1/Chị Bùi Thị Hà (phường Lê Trọng Tấn, Hà Đông), làm việc trên đường Hoàng Đạo Thúy từng rất kỳ vọng vào dự án “Buýt nhanh BRT” số 1 của Hà Nội, bởi nhà chỉ cách điểm đón BRT trên đường Lê Trọng Tấn chưa đầy năm phút đi bộ, còn nơi làm việc cách điểm xuống trên đường Lê Văn Lương cũng chừng ấy thời gian. Tuy nhiên, đến nay, chị Hà vẫn hằng ngày tự đi xe máy đến nơi làm bởi BRT không đáp ứng được thời gian của chị. “Trên quãng đường có quá nhiều điểm ùn tắc. Muốn đi BRT đến đúng giờ làm sẽ phải đi sớm hơn bình thường 20 phút, gặp ngày trời mưa thì tắc đường còn khủng khiếp hơn”.
Cũng như chị Hà, anh Nguyễn Tiệp (Quang Trung, Hà Đông) rất ít khi sử dụng hệ thống phương tiện công cộng của thành phố. Lý do là bất tiện trong quá trình di chuyển, nhà anh cách tuyến đường sắt Hà Đông - Cát Linh tuy gần, nhưng đến điểm cuối, anh vẫn phải dùng các ứng dụng đặt xe khác để di chuyển.
Hai dự án “Buýt nhanh BRT” và “Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông” đều là những dự án trọng điểm, với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của Hà Nội. Với các dự án này, Hà Nội kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông. Song từ những chia sẻ của anh Tiệp, chị Hà cho thấy sự kết nối giữa các tuyến giao thông công cộng của thành phố Hà Nội chưa được bảo đảm.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông nhận định, người dân sẽ thích sử dụng phương tiện di chuyển thuận lợi nhất. Điều này đồng nghĩa với xây dựng hệ thống vận tải công cộng phải tính toán đến những hạ tầng kết nối chung quanh. Tuy nhiên, tại Hà Nội, việc xây dựng mạng lưới liên thông, tiếp cận đồng bộ quá chậm trễ đã gây phản tác dụng.
Bus nhanh BRT Hà Nội được đưa vào hoạt động từ năm 2016, theo kế hoạch thành phố sẽ có tám tuyến hoạt động. Nhưng sau gần 10 năm triển khai, Hà Nội vẫn chỉ có một tuyến bus nhanh và đang đánh giá tuyến “thí điểm” này.
2/Giải quyết nạn tắc đường ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra là yêu cầu tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách công cộng có hiệu quả và bền vững theo phương án phát triển mạng lưới giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm tiến độ các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức giao thông kết nối với đường sắt đô thị, BRT và hoàn thiện mạng lưới tuyến xe bus. Tổ chức các tuyến xe bus sức chứa nhỏ kết nối phù hợp các điểm trung chuyển, đầu mối giao thông và kết nối với hệ thống đường sắt đô thị. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và “điểm đen” trên các tuyến giao thông.
Nghị quyết cũng đề nghị phải thực hiện nghiêm, bảo đảm tiến độ quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông vận tải; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao, giao thông kết nối và lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch. Tăng cường quản lý trật tự đô thị, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông. Có giải pháp sắp xếp giờ làm việc, học tập, kinh doanh phù hợp, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.