Dốc từng giọt lặng im

“Trần Thắng là họa sỹ có thơ” - tôi đã từng nói về Thắng như thế! Trong ib Facebook, Email của tôi còn lưu nhiều bài thơ của Thắng. Đó là lúc Thắng lặng lẽ nhất, và muốn giãi bày với tôi bằng thơ. Nhiều bài trong số đó có trong tập mới xuất bản: “Dốc im lặng” do chính Thắng thiết kế mỹ thuật và một ông bạn chung của chúng tôi - Đào Bá Đoàn, NXB Hội Nhà văn biên tập.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Trần Thắng.
Họa sĩ Trần Thắng.

1.Khuyên mãi đấy, giục mãi đấy: “Thơ ông chất, in đi”, Thắng chỉ im lặng cười. Thắng biết xem tử vi - chắc phải chọn ngày lành để in - như Thắng đã tự chọn màu chọn sắc cho bìa tập thơ chính mình. Cái ngày làm bản thảo, Thắng vui, cười nói rổn rang: “Tập tôi, ngoài thơ, sẽ có tranh và phải đẹp”.

Mà đẹp thật - một cuộc chơi quấn quít của thơ và họa. Nhưng áo xống chỉ đơn thuần là tấm vải che nếu thân xác ốm đau quặt quẹo. Thơ Thắng, xác thân hồn vía đều nặng ký và nhờ đó mà “màu áo đã bay lên” thăng hoa cùng thơ… Cái tên “Dốc im lặng”, tôi thấy hợp với tranh Thắng, theo lối “ấn tượng Cézanne“ mà Thắng thích. Tôi và Phan Huyền Thư thì thích “Dốc lặng im” vì nó tạo nhịp ngôn ngữ, mở và âm vang, nhưng thôi, chủ nhân mới là người quyết định. Cứ thế tôi vừa đọc, vừa ngắm tranh là những phụ bản đẹp trong tập thơ, tạo nên một cách hưởng thụ nghệ thuật có vị riêng. Màu sắc rừng rực trên những tán cây giấu che cội rễ âm thầm bám sâu mạch đất. Nhiều người nghĩ đến con dốc mang tên im lặng, con dốc độc đạo của kẻ giang hồ độc hành - hay và đúng! Tôi thì lại nghĩ đến cái sự dốc cạn của một ly tình vào im lặng, trong im lặng… hay là dốc chính sự im lặng vào lòng sâu im lặng. Trung niên rồi, nếm trải đủ cung bậc, sắc vị, mọi phù du như gió thoảng qua, chỉ còn lại những ngân vang từ sâu thẳm như câu anh viết tặng cha: “Bạc đầu mới biết cách lặng im”.

Dốc từng giọt lặng im ảnh 1

Tập thơ "Dốc im lặng".

2.Nghĩ vậy không chỉ vì tôi hay ngồi uống rượu với Thắng để ngắm sự khiêm cung ít lời của anh, tôi hiểu có thật nhiều va đập của tâm can nhưng không dội ra ngoài mà như khẽ thả viên cuội xuống lòng giếng sâu, âm thanh thầm loang vài vòng sóng. Những lúc đó, tôi cũng im lặng để lắng nghe Thắng nói gì trong bầu không khí lặng im đó. Nghĩ vậy mà còn nhờ tôi đọc chính những bài thơ rất riêng của Thắng. Thơ Thắng vì thế có nhiều bài viết ra cái sự nghĩ, lý trí được chuyên chở qua hình thức thơ, như “Tung mình ra cửa/ý nghĩ bay lượn cùng chim/những con đường loáng ướt nhẹ dần nghiêng nắng/những hàng cây âm thầm lột xác/ngào ngạt ứa nhựa non/sự sống giã từ điều giản đơn/quanh tôi mùa xuân khoe áo mới/muốn hát vang muốn phanh ngực áo/cùng nắng ấm mềm lau tóc em”. Hay như “Đất mẹ nằm ru con trên biển/Hoàng Sa, Trường Sa hai bầu sữa mặn/nuôi lớp lớp người con mở cõi nhọc nhằn/mỗi hạt cát một phần máu thịt/bồi đắp định phận linh thiêng/đất mẹ còng lưng chắn sóng/tiếng Hoàng Sa, Trường Sa dội về nhức buốt/vang rền non sông”.

Nhưng mà, như rượu ấy, đắng đến mấy thì đến lúc cạn hết ly này, ly khác, môi người chợt ngọt những vị vui và mấp máy những câu tình ấm nồng. Thắng phá vỡ im lặng bằng chính sự im lặng. Nhiều câu Thắng thốt lên, tự nhiên, không phải quá nhiều đắn đo ghép chữ: “Dừng chân đâu cũng là nhà/Buông tay cũng cỏ trùm qua phận người/Muốn lại ngộ nghĩnh khóc cười/Lưng còng mẹ ấp biển trời đưa ru”. Nhưng lại có những câu dụng công độc, lạ: “Heo may/chân đất/thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực/dụ trai làng thiêu thân”; “tối trời rạng mặt/trăng lưỡi liềm khía rượi lông măng”.

Dốc từng giọt lặng im ảnh 2

Một tác phẩm của họa sĩ Trần Thắng.

3.Thơ Thắng, đã đành, còn chứa họa, kể ra đây vài câu thì thấy đó là cách dùng màu để vẽ nội tâm: “Bỗng mộng du sắc tím/cuồng điên chém dọc ngang tan biến/lăn lóc hé/nụ thủy chung bất diệt/giọt mực rơi mất dòng nhật ký/khóc tím nhòe hai tay” hay “Linh lan mơ/suông màu trắng sã/ngát trong veo vời vợi ưu phiền/hoài nghi đùa giông bão/xúc cảm giỡn rêu phong/ ảo mờ đuổi bất an/suy tưởng linh giác/trắng tự nhiên tĩnh lặng/hương linh lan cất lên từ nước mắt/run rẩy tin”. Nhiều câu thơ tràn mặt giấy như một bức tranh ấn tượng: “Tháng Ba háo nước/sông xanh xao gầy rộc bãi ngô non/tiếng thở dài vuông mắt lưới/mây ráng bão xa/ con bói cá tung từng vệt xanh đỏ/đóng dấu chiều nắng oi/đò xuôi bên lở ướt váy cô dâu/úp mặt cỏ nhòe đôi bờ hoa cải”.

Thơ Thắng còn có nhạc. Nghe đồn Thắng hồi nhỏ đã từng học nhạc. Những lần uống rượu với bè bạn, cao hứng, Thắng đứng phắt dậy, mắt lim dim sau cặp kính cận, năm ngón tay xoè như bắt quyết, chùm râu bạc rung rung, hát say một bài tình. Thơ, vì thế cũng có những vần điệu nhạc tính, nhà thơ, nhạc sỹ đàn anh Nguyễn Thụy Kha đã phổ bài thơ “Tháng mười quê” của Thắng với những âm hưởng dân gian mà cũng rất hiện đại.

Rồi đương nhiên, thơ Thắng còn có hơi rượu khe khẽ tỏa hương trong những nỗi nhân sinh, tình bè bạn, luyến ái: “Phanh ngực áo cạn chén đầy/cứ ngỡ môi Em vùi lửa/ta dốc cạn im lặng/sao thịt da muốn thét muốn gào”. Rồi “Ngún môi men ủ say mềm/lẫn nhau chuếnh choáng khởi nguyên địa đàng”; “Đụng ly nào một hơi dốc đáy/xiết chặt tay lời chúc chân tình/chén này tiền bạc tan thành khói/chung này tham vọng hóa thành mây”.

Đọc theo chiều rộng lẫn tầng sâu, và dù là thơ - hoạ, thơ - nhạc, thơ - rượu… thì cuối cùng vẫn thấy trong thẳm sâu đó rung lên cái tình kẻ sỹ trước dòng đời nhiều bụi bặm, tách mình ra, thanh sạch để yêu thương: “Bóng người sương đêm/ngày mai tan về miền ấm áp”; “Mẹ về trĩu gánh xa xăm/Cha về lặng lẽ dáng đằm gió sương/Con xua nhàu nhĩ bụi đường/Thảnh thơi đồng vọng tiếng chuông chùa làng”. Muốn viết dài lắm, liệt kê hết cái hay thơ Trần Thắng nhưng từ lâu đã hùa theo sự im lặng của anh - im lặng để nói được nhiều điều. Giấy vắn tình dài. Con dốc ngắn đủ để nghiêng về nhau. Dốc cạn ly trong im lặng để hiểu nhau hơn. Và trên hết là một lời chúc cho đường xa nặng gánh Thơ - Họa!