Điều gì đã xảy ra với Revlon?

“Nạn nhân” tiếp theo của sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu chính là thương hiệu mỹ phẩm Revlon. Ngày 15/6 vừa qua, hãng sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án New York (Mỹ). Theo hồ sơ, việc các nhà cung cấp bắt đầu yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt trong khi chi phí nguyên vật liệu sản xuất tăng cao đã khiến công ty gặp nhiều khó khăn.

Điều gì đã xảy ra với Revlon?

Mặc dù thị trường mỹ phẩm đang “ấm” lại trong thời gian gần đây do nhịp sống trở lại bình thường, tuy nhiên, Revlon đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu mới giữa thời đại số. Dịch bệnh kéo dài khiến thời gian giao hàng của Revlon từ năm 2020 bị kéo theo đẩy chi phí vận chuyển lên cao trong khi những tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa được giải quyết. Cùng với đó, tình trạng thiếu hụt lao động và lạm phát cao đã làm hãng mỹ phẩm tên tuổi lao đao.

Suốt những năm 90, Revlon là một trong những đế chế mỹ phẩm hàng đầu nước Mỹ. Năm 2016, Revlon gây tiếng vang khi đã mua lại hãng mỹ phẩm Elizabeth Arden, sở hữu các thương hiệu nước hoa Britney Spears và nước hoa Christina Aguilera với giá 870 triệu USD để chống lại sự cạnh tranh từ những người nổi tiếng. Tuy nhiên, theo thời gian, dưới ảnh hưởng của kỹ thuật và công nghệ, tiêu chuẩn cái đẹp cũng đã thay đổi, đòi hỏi các thương hiệu mỹ phẩm phải có sự biến đổi để theo kịp đà phát triển của xã hội. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng, từ mua sắm tại các cửa hàng sang mua sắm trực tuyến khiến Revlon gặp không ít khó khăn. Họ không có nguồn tài chính để đầu tư vào việc chuyển đổi số và không còn đủ hấp dẫn thế hệ trẻ, người vốn không mấy mặn mà đến việc mua sắm các thương hiệu đại trà và không có điểm nhấn.

Đại dịch cũng thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm chăm sóc da, tuy nhiên, thế mạnh của Revlon lại nằm ở sản phẩm trang điểm, điều này khiến doanh số bán hàng của công ty giảm dần. Từ những năm 2000, Revlon bắt đầu tụt hậu. Công ty đã phải vật lộn dưới gánh nặng của các khoản nợ và sự cạnh tranh từ các thương hiệu mỹ phẩm mới được hậu thuẫn bởi những người nổi tiếng từ các nền tảng công nghệ như Instagram hay Tik Tok. Nỗ lực nhưng vẫn chưa đủ, sự đóng cửa của Revlon được xem là điều không muốn cũng phải đến trong tình hình khó khăn hậu Covid hiện nay.

Bạn có biết?

- Revlon được thành lập vào năm 1932 bởi anh em Charles và Joseph Revson và Charles Lachman bắt đầu với việc bán sơn móng tay. Năm 1996, Revlon được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

- Phía Revlon cho biết “một thỏi son môi Revlon cần từ 35 đến 40 nguyên liệu thô và các bộ phận cấu thành, mỗi thành phần đều rất quan trọng để đưa sản phẩm ra thị trường. Năm nay, xung đột Nga-Ukraine và việc Trung Quốc đóng cửa cảng ở Thượng Hải để phòng dịch đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Với sự thiếu hụt các thành phần cần thiết, sự cạnh tranh cho bất kỳ nguyên liệu nào là rất lớn”. Với vị thế từng là công ty mỹ phẩm lớn thứ hai thế giới về doanh số bán hàng, đây là thời điểm cực khó khăn với Revlon. Hiện tại, Revlon đã tụt xuống hạng thứ 22, theo một xếp hạng gần đây của tạp chí thương mại thời trang WWD.

- Theo hồ sơ của tòa án, tổng số nợ của Revlon được liệt kê là 3,7 tỷ USD, bao gồm 6,25% nợ cấp cao (senior debt) đến hạn vào năm 2024. Ngoài ra, còn có 10 khoản vay khác với tổng trị giá khoảng 2,6 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong ba năm tới. Với đơn xin bảo hộ phá sản, Revlon dự kiến ​​sẽ nhận được khoản tài trợ nợ (DIP) trị giá 575 triệu USD để hỗ trợ hoạt động hằng ngày.