Đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Trong thời gian qua và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...
0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Hiện nay, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến, tuy nhiên thị trường vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương... cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ. Đáng chú ý, để phát triển nhà ở xã hội, báo cáo của Bộ Xây dựng tại hội nghị tới đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, Bộ kiến nghị thực hiện hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Cùng đó là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thí điểm nhận diện khuôn mặt để xác thực hành khách

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch triển khai xác thực sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt) khi công dân làm thủ tục đi tàu bay. Điều này nhằm góp phần bảo đảm an ninh - trật tự xã hội, giảm thời gian làm thủ tục chuyến bay đi với hành khách, tăng độ chính xác; đồng thời, tăng cường ngăn chặn, phát hiện hành khách sử dụng giấy tờ giả đi tàu bay và sàng lọc các đối tượng bị cấm bay, bị truy nã.

Cục chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và các cơ quan, đơn vị ngành hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành (nếu có).

Trước mắt, ngay trong quý I/2023, thí điểm triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi tàu bay và báo cáo Bộ Giao thông vận tải sơ bộ kết quả thí điểm, đề xuất phương án giải quyết. Đầu quý II/2023, tổ chức hội nghị trao đổi, thống nhất yêu cầu/quy định, định hướng khi triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi tàu bay.