Phóng viên (PV): Có lẽ cần ghi nhận sự nỗ lực của nhóm xẩm Hà Thành các anh, chị trong việc tham gia đề xuất, vận động để tiến tới diễn ra liên hoan xẩm lần đầu tiên. Cá nhân anh có chia sẻ gì về điều này?
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (NQL): Chúng tôi nhớ mãi tâm nguyện của cố NSƯT, nghệ nhân Hà Thị Cầu từ đầu những năm 2000 khi dường như nghệ thuật này chỉ còn rất ít những người như cụ là còn lưu giữ một cách bền bỉ. Cụ luôn đau đáu làm sao hát xẩm có được một môi trường tốt hơn, có nhiều khán giả nghe hơn. Những năm qua, các lễ giỗ tổ nghề hát xẩm được khởi xướng ở Hà Nội, những đêm nghệ thuật nhóm xẩm Hà Thành tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp Hồng Hà, Cung Thanh niên Hà Nội tại đảo hồ Thiền Quang, khán phòng lớn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh… là những nỗ lực nhóm chúng tôi dành cho xẩm cũng như người thầy của mình.
Liên hoan là niềm vui lớn của làng xẩm nói chung, cũng là cho nhóm xẩm Hà Thành nói riêng. Bởi đây cũng là ý tưởng, đề xuất chúng tôi đã đặt ra từ hàng chục năm nay, và trực tiếp triển khai trong khoảng hai năm qua. Rất vui vì ngay từ ngày đầu nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đại diện nhóm về làm việc với tỉnh Ninh Bình, đề xuất, đã được các cấp chính quyền địa phương đón nhận nhiệt tình và từng bước triển khai.
Nhóm xẩm Hà Thành. Ảnh: TL
PV: Là lần đầu tiên, nhưng đã có sự tham dự của nhiều CLB, nhóm xẩm với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, giọng hát…, anh chia sẻ vài nhận xét về sự phát triển của phong trào hát xẩm ở khu vực miền bắc theo góc nhìn của mình?
NQL: Đó là một thành quả thể hiện một hướng đi đúng mà nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đã đặt ra từ gần hai thập niên trước, khi bắt đầu bắt tay vào gây dựng lại nghệ thuật hát xẩm đặc sắc này. Mà trong đó, tôi may mắn được rèn luyện, góp mặt.
Tôi luôn cho rằng muốn gây dựng lại được thì phải làm cho nghệ thuật trở nên hấp dẫn hơn từ mọi yếu tố nghệ sĩ biểu diễn, bản thu âm chất lượng, hình thức ấn tượng… Đĩa “Xẩm Hà Nội” ra đời năm 2005 đã đánh dấu được trong lòng công chúng. Kể từ đó, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ tiếp tục những nỗ lực tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, ra phố cổ hát ở không gian công cộng… Rất đáng phải tôn vinh GS Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa…
Lực lượng tham gia liên hoan này có thể là nhỏ so phong trào hiện nay của các nghệ thuật truyền thống khác, nhưng với hát xẩm nó là một điều mà 20 năm trước nhiều người cứ ước mơ nhưng không dám nghĩ tới.
PV: Ngoài sự tham gia của các CLB, nhóm, thì không thể thiếu vai trò của các nhà tổ chức, đánh giá, xét chọn… Hoạt động trong nghề đã được thời gian dài, anh có gợi ý, góp ý, đề xuất gì với các bộ phận cũng rất quan trọng này?
NQL: Tôi cho rằng cần trân trọng việc tỉnh và ngành văn hóa Ninh Bình đưa liên hoan vào hoạt động năm 2019 và nỗ lực hoàn thành. Đặc biệt, cần ghi nhân sự chung sức của Quỹ Thiện tâm khi đồng hành cùng liên hoan, và nhiều hoạt động khác liên quan đến hát xẩm từ trước đó.
Về chất lượng nghệ thuật, tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn, và nó sẽ luôn có những tồn tại cần khắc phục để phát triển phù hợp với mỗi thời điểm. Tôi chỉ mong rằng mỗi CLB, nhóm xẩm ngoài việc trau dồi khả năng về trình diễn, tăng cường đẩy mạnh việc tìm tòi xem ở địa phương mình sinh sống xưa kia có những nghệ nhân nào, có những bài bản nào…
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy, gần như chúng ta sẽ không nghĩ địa phương mình có, nhưng hãy cứ kiên trì hỏi những người già, khơi gợi họ bằng những giai điệu, tôi tin sẽ có nhiều người nhớ lại những câu hát, thậm chí trong số đó sẽ tìm được chính nghệ nhân từng đi hát xẩm kiếm sống, hoặc có bố mẹ, ông bà từng đi mà họ giấu kín trong lòng từ lâu do trước đây nghệ thuật này vẫn chưa được nhìn nhận đúng với giá trị quý giá của nó.
PV: Một chút chia sẻ riêng, anh và nhóm đang ấp ủ gì cho xẩm vào dịp tiễn năm cũ, đón xuân mới tới đây chăng?
NQL: Năm 2020 này sẽ rất đặc biệt cho Hà Nội bởi thành phố bước sang năm thứ 1010 nên nhóm có rất nhiều dự định. Lớn nhất là đêm nghệ thuật “Xẩm và Đời” lần thứ hai ở Nhà hát Lớn Hà Nội trước ngày 10-10.
Trước mắt, sau album “Xẩm - Mai Tuyết Hoa Vol.1” nhóm sẽ phát hành album riêng của tôi mang tên “Trách ông Nguyệt Lão” với những bài xẩm chủ yếu do tôi tự sáng tác phần lời ca và lồng điệu. Tôi nghĩ đó có thể là một gợi ý cho sự nối tiếp sáng tạo từ truyền thống. Tháng 1-2020 nhóm sẽ ra mắt MV “Trách ông Nguyệt Lão” có nội dung liên quan đến hai địa danh là Bắc Ninh và Hà Nội, là sản phẩm đặc biệt của nhóm chào năm mới 2020, chào Hà Nội bước sang năm thứ 1010…
PV: Xin chúc anh cùng nhóm thành công!