Karl Marx sinh ngày 5/5/1818 tại thành phố Trier thuộc Vương quốc Phổ (nước Đức ngày nay). Trier là thủ đô của một công quốc tôn giáo lớn, nơi cư trú của Đại giáo chủ xứ Trier. Tuy vậy, Trier không nằm ngoài phong trào xã hội sôi động ở nước Đức và cuộc sống yên tĩnh của thành phố này cũng bộc lộ những mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa dân nghèo thành thị với thiểu số tầng lớp thị dân giàu có.
Năm 12 tuổi (1830), Karl Marx vào học trường trung học ở Trier và có thành tích học tập rất tốt, đặc biệt nổi bật ở những lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập sáng tạo. Karl Marx cũng tỏ ra có năng lực về toán học. Thời học phổ thông, Karl Marx may mắn có những thầy tốt như thầy hiệu trưởng trung học ở Trier dạy lịch sử và triết học, thầy dạy toán và vật lý - những người theo chủ nghĩa duy vật và có xu hướng tự do. Mùa thu năm 1835, Karl Marx tốt nghiệp trung học. Sau đó, tháng 10/1835, Karl Marx vào Trường đại học Tổng hợp Bonn để học ngành Luật. Hai tháng sau, theo lời khuyên của bố, Karl Marx theo học ở Trường đại học Tổng hợp Berlin.
Ngày 15/4/1841, khi mới 23 tuổi, Karl Marx nhận được bằng Tiến sĩ Triết học. Vào thời Karl Marx hoạt động cách mạng, các tổ chức tư bản độc quyền trên thế giới đang tăng cường bóc lột giai cấp công nhân để thu lợi nhuận tối đa có thể. Trong đó, nổi lên hiện tượng giới tư bản độc quyền thường kéo dài số giờ làm trong ngày, thường xuyên bắt tăng ca, làm việc liên tục không nghỉ trong tuần. Điều này khiến công nhân kiệt sức nên họ thường ốm đau, bệnh tật và có tuổi thọ thấp. Tuy nhiên, công nhân thường không dám nghỉ việc vì sợ mất việc làm dẫn đến chết đói, dù đồng lương thường ít ỏi. Tại Đại hội lần thứ nhất của tổ chức công nhân quốc tế với tên gọi Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) họp tại Geneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, dưới sự chủ trì của Karl Marx, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc tám giờ được xác định là nhiệm vụ quan trọng của giai cấp công nhân. Mục tiêu đấu tranh ngày làm tám giờ từ Anh, nơi đặt trụ sở Quốc tế I, dần lan sang các nước khác.
Bên cạnh đó, Karl Marx đã sáng tạo ra triết học duy vật biện chứng, tạo nên một cuộc cách mạng trong nhận thức và cải tạo thế giới. Karl Marx cũng đã vạch trần việc giai cấp tư bản đã bóc lột giá trị thặng dư của những người lao động làm thuê tạo ra. Ngoài ra, Karl Marx đã phát hiện ra vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trên thế giới là tiến hành cách mạng vô sản, tự giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trọn đời Karl Marx đã cống hiến vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng loài người. Đặc biệt, vào tháng 2/1848, Karl Marx và người đồng chí thân thiết Friedrich Engels cùng soạn thảo và xuất bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, là văn kiện đầu tiên có tính chất cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bản tuyên ngôn khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (1).
Karl Marx là nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Nói về học thuyết của Karl Marx, Vladimir Ilyich Lenin (người kế tục xuất sắc sự nghiệp giải phóng con người của Karl Marx) đã khẳng định: “Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”(2).
Ngày 14/7/1889, Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Quốc tế II) được Friedrich Engels (nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19, người cùng với Karl Marx sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản và là lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế I) thành lập. Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) được kỷ niệm với quy mô thế giới vào năm 1890. Công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Italy và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít-tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ Ngày làm tám giờ, “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Từ đó đến nay, ngày Quốc tế Lao động 1/5 trở thành ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Tiếp thu chủ nghĩa Marx, Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924) nhận định: Phương sách duy nhất để làm cho nhân dân lao động hết cùng khổ là thay đổi, từ dưới lên trên, chế độ hiện nay trên toàn quốc và lập chế độ xã hội chủ nghĩa. Riêng đối với giai cấp công nhân, Lenin cho rằng: Đến khi đó, của cải sẽ tăng lên còn nhanh chóng hơn nữa, vì công nhân lao động cho bản thân mình, sẽ làm tốt hơn là làm cho tư bản, ngày lao động sẽ ngắn hơn, tình cảnh của công nhân sẽ khá hơn, tất cả đời sống của họ sẽ hoàn toàn thay đổi.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi (7/11/1917), đến ngày 10/1/1918, Đại hội Xô Viết toàn Nga lần III đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi nhân dân lao động và bị bóc lột”, khẳng định nước Nga là một nước Xô Viết với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp. Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Vladimir Ilyich Lenin, nước Nga Xô Viết là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần được nhiều nước khác trên thế giới thực hiện. Nước Nga Xô Viết cũng đã quy định số giờ làm việc là tám tiếng mỗi ngày cũng như nhiều phúc lợi xã hội khác cho nhân dân lao động.
Ở Cuba, vào ngày 1/5/1961, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố Cuba là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Hơn 60 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử. Sống ở Cuba, người lao động được bảo đảm miễn phí về y tế, giáo dục, nhà ở và nhiều phúc lợi khác.
Trong khi đó, khi nước Mỹ có đại khủng hoảng thì đời sống của người lao động lâm vào hoàn cảnh bi đát. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ năm 2007, bùng phát mạnh từ cuối năm 2008. Kết quả là phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đã bùng nổ ở Mỹ vào hai tháng 9 và 10/2011. Chỉ cần nhìn vào những tấm biểu ngữ trên đường phố như “99% dân nghèo chống lại 1% người giàu có”… là phần nào hiểu được căn nguyên của vấn đề. Và không phải ngẫu nhiên, lúc này, người ta tìm đọc lại các tác phẩm của Marx, nhất là học thuyết về kinh tế chính trị.
1- C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 628.
2- V. Lênin: Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 50.