Indonesia mạnh tay với ngành gây ô nhiễm

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Đây là bước đi mới nhất của chính quyền nước này trong việc ngăn chặn ô nhiễm không khí tại Thủ đô Jakarta và các vùng lân cận vốn ở mức nghiêm trọng thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Ô nhiễm không khí báo động tại Indonesia. Ảnh: BLOOMBERG
Ô nhiễm không khí báo động tại Indonesia. Ảnh: BLOOMBERG

Theo Xinhua, ngày 30/8 vừa qua, ông Widodo cảnh báo, chính phủ của ông sẽ không ngần ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Các nhà máy bị phát hiện là vi phạm các quy tắc an toàn môi trường, như không lắp thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí sẽ bị xử phạt, thậm chí bị yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn.

“Các biện pháp trừng phạt là chắc chắn và các nhà máy công nghiệp có thể bị đóng cửa nếu họ từ chối khắc phục việc xả thải quá mức, bởi vì cái giá mà chúng ta phải trả cho sức khỏe của mình là rất đắt”, ông Widodo cho biết. Ông cũng khẳng định, biện pháp cứng rắn là cần thiết để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Vùng Đại Jakarta gồm Thủ đô Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi. Tổng thống Indonesia đã chọn Bộ trưởng cấp cao Luhut Binsar Pandjaitan để lãnh đạo việc triển khai các nỗ lực chống ô nhiễm không khí bao gồm trồng cây, điều chỉnh thời tiết và thực thi pháp luật.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với 11 công ty công nghiệp vì là nguồn gây ô nhiễm không khí ở Jakarta. Các công ty này bao gồm nhà máy nhiệt điện than, nhà máy luyện kim loại, công ty giấy và công ty than củi.

Chính quyền Jakarta cũng cho biết, sẽ thực hiện biện pháp làm việc linh hoạt, bao gồm làm việc tại nhà để giảm tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, đây được cho là giải pháp không đem lại hiệu quả. Bởi theo Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch Indonesia, không khí ô nhiễm gia tăng tại Vùng Đại Jakarta chủ yếu do khí thải từ nhà máy điện, công nghiệp, giao thông, đốt rừng… Do đó, khu vực này cần một quy định rõ ràng và chế tài mạnh mẽ để giải quyết tất cả các nguồn phát thải lớn. Trước mắt, chính quyền yêu cầu các lái xe phải kiểm tra khí thải, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và sử dụng xe điện.

Tình hình ô nhiễm tại Vùng Đại Jakarta đang tác động nguy hại đến sức khỏe người dân. Cụ thể, theo số liệu ngày 25/8 vừa qua của Bộ Y tế Indonesia, vào thời điểm trước đại dịch, Jakarta ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc viêm đường hô hấp cấp tính (ISPA) thì nay con số này đã tăng lên 200.000 ca. Trước đó một ngày, báo cáo từ Sở Y tế thành phố Bekasi cũng cho thấy, trong bảy tháng đầu năm, đã có 66.893 người dân sinh sống tại đây bị ISPA do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, trong đó tháng 3 là tháng có số người mắc cao nhất với 11. 611 ca.

Các triệu chứng của ISPA bao gồm ho, sổ mũi, sốt, đau ngực và khó thở. Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus do ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Số lượng tăng vọt bệnh nhân ISPA trong thời gian qua đã tạo áp lực đối với hệ thống y tế của khu vực. Trước tình hình đó, Bộ Y tế Indonesia thông báo đã chuẩn bị 740 cơ sở y tế để tiếp nhận những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên (URTI) do ô nhiễm không khí ở Vùng Đại Jakarta.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã có cuộc họp với nhiều bộ trưởng về vấn đề ô nhiễm không khí tại khu vực này. Ông cho biết, do mùa khô kéo dài trong ba tháng qua và khí thải từ hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp ở Vùng Đại Jakarta, đặc biệt là các cơ sở sử dụng than làm nhiên liệu, đã dẫn đến gia tăng ô nhiễm. Nhà lãnh đạo chỉ đạo các bộ, ngành liên quan can thiệp để cải thiện chất lượng không khí tại khu vực nói trên, đưa ra các giải pháp ngắn, trung và dài hạn để giảm nhẹ tình trạng ô nhiễm như tạo mưa, ban hành quy định hạn chế phát thải, tăng không gian xanh, giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch… Dù vậy, giới phân tích cho rằng, cuộc chiến chống ô nhiễm tại đây vẫn còn rất gian nan.