Giáo dục con cái ý nghĩa tiền lì xì

Đưa tay thay quyển lịch cô bạn cảm thán, sao mà thời gian trôi nhanh thế, vèo một cái đã đến cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00

Câu chuyện của những ngày cuối năm xoay quanh chuyện bếp núc, rồi nhanh chóng chuyển sang chuyện tiền bạc, bởi suy cho cùng cả năm có một cái Tết ai cũng muốn thu vén cho tươm tất.

Bỏ qua chuyện giá cả, bỏ qua những linh tinh vặt vãnh cần phải chi cho quần áo, bánh kẹo, cô bạn chỉ nhắm đến một đề tài khiến cô ám ảnh, đó chính là tiền lì xì cho lũ trẻ ngày Tết. Cô bạn bảo, ngày thường các khoản tiêu đều chính xác, nếu có xê xích, phát sinh vẫn trong khoản lường được. Còn ngày Tết, các thứ phát sinh đã nhiều, đến khoản tiền lì xì còn nhiều hơn. Nhưng cái làm cho bạn thấy không thoải mái nhất không phải ở khoản tiền phải bỏ ra lì xì mà là ở thái độ của những em bé được nhận lì xì.

Cô bạn kể, năm ngoái, khi mình lì xì đứa con của một người bạn, cậu bé khoanh tay xin và cảm ơn rất ngoan ngoãn. Nhưng cô bạn chưa kịp quay đi thì cậu bé đã nhanh chóng thò tay vào phong bì, rút ra tờ tiền mệnh giá 20 nghìn đồng. Dốc ngược bao lì xì một lần nữa để chắc chắn không còn gì trong đó, cậu bé lập tức bĩu môi, rồi nói to, tưởng gì, chỉ có 20 nghìn đồng, đủ mua một lon nước ngọt. Nói xong, cậu nhét lại tiền vào phong bì và thảy ra bàn nước...

Tục lệ lì xì trẻ con và mừng tuổi người lớn phổ biến trong ngày Tết, thể hiện tinh thần “yêu trẻ, kính già” của người Việt. Nhưng cùng với sự biến đổi của thời gian, việc mừng tuổi và lì xì lấy may đầu năm đã dần trở thành gánh nặng và sự tính toán của nhiều người. Bởi với điều kiện của nhiều người và tùy vào độ thân sơ thì người phát lộc đầu năm đã tự nhẩm tính và phân loại sao cho phù hợp. Để có thể vừa mừng tuổi mới cho con cháu, người thân lại vừa phù hợp túi tiền của mình là cả một bài toán.

Trở lại chuyện trên, cô bạn nói thêm, có thể một phần là do sự vô tâm của trẻ, nhưng thái độ của cha mẹ cháu bé khi nhận ra thái độ của con với việc nhận tiền lì xì mới khiến cô cảm thấy tổn thương. Thay vì nhắc nhở con một cách khéo léo thì họ cười xòa nói, thằng bé nay đã lớn và rất khôn khéo, đã biết so sánh nhận xét mệnh giá của đồng tiền rồi. Tương lai sau này khá. Câu nói nửa đùa nửa thật và không một chút phiền lòng nào của gia chủ khiến cô bạn tôi hụt hẫng.

Quả thật, lì xì, mừng tuổi vốn là phong tục đẹp, nhưng những so sánh ngấm ngầm về giá trị của phong bao nặng nhẹ đã khiến niềm vui ngày Tết giảm đi ít nhiều. Việc đón nhận lì xì, mừng tuổi như một tượng trưng cho tình cảm chân thành, cho sự may mắn, cần cả một thái độ văn hóa, cách ứng xử khéo léo mà trong đời sống hiện đại hôm nay, mỗi người phải được trang bị, cũng như cha mẹ luôn cần chú ý giáo dục cho con cái. Để món tiền nho nhỏ, rất nhỏ đầu năm đó, đúng nghĩa là niềm vui thăm nhà, chúc Tết.