Phóng viên (PV): Công chúng đang khá háo hức với việc lần đầu tiên nàng Kiều lên sân khấu của nghệ thuật múa kinh điển. Vậy chị muốn “kể” gì từ 3.254 câu thơ lục bát của cụ Nguyễn Du?
Tuyết Minh (TM): Từ câu tựa của 252 năm trước “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa - Người đời ai khóc Tố Như chăng?”, Tuyết Minh chuyển thể Truyện Kiều sang kịch bản múa với tâm niệm gửi lòng tri ân của hậu thế tôn kính trước đại thi hào Nguyễn Du và ái mộ tuyệt tác nghệ thuật văn chương này. Tôi đặt mình trong tâm thế đó khi sáng tạo thông qua ngôn ngữ hình thể của bộ môn nghệ thuật múa; mang tới một cách cảm khác về tác phẩm nhưng không xa với nguyên tác.
Tôi muốn thể hiện trọn vẹn phần nào những giá trị mà Nguyễn Du gửi gắm trong “Kiều”. Chính vì vậy, ballet “Kiều” không đi vào miêu tả lại 15 năm lưu lạc của nàng Kiều mà mong muốn triết hàm ý từ 3.254 câu thơ trác tuyệt của đại thi hào. Diễn tiến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh bốn lần Kiều đánh đàn, bởi thanh âm của tiếng đàn không thể là thứ ngôn ngữ dối lừa của tâm trạng: lúc thì thầm, dìu dặt, mềm mại, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng, có trường đoạn thì gào thét, tang thương; để rồi tan chảy, nén chịu; và rồi khoan nhặt, thanh thoát đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung mà cũng là tiếng lòng của chính đại thi hào Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.
Các nghệ sĩ tập một lớp cảnh của vở ballet “Kiều”.
PV: Ballet là nghệ thuật múa từ phương Tây, vậy chị dàn dựng thế nào để thể hiện thành công một tác phẩm mang đậm văn hóa phương Đông?
TM: Những năm 2003, 2004 khi bắt đầu dựng các vở diễn lớn, những vở đầu tay của tôi là ballet “Carmen”, “Don Quyxote”, rồi ngay sau đó tôi đã nhìn thấy con đường mà tôi sẽ theo đuổi trong sự nghiệp biên đạo đó là mài giũa mình trong các vở diễn Việt Nam, mang văn hóa Việt, mang bản sắc Việt. Khi bắt đầu triển khai dàn dựng ballet “Kiều”, thì ngay từ tư duy tôi đã lọc những gì mà đặc trưng ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện tốt nhất và những gì không phải là thế mạnh của nghệ thuật múa.
Trước hết, phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, khi mà diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của cổ điển châu Âu có nghĩa tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet.
Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt, nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.
PV: Với ba hồi và 15 lớp cảnh, vở diễn sẽ sử dụng những thủ pháp nghệ thuật nào để tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật, điểm đặc biệt thu hút của ballet “Kiều”?
TM: Tôi nghĩ điều làm nên sự thu hút của ballet “Kiều” trước hết là lối đặt vấn đề bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật hologame, khi mà cảnh múa ballet dưới nước được tôi đạo diễn khá kỳ công và sự quyết liệt của hai nữ nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền khi thể hiện. Chúng tôi đã phải ghi hình thành hai concept và đầm mình dưới nước 7 đến 8 tiếng đúng vào lúc Hà Nội đang ở nhiệt độ của tiết trời mùa đông và phải nhịn thở rất lâu để lặn xuống thì mới có thể múa được và đủ lâu để có thể ghi hình, nhưng hiệu quả nghệ thuật tương tác và chở ý đồ của vở diễn thì rất hiệu quả.
Cùng với đó, là sự kết hợp của kết cấu ngôn ngữ múa giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo và vốn múa dân tộc để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở “Kiều”.
Tiếp đến là âm nhạc: Với sự định hướng ngay từ đầu, âm nhạc phải được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống... Phần nhạc viết cho những đại cảnh, trữ tình được giao cho nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng, còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những nét âm nhạc truyền thống rất phá cách. Sự tương phản trong âm nhạc giúp cho chúng tôi có rất nhiều cảm xúc khi biên đạo và diễn viên có đất để thể hiện nghệ thuật biểu diễn, tạo phong cách, cá tính riêng cho mỗi vai diễn.
Điều đáng nói đến nữa là thiết kế trang phục, với biến tấu từ trang phục tứ thân, áo the của người Việt tôn lên được đường nét cơ thể cho vũ công ballet đặc biệt là đôi chân của các nữ vũ công khi lên giày mũi cứng, đối với nam vũ công là sự bay bổng, chất liệu nhẹ nhàng khi bay, nhảy, thực hiện các kỹ thuật khó như tua trên không, hay những kỹ thuật bê đỡ khó giữa nam và nữ đều cần các nhà thiết kế sáng tạo, tâm huyết.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!