Vội vàng đốt cháy giai đoạn và hậu quả
Theo trang mạng Lenta của Nga, cuối những năm 50 của thế kỷ trước, Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Hai bên chạy đua vũ trang, đẩy mạnh phát triển lực lượng tàu ngầm để tăng cường sức mạnh răn đe đối phương. Mỹ là nước đầu tiên đóng thành công tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi bốn năm sau Liên Xô mới có được thành quả này. Ngày 9/6/1959, Mỹ hạ thủy George Washington - tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Không muốn thất thế trong cuộc đua, Liên Xô lập tức huy động tất cả các công trình sư, kỹ sư và công nhân làm việc suốt ba ca để tạo ra một con tàu có khả năng tương tự. Kết quả là tàu ngầm K-19 mang tên lửa hạt nhân đã được hạ thủy ngày 11/10/1959, sau bốn tháng nhưng có thời gian hoàn thành ngắn hơn, chỉ mất 359 ngày so 586 ngày của tàu Mỹ.
Ngay từ khi thử nghiệm, đã có những lo ngại về việc thời hạn hoàn thành bị rút ngắn có thể khiến nảy sinh những vấn đề lớn. Dù vậy, K-19 vẫn được gấp rút hoàn thành, lễ hạ thủy K-19 diễn ra một cách long trọng. Và những người dự buổi lễ hôm ấy đã chứng kiến một việc kỳ lạ khi một chai champagne rơi xuống mặt boong tàu nhưng không hề bị vỡ. Đối với những thủy thủ mê tín, đó là một điềm gở…
Mùa hè năm 1961, Hải quân Liên Xô bắt đầu cuộc tập trận “Vòng cực” nhằm phối hợp hiệp đồng giữa tàu mặt nước và tàu ngầm, đồng thời phô diễn khả năng tiến công địch bằng tên lửa. Chỉ trong một tuần, K-19 đã vượt qua Đại Tây Dương, tham gia diễn tập, sau đó quay trở lại theo tuyến đường dưới những lớp băng ở biển Na Uy và có mặt ở vị trí cách đảo Jan Mayen của Na Uy 70 hải lý. Suốt thời gian này, tàu vận hành hoàn toàn bình thường, hai lò phản ứng chỉ hoạt động với 35% công suất, thời tiết thuận lợi, thủy thủ đoàn đang nghỉ ngơi.
Tuy nhiên rạng sáng 4/7, tín hiệu cảnh báo sự cố phát liên hồi. Nguyên nhân là do áp suất nước và mức thể tích trong các khe co giãn ở mạch chính của hệ thống làm mát lò phản ứng sụt giảm. Hệ quả là đường ống của một cảm biến áp suất bị rò rỉ. Mực nước giảm khiến cả hai máy bơm nước làm mát đều bị kẹt, nhiệt độ trong lõi phản ứng bắt đầu tăng cao. Sau này, trong quá trình điều tra người ta phát hiện đường ống bị hư hỏng ngay từ quá trình thử nghiệm, nhưng đã bị những người có trách nhiệm lờ đi do sức ép tiến độ.
Thuyền trưởng Nikolai Zateev triệu tập một cuộc họp khẩn tại khoang trung tâm. Lúc này, bức xạ gamma đang tăng nhanh ở gần khoang chứa lò phản ứng, nguy cơ xảy ra vụ nổ là cực lớn. Zateev hiểu rằng nếu lò phản ứng trên tàu K-19 phát nổ, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Mỗi tên lửa trên tàu có thể phá hủy cả một thành phố, chất phóng xạ có khả năng gây nhiễm độc cho các đại dương trên thế giới. Không chỉ vậy, một vụ nổ hạt nhân xảy ra gần bờ biển các nước NATO có thể được họ coi là một hành động xâm lược của Liên Xô và trở thành điểm khởi đầu cho Chiến tranh thế giới thứ ba. Hơn nữa, sự cố diễn ra đúng vào ngày 4/7, khi cả nước Mỹ đang long trọng kỷ niệm Ngày độc lập.
Những con người quả cảm
Trong tay thủy thủ đoàn không có bất cứ thiết bị đặc chủng hay kiến thức chuyên môn nào để xử lý sự cố nguy hiểm. Sau khi họp bàn, họ tìm ra giải pháp duy nhất, đó là hàn một đường ống khác vào mạch ống bị vỡ, sau đó bơm nước làm mát qua đó. Kế hoạch này gần như tối ưu, ngoại trừ một điểm: làm việc đó đồng nghĩa không thể tránh khỏi cái chết.
Chỉ huy đội cứu nạn Boris Korchilov khi đó mới 23 tuổi đã cùng một số đồng chí khác tình nguyện mặc đồ bảo hộ và lên đường thực hiện nhiệm vụ. Họ chia thành ba nhóm, làm việc theo ca trong khoảng hai giờ đồng hồ. Cuối cùng, đường ống mới cũng được hàn vào hệ thống làm mát và bắt đầu bơm nước. Nhiệt độ của lò phản ứng bắt đầu hạ.
Nhưng khi trở về, các thủy thủ đều trong tình trạng hết sức nguy kịch. Họ yếu đi trông thấy, khuôn mặt sưng tấy, toàn thân đau nhức... Chính trị viên Shipov đề nghị đưa tàu vào đất liền để thủy thủ đoàn được xuống tàu. Nhưng, thuyền trưởng Zateev phản đối vì không thể bỏ lại chiếc tàu ngầm mới nhất của Liên Xô trong lãnh hải Na Uy, cũng không thể trở về căn cứ, vì sau gần sáu ngày di chuyển sẽ chẳng còn ai sống sót. Cuối cùng, Zateev lệnh cho tàu quay trở lại phía nam, nơi có đội hình tàu ngầm Liên Xô đang hoạt động và bắt đầu phát tín hiệu cầu cứu.
Theo quy định bảo mật, tàu ngầm hoạt động trong đội hình không được phép phát tín hiệu về tọa độ của mình. Bất chấp điều đó, Thuyền trưởng tàu ngầm diesel S-270 Zhan Sverbilov vẫn quyết định phát tín hiệu để tàu K-19 có thể tiếp cận nhanh hơn, đồng thời lệnh cho tàu của mình đi cứu hộ tàu gặp nạn. Hai tàu tiến sát nhau, 11 thủy thủ bị bệnh nặng được đưa lên tàu, Zateev được cung cấp thiết bị vô tuyến để liên lạc với chỉ huy hạm đội.
Một giờ sau, chỉ thị từ trên mới được gửi tới. Bộ chỉ huy yêu cầu các tàu cảnh giác vì quân Mỹ đang ở gần đó, đồng thời lệnh cho Sverbilov chuẩn bị hai quả ngư lôi, sẵn sàng bắn chìm tàu K-19 nếu cần thiết. Tất cả các tàu lân cận đều được huy động hỗ trợ tàu K-19. 68 thành viên thủy thủ đoàn và 11 thuyền viên bị bệnh nặng được chuyển đến TP Polyarny trên tàu S-270, những người còn lại được một tàu ngầm diesel khác tiếp nhận, còn chiếc K-19 được tàu cứu hộ “Aldan” lai kéo về căn cứ.
Vụ tai nạn đã khiến tám thủy thủ thiệt mạng, trong đó có Boris Korchilov - người đầu tiên bước vào khoang chứa lò phản ứng. Những người còn lại tuy sống sót, nhưng phải hứng chịu lượng phóng xạ cực kỳ lớn, cao hơn cả người bị thương trong thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. Họ được yêu cầu viết cam kết không tiết lộ thông tin về vụ việc trong thời hạn 30 năm. Để bảo đảm bí mật, những người nằm viện điều trị nhiễm phóng xạ đều được công bố là mắc hội chứng trầm cảm. Những quân nhân hy sinh được an táng vào ban đêm.
Sau đó, Ủy ban Chính phủ do Viện sĩ Anatoly Aleksandrov, một trong những người sáng lập ngành năng lượng hạt nhân Liên Xô và là người trực tiếp chế tạo ra K-19 thừa nhận rằng, lò phản ứng hạt nhân đã có một lỗ hổng về thiết kế. Do vậy, các nhà khoa học cho rằng, hành động của thủy thủ đoàn là rất anh dũng và hoàn toàn đúng đắn.
Ngày 5/8/1961, Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô ra sắc lệnh mật, trao thưởng cho thủy thủ đoàn K-19. 49 người được tặng huân, huy chương các loại, số còn lại được tặng bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân. Ba thủy thủ hy sinh được trao tặng Huân chương Lenin và Huân chương Sao Đỏ.
Sau sự cố, tàu ngầm K-19 được đặt biệt danh là “Hiroshima” và không thủy thủ nào muốn phục vụ trên đó. Tàu được sửa chữa và đưa trở lại vào biên chế năm 1963. Nhưng số phận sau đó của nó vẫn không yên ả. Năm 1969, suýt chút nữa K-19 đã đụng độ với tàu ngầm do thám USS Gato của Mỹ ở Biển Barents. Năm 1972, hỏa hoạn trên tàu khiến 30 thủy thủ thiệt mạng. Đến năm 1990, K-19 được đưa ra khỏi biên chế.
Năm 2018, doanh nhân người Litva, Vladimir Romanov - người đã từng phục vụ trên một chiếc tàu ngầm, đã chi khoảng nửa triệu USD để mua lại cabin dài 28 m của tàu K-19 từ nhà máy đóng tàu Nerpa ở tỉnh Murmansk. Bên ngôi nhà vườn ở gần hồ Pyalovskoye, ngoại ô Thủ đô Moscow, người cựu chiến binh dựng lên một đài tưởng niệm đặc biệt để tưởng nhớ tất cả những thủy thủ đã hy sinh do sự cố trên chiếc tàu ngầm tên lửa hạt nhân đầu tiên của Liên Xô.