Kế hoạch tạo sự sống lên mặt trăng

Ước mơ sống trên “cung trăng” của con người đã không còn là chuyện viễn tưởng mà ngày càng trở nên khả thi nhờ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Gần đây, các nhà khoa học đã khẳng định sẽ sớm triển khai kế hoạch thành lập một cộng đồng định cư trên mặt trăng, đó là chương trình mang tên “Làng mặt trăng”, do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) xúc tiến.

Phác thảo ý tưởng về một ngôi nhà trên mặt trăng. Ảnh: NBC NEWS
Phác thảo ý tưởng về một ngôi nhà trên mặt trăng. Ảnh: NBC NEWS

Dự án sinh sống trên mặt trăng

Đã từ lâu, không chỉ dừng ở mục tiêu đặt chân tới mặt trăng, mà con người còn luôn mơ ước được sinh sống tại đây. Với sự tiến bộ của khoa học hiện đại, đặc biệt là tốc độ phát triển vượt trội của trí tuệ nhân tạo (AI), mục tiêu này đang tiến gần đến hiện thực. Tại Hội nghị khoa học không gian tổ chức tại Thủ đô Riga của Latvia (từ ngày 22 đến 23-9) vừa qua, các nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới đã bàn thảo sôi nổi về chủ đề này.

“Làng mặt trăng” là chương trình nhằm xây dựng cơ sở mới, thay thế hoàn toàn vai trò của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ ngừng hoạt động vào năm 2024. Chương trình được ESA “ấp ủ” từ lâu, nhưng chỉ chính thức trở thành chương trình trọng điểm của cơ quan này từ năm 2014. Khái niệm về tạo ra ngôi làng trên mặt trăng của ESA cũng nhiều lần được đề cập trong các hội thảo khoa học trên thế giới.

Theo dự kiến, “Làng mặt trăng” ban đầu sẽ là nơi điều phối hoạt động của robot hoặc các máy thăm dò, rồi đến giai đoạn đưa người lên nghiên cứu và sau đó sẽ trở thành trạm chuyển tiếp cho các kế hoạch khám phá những nơi xa xôi hơn trong không gian.

Euronews cho biết, đến nay, ESA đặt mục tiêu không chỉ có sự hiện diện tạm thời của con người mà còn tham vọng đưa con người định cư lâu dài trên vệ tinh của Trái đất. Tại đây, các nhà thám hiểm sẽ sinh sống trên bề mặt mặt trăng, đồng thời chia thành nhiều đơn vị thực hiện các nhiệm vụ như nghiên cứu khoa học vũ trụ, thiên văn học, nghiên cứu sự sống của con người ngoài không gian, sử dụng tài nguyên trên mặt trăng, thậm chí phát triển kinh tế - thương mại.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lo ngại dự án này sẽ dẫn đến những “cuộc chạy đua” nhằm tranh giành quyền lợi khai thác các tài nguyên trên mặt trăng. Hiện, mặt trăng được xem là một “miền đất mới” hấp dẫn, giàu tài nguyên quý như đá bazan dùng làm nguyên liệu cho công nghệ in 3D; đồng vị hiếm heli-3, nhiên liệu sản xuất năng lượng hạt nhân và cuối cùng là nguồn tài nguyên nước từ các hố băng, giúp tiết giảm chi phí vì việc chuyên chở nước từ Trái đất lên quá tốn kém.

Do đó, LHQ và nhiều tổ chức quốc tế đã thúc đẩy sự ra đời những quy ước chung về khai thác tài nguyên ngoài Trái đất, đã yêu cầu các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền sở hữu tài sản chung của nhân loại trên mặt trăng.

Khu định cư đầu tiên

Theo đó, vào năm 2030, sẽ có một khu định cư đầu tiên với sự tham gia của sáu đến 10 người tiên phong bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên. Dự kiến đến năm 2040, có 100 người sinh sống trên mặt trăng. Các cư dân đầu tiên của mặt trăng có thể uống nước từ băng tan, xây dựng nhà ở bằng công nghệ in 3D và ăn các loại rau củ, cây lá tự trồng trong nhà kính. Họ cũng có thể chơi các môn thể thao “bay lượn” trong môi trường trọng lực thấp ở mặt trăng.

Chuyên gia Bernard Foing, Đại sứ của chương trình “Làng mặt trăng” khẳng định tầm nhìn đặt ra của dự án này hoàn toàn có thể đạt được: “Vào năm 2050, số cư dân có thể lên đến 1.000 người và sau đó sẽ hình thành các gia đình nhỏ làm gia tăng dân số trên mặt trăng”. Chuyên gia Foing cũng bày tỏ lạc quan về khả năng trẻ em sinh ra và mang “quốc tịch” mặt trăng trong vài thập kỷ tới.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo cuộc sống trên mặt trăng rất khắc nghiệt và khó khăn. Cư dân muốn sống tại đây sẽ phải trải qua những khóa huấn luyện và rèn luyện thể lực đặc biệt để quen với môi trường trọng lực thấp. Bề mặt mặt trăng chỉ toàn đá, bụi và các miệng hố lồi lõm, nhiệt độ trung bình vào ban ngày khoảng 107 độ C, còn ban đêm nhiệt độ khoảng - 153 độ C.

Kế hoạch tạo sự sống lên mặt trăng ảnh 1

Một ý tưởng về ngôi làng cho con người sinh sống trên mặt trăng. Ảnh: ESA’S BLOGS

Một khóa luyện tập thể chất tại Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm tuyển phi hành gia bay vào không gian là vô cùng khó khăn: ứng cử viên phải đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe, đủ sức mang trên mình bộ đồ phi hành gia nặng nề, mỗi ngày luyện tập 40 lần đi lại và làm việc trong môi trường không trọng lực. Họ cũng phải học bơi trong bộ đồ phi hành gia nhằm làm quen với sức nặng. Không chỉ huấn luyện thể chất, các ứng viên cũng phải có IQ cao để trải qua các bài thi lý thuyết và trắc nghiệm tinh thần. Chỉ những người xuất sắc nhất mới được giữ lại cho sứ mệnh ngoài không gian.

Khi đặt chân tới mặt trăng, những người tiên phong sẽ sống trong hoàn cảnh hoàn toàn không có thực vật, chỉ toàn đá và bụi; luôn phải ở trong nhà hoặc mặc trang phục của nhà du hành vũ trụ, chấp nhận không bao giờ có thể tiếp xúc trực tiếp với khí quyển và môi trường mặt trăng cũng như luôn phải đi cùng phi hành đoàn.

Bên cạnh đó là giá vé du hành lên mặt trăng cũng ở mức “trên trời”, vào khoảng 100 triệu USD. Dù vậy, các nhà khoa học lạc quan rằng chi phí lên mặt trăng có thể giảm mạnh trong những năm tới nhờ sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và làn sóng thăm dò không gian của các tập đoàn tư nhân. Điều này phụ thuộc phần lớn vào các tiến bộ của các công ty thương mại cung cấp dịch vụ thám hiểm hoặc du lịch không gian.

Bởi vậy, dự án “Làng mặt trăng” đang nỗ lực kêu gọi đầu tư và tham gia của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm nhà đầu tư từ những ngành phi không gian trên toàn thế giới. Hiện nay, rất nhiều nguồn lực từ khu vực tư nhân đang dồn cho nghiên cứu vũ trụ, du lịch ngoài không gian… Chẳng hạn, Tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk đang dự định đưa hai người đi du lịch vòng quanh mặt trăng trong vài năm tới, nhà sáng lập Amazon, tỷ phú Jeff Bezos, có kế hoạch đưa năm tấn hàng hóa lên mặt trăng…

Một khi thành hiện thực, ý tưởng “Làng mặt trăng” cũng sẽ là động lực phát triển nguồn nhân lực và mở ra những ngành giáo dục mới cho thế hệ trẻ. Song song các chương trình nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa, “làng Mặt trăng” cho thấy trong tương lai không xa, cuộc sống trên mặt trăng không còn xa tầm với, mà đang dần định hình rõ nét.