỉ bàn giao bốn nhà xe, ba nhà xe không bàn giao cũng không đưa vào sử dụng. Mặc dù cư dân đã nhiều lần kiến nghị mở cửa để tránh lãng phí thế nhưng ba nhà xe này vẫn bị bỏ hoang.
Kiên quyết xử lý
Vào đầu tháng 7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Hà Nội khóa 15, các đại biểu đã chất vấn thành viên UBND thành phố về quản lý nhà chung cư. Phần lớn ý kiến chất vấn của đại biểu tập trung vào nhóm vấn đề bất cập, như: tranh chấp diện tích sử dụng chung, không bàn giao quỹ bảo trì của Ban quản trị và trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý và vận hành nhà chung cư.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ngày 18-6-2018, UBND thành phố đã có chỉ đạo tại Văn bản số 2744/UBND-ĐT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư có liên quan đến quản lý, sử dụng, vận hành chung cư trên địa bàn phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật. Trong quý III-2018, phải thành lập Ban quản trị, UBND các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các CĐT tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị; xử lý theo thẩm quyền đối với CĐT chậm triển khai, không thực hiện; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án xử lý.