Phóng viên (PV): Hội nghị Văn hóa toàn quốc đề cao việc phát huy văn hóa, gồm cả văn nghệ vào xây dựng kinh tế-xã hội. Xin ông chia sẻ vài ấn tượng về đời sống văn nghệ thời gian qua?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức, đây là hội nghị mà chúng ta nhìn lại một quá trình rất lâu dài, thậm chí chúng ta đã trở về với Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng ta, rồi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai vào giữa tháng 7/1948. Có thể nói rằng, hội nghị năm 2021 như là hội nghị Diên Hồng về văn hóa, để chúng ta nhận thức lại, đánh giá sâu hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, mang tính hệ thống hơn về văn hóa, để rồi có ý thức chấn hưng văn hóa đất nước trước thời kỳ mới. Song hành với đó, chúng ta đang bước vào thời kỳ kinh tế số, văn hóa số, truyền thông số, áp dụng những công nghệ, kỹ thuật hiện đại để đi nhanh hơn, phát triển nhanh hơn.
PV: Vậy còn công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật, đã có những điểm gì nổi bật trong một năm qua?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Sau hội nghị thì văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng đã có những chuyển động đáng mừng. Tất nhiên sau một năm thì chúng ta cũng không đòi hỏi, kỳ vọng quá lớn lao nhưng những gì đã làm được là đáng ghi nhận. Nói đến văn học, nghệ thuật thì chúng ta phải nói đến ba khâu, thứ nhất là sáng tạo của nghệ sĩ, thứ hai là quảng bá. Muốn quảng bá tốt thì công tác phê bình cần phát huy vai trò như một thước đo, như một “ông trọng tài” nghiêm khắc để thẩm định các tác phẩm về nội dung, về tư tưởng, nghệ thuật. Thứ ba là sự tiếp nhận của người hưởng thụ văn học, nghệ thuật. Qua sự đánh giá, thẩm định của giới phê bình thì công chúng thêm nhận ra tác phẩm có cái hay, cái dở ở chỗ nào. Hoạt động này có thể nói rất là quan trọng. Trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, thì lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật như một lĩnh vực xác định giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật.
PV: Có những ý kiến cho rằng, lý luận phê bình “bị” hàn lâm, kinh viện, “tạp chí hóa” nên khó lan tỏa ra xã hội, ít tác động vào sáng tác và đời sống văn hóa. Vậy theo ông phải làm thế nào để lý luận phê bình phổ biến rộng rãi, mang tính quần chúng hơn?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Muốn phát triển lý luận để tạo dựng nền tảng cơ bản, mang tính định hướng, đi xa thì phải phát triển lý luận mang tính chất tinh hoa. Nhưng mặt khác thì cũng không được xem nhẹ lý luận, phê bình hướng đến, dành cho đại chúng. Hai mảng này đều phải được coi trọng ngang nhau, không được xem nhẹ cái nào cả. Thứ hai, đối với các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, hiện nay rất cần thúc đẩy việc đào tạo lớp trẻ. Hiện nay, ngay cả sự phân bố lực lượng trẻ làm công tác lý luận, phê bình cũng chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ở các địa phương thì còn hạn chế.
PV: Một thực trạng đáng lo là hiện nay có sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội. Điều này có liên quan gì không đến sự tồn tại của các trang mạng, ấn phẩm xấu? Cần có tiếng nói ra sao của công tác lý luận phê bình trước hiện tượng này?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Lý luận phê bình có vai trò thẩm bình, thẩm định, đánh giá, định hướng, thậm chí là góp phần điều chỉnh đối với kể cả người sáng tác cũng như thị hiếu của người tiếp nhận. Có những cái gọi là tác phẩm nhưng thực chất là “hàng chợ”, thứ phẩm, giật gân, câu khách… thì sẽ tác động không tốt đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Điều này sẽ làm lệch lạc trong tư tưởng, thậm chí cái ác, cái xấu lên ngôi. Công tác lý luận, phê bình như là một thước đo hay là một hệ giá trị để mà tác động đến đời sống, vì thế, đội ngũ làm công tác này cần xác định trách nhiệm ngày càng lớn hơn, rõ hơn.
Trong thời kỳ mới, khi đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có công nghệ, kỹ thuật số, văn hóa số, truyền thông số…, văn học, nghệ thuật cũng như lý luận phê bình cũng phải chuyển đổi để theo kịp. Công tác lý luận, phê bình cần phải trực diện hơn, trách nhiệm hơn, thẳng thắn hơn, thấy đúng thì bảo vệ, thấy sai thì đấu tranh.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ!