Vào tháng 9 và tháng 10/2022, sau hai cuộc họp đột xuất diễn ra liên tiếp trong hai tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành hai lần, mỗi lần thêm 100 điểm cơ bản. Cộng với những động thái ngày càng “diều hâu” của FED, công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions đã dự đoán lãi suất điều hành tăng lên 7,5% trong năm 2023. Tuy nhiên, vào ngày 8/2, Fitch Solutions đã hạ dự báo lãi suất điều hành cho năm 2023 là 7%. Như vậy, NHNN có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản trong năm nay từ mức 6% hiện tại.
Lý do quan trọng để NHNN đột ngột chuyển sang chính sách thắt chặt vào cuối năm ngoái là do sự bất ổn về tiền tệ, khi FED bất ngờ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ, khiến đồng Việt Nam chịu áp lực mất giá đáng kể vào cuối năm 2022. Dự trữ ngoại hối cũng giảm nhanh chóng vào thời điểm đó. Những diễn biến này khiến NHNN đã phải từ bỏ việc nới lỏng kiểm soát tiền tệ bằng cách mở rộng biên độ giao dịch của tiền đồng. Thay vào đó, NHNN phải dựa vào việc tăng lãi suất mạnh để giảm bớt áp lực mất giá tiền đồng.
Với các điều kiện tiền tệ trên toàn cầu hiện đang ổn định, nhu cầu tăng lãi suất mạnh mẽ của NHNN đang giảm dần. Điều quan trọng là chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED có lẽ sắp kết thúc. Các chuyên gia của Fitch Solutions kỳ vọng FED sẽ chỉ tăng thêm 25 điểm cơ bản một lần nữa vào tháng 3, trước khi giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt ở mức 5%. Việc FED tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách sẽ giúp kích thích khẩu vị rủi ro của thị trường, mang lại lợi ích cho hầu hết các tài sản rủi ro, bao gồm cả đồng Việt Nam. Thực tế, kể từ ngày 2/2, tiền đồng đã mạnh lên 5,7% so với USD từ mức thấp nhất vào đầu tháng 11. Một môi trường ngày càng ổn định đối với đồng Việt Nam sẽ giảm bớt áp lực tăng lãi suất đối với NHNN.
Tuy nhiên, viễn cảnh lạm phát khó khăn sẽ thúc đẩy thắt chặt tiền tệ hơn nữa trong năm nay. NHNN đã nâng mục tiêu lạm phát năm 2023 lên 4,5%, từ mục tiêu 4% cho năm 2017-2022 nhằm giữ chính sách tiền tệ nới lỏng nhất có thể. Nhưng dữ liệu giá tiêu dùng mới nhất đã cho thấy lạm phát đã vượt qua mục tiêu mới nhất của NHNN, lên 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 1. Fitch Solutions dự báo lạm phát sẽ vẫn ở mức khoảng 5,0% trong vài tháng nữa vì ít nhất hai lý do.
Thứ nhất, giá cả hàng hóa có thể sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023 và tác động vòng hai của việc tăng giá sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm áp lực. Thứ hai, các bộ phận của nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tiếp tục trải qua tình trạng cầu vượt quá cung. Đặc biệt, ngành du lịch Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc phục hồi, với lượng khách quốc tế vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch. Việc mở cửa trở lại gần đây của Trung Quốc sẽ sớm cung cấp một lượng lớn nhu cầu du lịch, điều này có khả năng dẫn đến lạm phát. Điều là đúng khi xét đến việc, trong thời kỳ trước đại dịch, du khách Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba tổng số du khách đến Việt Nam.
Tuy nhiên, các dự báo trên với lãi suất điều hành đang nghiêng về mặt tiêu cực và có liên quan chặt chẽ tới sức khỏe của nền kinh tế. Fitch Solutions dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam là 6,5% vào năm 2023 (trước đó là 6,6%), thấp hơn mức tăng trưởng trung bình là 7% trong giai đoạn 2014-2019. Con số này được các ngân hàng như ADB, Standard Chartered, UOB và HSBC dự báo lần lượt là 6,3%, 7,2%, 6,6% và 5,8%. Còn theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP sẽ tăng 6,47%, lạm phát 4,08%, xuất khẩu 7,21%. Trong kịch bản thứ hai của CIEM, các con số lần lượt là 6,83%, 3,69%, 8,43%.
Trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, vượt mục tiêu 6,5% Quốc hội đề ra, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,15%, dưới mức 4% dự báo trước đó. CIEM cho biết nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong năm nay với các chính sách thắt chặt tiền tệ được các nền kinh tế lớn áp dụng nhằm đối phó với áp lực lạm phát, cạnh tranh địa chính trị gia tăng và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong những tháng tới, nếu các dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn, NHNN có thể quyết định ưu tiên tăng trưởng hơn lạm phát. Nếu vậy, chu kỳ thắt chặt chính sách sẽ diễn ra từ từ hơn so với dự đoán trước đây.