Những dự báo đáng lo ngại
Bản đồ đường phố của Thủ đô Lagos (Nigeria) năm 1960 cho thấy đây là thành phố biển nhỏ được bao quanh bởi các làng mạc, chỉ có vài tòa nhà sáu tầng và rất ít ô-tô. Thế nhưng đến nay, dân số Lagos đã tăng gấp 100 lần, từ chưa đến 200 nghìn người lên gần 20 triệu người. Thành phố đã mở rộng địa giới 1.000 km2, và ngày nay là một trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới. Phần lớn người dân ở Lagos sinh sống trong những khu định cư tạm bợ hay những khu nhà ổ chuột. Số đông không được tiếp cận nước sạch và hệ thống vệ sinh tiêu chuẩn. Các đường phố thường xuyên xuất hiện tình trạng giao thông tắc nghẽn và ô nhiễm không khí do khói bụi, rác thải.
Nếu dân số của Nigeria tiếp tục tăng và người dân tiếp tục đổ về thành phố với tỷ lệ như hiện nay, Lagos sẽ trở thành thủ đô đông dân nhất thế giới với số dân vào khoảng 85 - 100 triệu người. Dự tính đến năm 2100, số dân sinh sống ở Lagos nhiều hơn số dân của bang California hoặc của nước Anh hiện nay. Với việc mở rộng địa giới, Lagos sẽ phải chịu những hậu quả môi trường nghiêm trọng.
Theo hai nhà dân số học Canada là Daniel Hoornweg và Kevin Pope thuộc Viện công nghệ Ontario, hàng trăm thành phố nhỏ hơn ở châu Á và châu Phi cũng mở rộng địa giới. Họ cho rằng Thủ đô Niamey của Niger, một nước Tây Phi, có tỷ lệ sinh đẻ cao nhất thế giới, từ một thành phố chưa đến một triệu dân hiện nay sẽ trở thành thành phố lớn thứ tám thế giới với 46 triệu dân vào năm 2100. Theo các nhà nghiên cứu, trong vòng 35 năm tới, việc không kiểm soát được tỷ lệ sinh đẻ và quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh chóng sẽ làm xuất hiện hơn 100 thành phố có số dân hơn 5,5 triệu người. Đến năm 2100, các trung tâm dân số của thế giới sẽ chuyển sang châu Á, châu Phi và dân số thế giới dự đoán sẽ lên tới 11 tỷ người.
Theo dự đoán mới nhất của LHQ, trong 33 năm tới, dân số thế giới sẽ tăng 2,9 tỷ người, bằng số dân của Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay gộp lại, và có thể tăng lên ba tỷ người vào cuối thế kỷ này. Khi đó, sẽ có khoảng 80 - 90% số dân sinh sống ở các thành phố. Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng các thành phố sẽ trở nên khó kiểm soát do nảy sinh nhiều vấn đề như nhiệt độ tăng, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt và bệnh tật. Nhiều thành phố đã đầu tư cải thiện hệ thống giao thông, nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, xây dựng nhà ở cho mọi người,… nhưng vẫn có nhiều thành phố khác phải đương đầu những vấn đề nan giải.
Tăng dân số ở các thành phố lớn
Theo dự đoán của hai nhà dân số học Hoornweg và Pope, một số thành phố lớn ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ sẽ là nơi diễn ra tốc độ đô thị hóa nhanh do số dân tăng nhanh trong những năm tới. Theo đó, dự đoán tới năm 2100, dân số thành phố Bangalore (Ấn Độ) từ gần 8,5 triệu sẽ tăng lên 21 triệu; Ấn Độ sẽ trở thành nước có số dân đông nhất thế giới với hơn 1,5 tỷ người vào năm 2050 và số dân đô thị sẽ tăng gấp hai trong 30 năm tới, với gần 600 triệu người.
Theo chuyên gia Ramachandra thuộc Viện Khoa học Ấn Độ, cách đây 25 năm, Bangalore từng nổi tiếng là thành phố có nhiều cây xanh, hồ nước và khí hậu dễ chịu. Nhưng hiện nay, nó là “một thành phố đang tàn lụi vì hy sinh môi trường để tăng trưởng kinh tế nhanh như nhiều nơi khác trên thế giới”. Ông Ramachandra lo ngại rằng những gì xảy ra ở Bangalore sẽ diễn ra ở tất cả các thành phố của Ấn Độ, theo đó ô nhiễm không khí và nguồn nước ở mức độ nguy hiểm. Theo ông, hiện nay những đầm lầy, hồ nước và không gian xanh đã nhường chỗ cho những tòa nhà kính và bê-tông.
Còn tại châu Phi, dân số của Thủ đô Kinshasa (CHDC Congo), từ 9,5 triệu người hiện nay sẽ tăng lên con số 83 triệu. Theo thống kê, năm 1920, Kinshasa chỉ có số dân khoảng 20 nghìn người nhưng đến năm 1940 đã là 450 nghìn người. Ông Somik Lall, nhà kinh tế học hàng đầu về châu Phi của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hiện nay đến Kinshasa, người ta chỉ thấy sự hỗn độn và tình trạng tắc nghẽn giao thông. Theo ông Lall, Kinshasa sẽ trở thành một trong những thành phố lớn nhất châu Phi vào năm 2050 nhưng lại không phải là hình mẫu phát triển của “lục địa đen”.
Một thành phố khác ở châu Phi cũng là nơi diễn ra quá trình đô thị hóa và tăng dân số chóng mặt. Đó là Thủ đô Kigali (Rwanda), dự kiến đến năm 2050 sẽ có dân số khoảng 5 triệu dân so gần một triệu dân hiện nay. Các thành phố lớn khác ở châu Phi như Accra (Ghana), Entebbe (Uganda) hay Nairobi (Kenya) cũng là những nơi diễn ra tốc độ đô thị hóa nhanh do có kế hoạch thu hút các tầng lớp giàu có và trung lưu đến các thành phố vệ tinh, khu đô thị. GS Vanessa Watson, chuyên ngành Kế hoạch đô thị thuộc Trường đại học Cape Town (Nam Phi) cho rằng, chỉ có Rwanda và Ethiopia đang kiểm soát được quá trình đô thị hóa bằng cách giải tỏa những khu nhà ổ chuột và chuyển người dân đến những thành phố nhỏ hơn.
Còn tại khu vực châu Mỹ, Thủ đô Mexico City (Mexico) sẽ có dân số 25 triệu người, tăng mạnh so mức gần chín triệu người hiện nay. GS ngành Xã hội học Priscilla Connolly của Trường đại học Autonoma Metropolitana (Mexico) cho biết, kể từ năm 1970, diện tích của Mexico City đã tăng ba lần. Hiện nay, thành phố này ngừng mở rộng song dân số vẫn quá đông, kèm theo là tình trạng ô nhiễm nặng. Ở đây còn rất ít khoảng trống để xây dựng, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân là 50 nghìn căn nhà mới mỗi năm. Tuy nhiên, theo ông Connolly, những thay đổi ở thành phố này có thể kiểm soát được và đô thị hóa đã mang lại lợi ích, như số đông người dân biết chữ và có nhà ở. Nhưng nếu không quy hoạch tốt, trong tương lai, thành phố này sẽ phải đối mặt các rủi ro về môi trường. Đến nay, những vấn đề môi trường vẫn chưa được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và Mexico City thường xuyên phải đối mặt cuộc khủng hoảng nước.
Thành phố El Alto (Bolivia) cũng đang có tốc độ tăng dân số cao. Nếu hiện nay dân số thành phố này khoảng một triệu người, thì vào năm 2050, dự đoán dân số sẽ tăng lên 2,5 triệu người. Theo số liệu thống kê của LHQ, Mỹ latin là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới với 90% số dân sống ở các đô thị. Trong đó, Mexico, Brazil, Argentina và Uruguay đứng đầu về tốc độ đô thị hóa.
Theo các nhà nghiên cứu, các thành phố châu Phi hay châu Mỹ cần phải nhận biết rằng họ không thể phát triển bền vững bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng và không hạn chế lưu lượng ô-tô, mà phải xây dựng hệ thống giao thông công cộng thông minh và hợp lý. Các thành phố này cũng cần phải tìm mô hình phát triển riêng và không nên sao chép mô hình phát triển của châu Âu, nơi có những thành phố được xây dựng khoa học và có hàng thế kỷ tăng trưởng kinh tế ổn định.