Cao nguyên rau Si Pa Phìn

Là vùng đất bao la với 18 bãi bằng gối nhau như bát úp, cao nguyên Si Pa Phìn (thuộc xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) còn được rất nhiều người biết đến là điểm tái định cư mẫu trong cuộc di dân khổng lồ để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo xã Si Pa Phìn tham quan khu nhà màng trồng rau chất lượng cao trên cao nguyên Si Pa Phìn.
Lãnh đạo xã Si Pa Phìn tham quan khu nhà màng trồng rau chất lượng cao trên cao nguyên Si Pa Phìn.

Nhưng, cũng chính tại cao nguyên mênh mông thơ mộng ấy, đã có rất nhiều điều nảy sinh khi lần lượt các dự án hỗ trợ người dân tái định cư trồng mía, trồng rừng không hiệu quả, chỉ vì cao nguyên nắng gió và thiếu nước…

Vậy mà nay trên các triền đồi ở cao nguyên ấy đã phủ kín một mầu xanh miết mải của rất nhiều loài rau xanh và cây trái, tạo điểm nhấn riêng cho một cao nguyên mênh mang nắng gió nơi biên thùy…

Mỗi cán bộ làm một mô hình

Cùng chúng tôi đi một vòng qua các triền đồi có diện tích hơn 30 ha được quy hoạch theo từng thửa trồng rau, trồng củ, quả theo mùa với các khu nhà kính, nhà màng riêng biệt, ông Lò Văn Chơi, nguyên Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn và lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã đương nhiệm không giấu nổi niềm vui mỗi khi dừng bước ngắm giàn bí, vườn chanh xanh ngăn ngắt.

Chỉ quả đồi trước mắt, ông Lò Văn Chơi khẽ nói: Toàn bộ khu này trước đều là đất sản xuất được chia cho người dân chuyển từ Chăn Nưa về tái định cư. Đợt đầu về là quãng năm 1992, người dân tái định cư được hỗ trợ thí điểm trồng mía, trồng rừng nhưng mía trồng ra không có nhà máy, không người thu mua nên dân bỏ mặc cây mía trổ cờ trắng như lau. Với dự án trồng rừng thì tỷ lệ cây sống rất ít vì khô hạn.

Tại các bản tái định cư như: Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa, Tân Phong…, 100% người dân đều là dân tộc Thái trắng. Bà con sống nhờ ít ruộng nước và làm thuê làm mướn theo mùa. Nhà nào cố gắng lắm mới tạm đủ ăn 9 hoặc 10 tháng mỗi năm; còn hầu hết các gia đình đều thiếu ăn khoảng 6 tháng trong năm. Khó khăn quá, đói quá, nhiều cặp vợ chồng tìm đường về phố làm thuê; con thơ gửi lại cha mẹ già. Nhà đóng cửa im ỉm; bản nghèo vốn ít người lại càng thưa vắng hơn.

Vậy mà nay, Si Pa Phìn đã khác. Rau ở Si Pa Phìn xanh mướt mải theo mùa; chanh leo trên đất Si Pa Phìn cho quả trĩu cành; người dân tộc Thái các bản Tân Lập, Tân Hưng… không chỉ biết cách trồng rau, trồng cây ăn quả theo mùa mà còn biết trồng rau chất lượng cao trong nhà màng, nhà kính. Rau, quả của Si Pa Phìn đã không chỉ cung cấp cho bữa ăn hằng ngày của gần 15 nghìn học sinh nội trú, bán trú trong huyện Nậm Pồ mà còn cung cấp một phần cho học sinh của huyện Mường Chà, một phần mang về phục vụ nhân dân TP Điện Biên Phủ.

Điều ấy không phải do ai khác mà như ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn đã nói: Vườn rau 30 ha này đã đem lại bài học thật giá trị cho cấp ủy, chính quyền và tất cả người dân trong xã. Trước nhất là thay đổi nhận định tồn tại bấy lâu nay, rằng đất Si Pa Phìn khô hạn, bạc màu không cây gì sống nổi. Thứ nữa là thay đổi về cách nghĩ cách làm và thay đổi cả thói quen “gieo hạt bỏ mặc cây” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con dân tộc bản địa. Với cán bộ thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận là chúng tôi cũng cần thay đổi trong phương thức lãnh đạo, điều hành. Thay vì chỉ triển khai nghị quyết, đôn đốc cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện theo nghị quyết thì chính chúng tôi phải là đầu tàu bắt tay thực hiện nghị quyết bằng việc làm, hành động cụ thể để đảng viên, quần chúng làm theo! “Tới đây mỗi cán bộ trong xã Si Pa Phìn sẽ trực tiếp triển khai một mô hình sản xuất cụ thể để cải thiện thu nhập gia đình và làm mẫu nhân rộng trong nhân dân”, ông Vàng A Kỷ cho biết thêm.

Cao nguyên rau Si Pa Phìn ảnh 1

Công nhân chăm sóc vườn rau quả trong nhà màng.

Những vườn rau thay đổi cuộc đời

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ - người đã vật lộn suốt bao ngày kể từ khi hình thành ý tưởng về vườn rau trên cao nguyên Si Pa Phìn, giờ mới như “trút” bớt gánh lo đè nặng bấy lâu nay. Trò chuyện với chúng tôi, ông Chiến khẽ nói: “Nghĩ lại tôi cũng thấy mình liều”. Rồi ông kể, chả có ai như ông, chuyên môn chính là dạy học, việc chính là quản lý giáo dục vốn đã “rất nặng” rồi, vậy mà khi Huyện ủy ban hành Nghị quyết 56 về phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023-2025, ông đã dốc sức triển khai chỉ vì mong muốn được góp sức đánh thức một vùng đất, đánh thức khát vọng thoát nghèo và đánh thức những ước mơ trong mỗi học trò.

Còn về lý do “tại sao lại lựa chọn Si Pa Phìn” thì ông Chiến tiết lộ rằng, đó là nơi có quỹ đất rộng lớn và có rất nhiều người đã ấp ủ khát vọng vươn lên. Bởi thế, ngay khi nghe ông Chiến đặt vấn đề hỗ trợ tìm quỹ đất và vận động nhân dân ủng hộ thì các đồng chí lãnh đạo xã, nguyên lãnh đạo xã cùng các trưởng bản ở Si Pa Phìn đã đồng lòng nhất trí cao. Trực tiếp về các bản Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa tìm gặp người dân và chủ đất thông tin về dự án, các ông Vàng A Kỷ - Bí thư Đảng ủy xã, Mùa A Hòa - Chủ tịch UBND xã, ông Vàng Văn Lập - Phó Chủ tịch UBND xã còn cam kết đồng hành, sẵn sàng tiếp nhận giải quyết mọi đề nghị của nhân dân, sao cho quyền lợi của người có đất và nhà đầu tư đều được bảo đảm công bằng. Sự ủng hộ, cách làm trách nhiệm của lãnh đạo xã đã góp phần quan trọng hình thành quỹ đất liền thửa với diện tích hơn 30 ha trên cao nguyên Si Pa Phìn. Như điều ông Ngô Xuân Chiến chia sẻ thì đó là nền móng đầu tiên để ông và nhà đầu tư là anh chị Toàn Hương thêm quyết tâm, cho dù những bước sau còn vô vàn khó khăn, thách thức.

Hỏi thêm về sự khó khi cải tạo đất trên đồi làm vườn, chúng tôi được ông Bùi Văn Ần, người trực tiếp cải tạo vườn rau cho biết: Cao nguyên khô hạn; đất để hoang đã lâu cho nên đồng thời giải quyết vấn đề nước tưới, cải tạo đất là việc vô cùng khó khăn, tốn kém. Để có nước tưới cho vườn trong mùa khô, ông đã phải đào ao trên đồi tích nước từ nguồn dẫn khe suối Nậm Chim về. Phân bón cho đất thì phải đặt mua gom (phân chuồng), vậy mà cũng mất hai lần mua phải phân giả với khối lượng vài trăm tấn… Nhưng rồi, mọi việc cũng được tháo gỡ dần, đến nay việc sản xuất đi vào vận hành thuận lợi. Bắt đầu từ tháng 1/2024 vườn đã cung cấp đủ sản lượng rau đáp ứng bữa ăn hằng ngày của hơn 15 nghìn học sinh. Trung bình mỗi ngày có gần 20 lao động là người dân tộc thiểu số làm việc tại vườn. Cao điểm mùa thu hoạch lên tới 50 người làm việc mà 100% người lao động đều là người dân các bản Tân Lập, Chiềng Nưa ở trong xã. Cũng từ vườn rau này, có rất nhiều gia đình người dân tộc Thái trắng, dân tộc H’Mông đã được học thêm kiến thức trồng cây, trồng rau; hàng trăm gia đình đã chủ động nuôi nhốt gia súc để lấy phân cải tạo đất và hàng trăm gia đình đã đăng ký trồng rau theo quy trình sản xuất thuận tự nhiên, an toàn.

Người dân bản Tân Lập, Chiềng Nưa, Nậm Chim, Sân Bay… trong xã Si Pa Phìn dần thay đổi cách sống cách làm. Thay cho suy nghĩ đi xa làm thuê thì giờ đây dưới mỗi mái nhà ở Si Pa Phìn người ta đã nói với nhau nhiều hơn về những dự định làm việc ở nhà để thuận tiện chăm sóc con cái và phụng dưỡng cha mẹ. Chị Lò Thị Phương, người dân bản Tân Lập đang làm tại vườn rau, cho biết: Mỗi tháng tôi được nhận lương gần 7 triệu đồng; được đi về nhà hằng ngày; được ăn, ở với con và có tiền trang trải cuộc sống. Công việc hiện tại của tôi ở vườn rau là tốt lắm rồi!

Nhắc lời chị Phương “tốt lắm rồi”, ông Bí thư Đảng ủy xã Vàng A Kỷ khẽ nói: “Đúng là có vườn rau này tốt lắm rồi”. Nhờ có vườn rau, cao nguyên Si Pa Phìn đã được khoác trên mình tấm áo mới tuyền một mầu xanh mơn mởn bốn mùa. Từ vườn rau này, khát vọng thoát nghèo của người dân cũng bừng thức vươn lên với các dự định cải tạo đất ruộng, đất rừng, mở rộng diện tích trồng rau, trồng khoai để góp sức cùng chính quyền phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2024 toàn xã Si Pa Phìn có 70% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 32% thay cho con số hơn 40% tỷ lệ nghèo đã nhiều năm án ngữ…

Riêng ông Lò Văn Chơi, nguyên Chủ tịch UBND xã và ông Vàng Văn Lập còn sẵn sàng nhường ruộng lúa hai vụ cho một số gia đình ở bản Tân Lập để nhận lại một ít đất trên đồi trong quy hoạch vườn rau.