Hàng đã chất đầy kho
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, hệ thống GO!, Big C tự tin cam kết với khách hàng về giá cả sản phẩm đến tay khách hàng trong dịp Tết năm nay. Đặc biệt, đơn vị đã lên kế hoạch cho nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khác nhau cho hàng mùa vụ và truyền thống ngày Tết như: bánh chưng, bánh tét, đồ chua, lạp xưởng, kẹo,… theo hai hình thức mua trực tuyến và trực tiếp.
Theo bà Vân, để bảo đảm đầy đủ thực phẩm cho bà con ăn Tết, đơn vị chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết 2021. Toàn hệ thống cũng chuẩn bị đủ các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau Tết. Bên cạnh đó, những mặt hàng nhập khẩu cũng đã hoàn tất kế hoạch. Cụ thể, sẽ nhập khẩu 1.500 tấn trái cây, hơn 2.000 tấn thịt lợn, thịt gia cầm, cá hồi đông lạnh, cá nguyên con đông lạnh các loại… để luôn sẵn sàng đầy đủ hàng hóa cung ứng cho dịp Tết 2022.
Đáng chú ý, chương trình Lễ hội nhập khẩu sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 25/1/2022 với nhiều chương trình khuyến mãi bảo đảm giá tốt nhất cho các mặt hàng như táo Mỹ, táo Pháp, táo Ba Lan, cam Australia, lê Hàn Quốc, me Thailand, thịt lợn đông lạnh, thịt gà đông lạnh, thịt bò mát, cá hồi đông lạnh, cá đông lạnh... đáp ứng đa dạng nhu cầu dịp Tết 2022.
Chưa hết, hơn 70 loại giỏ quà Tết với nhiều loại sản phẩm từ đồ uống, bánh kẹo, trái cây nhập khẩu đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và đồ dùng gia đình cũng được hệ thống này tuyển chọn tỉ mỉ để đưa đến giá cả hợp lý nhất trong năm nay, phổ biến là các dòng sản phẩm có giá 99.000 đồng/giỏ.
Tương tự, đại diện Saigon Co.op cho biết, hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã bắt đầu khởi động giai đoạn kinh doanh cao điểm Tết. Dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Còn theo đại diện Wincommerce, đơn vị quản lý và vận hành chuỗi WinMart và WinMart+, họ đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và tháng 10, chốt sản lượng tất cả mặt hàng chủ lực và tăng 50% sản lượng cho thị trường Tết Nhâm Dần 2022... Các mặt hàng cũng được cam kết giá ổn định, không tăng trong suốt thời điểm Tết.
Không những đã chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân ngày cận Tết với mức giá ổn định, trong bối cảnh nhiều xe hàng nông sản từ cửa khẩu quay về tiêu thụ nội địa khi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ được “giải cứu” ngay tại các hệ thống siêu thị lớn. Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart. “Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận”, ông Nguyễn Thái Dũng nhận định. Đó cũng là cam kết của đại diện Central Retail. Theo đó, đơn vị này sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng mùa Tết.
Kiên quyết không để “khan hàng, sốt giá”
Để bảo đảm nhu cầu mua sắm dịp cuối năm, theo Chỉ thị 12, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa. Qua đó, các địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng và sốt giá vào dịp cuối năm và Tết Nhâm Dần 2022. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị các Sở Công thương chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa Tết theo các cấp diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn.
Các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... cũng cam kết không tăng giá vô lý, nhằm phục vụ người dân mua sắm để đón Tết Nhâm Dần an toàn, vui tươi, tiết kiệm.
Tại Hà Nội, đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng (kế hoạch 5.600 tỷ đồng); đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán để người dân được mua sắm tiện lợi. Các nhóm hàng cần bảo đảm cung cầu trong dịp Tết là các thực phẩm thiết yếu, như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy...
Tại TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng Tết Nguyên đán 2022 được các doanh nghiệp dự trữ có giá trị lên tới hơn 19.000 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu khác. Trong đó, riêng nguồn hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá của 80 doanh nghiệp với cam kết không tăng giá trong dịp Tết, lên đến 7.110 tỷ đồng. Song song với cam kết bình ổn giá, các doanh nghiệp cũng thông tin sẽ có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích thích tiêu dùng.
Tại tỉnh An Giang, hiện đã có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường với 451 điểm bán hàng bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Dự kiến, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước...
Qua báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương về tình hình hàng hóa các tỉnh, thành phố phía nam trong những tháng cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, cho thấy, tình hình cung ứng hàng hóa vẫn duy trì ổn định, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Song song với cam kết bình ổn giá, các doanh nghiệp cũng thông tin sẽ có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích thích tiêu dùng.