1/Ngày 22/4/2016, UBND thành phố Hà Nội ra Văn bản số 2340/2016/UBND-XDGT về thiết kế hạ tầng kỹ thuật bảo đảm trật tự văn minh đô thị. Đây được coi là văn bản mở đường cho việc dùng đá tự nhiên thay cho gạch bê-tông lát vỉa hè Hà Nội. Hiển nhiên dùng đá tự nhiên có độ “sang trọng” hơn so gạch truyền thống, kéo theo đó giá thành cũng đội lên rất nhiều lần. Đã có rất nhiều ý kiến tranh luận nên hay không nên dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè.
Sau hơn một năm triển khai rầm rộ, dự án nảy sinh một số vấn đề dẫn tới việc thành phố phải thanh tra. Ngày 8/12/2017, Chánh thanh tra thành phố có Quyết định số 4511/QĐ-TTTP thành lập Đoàn thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè trên các tuyến phố trên địa bàn một số quận. Khi kết luận của Đoàn thanh tra được công bố đã khiến không ít người bất ngờ.
Theo kết luận, tổng số 38 dự án đã thi công xong và đang tổ chức thi công có tổng mức đầu tư lên tới 1.300 tỷ đồng. Giá trị dự toán hạng mục cải tạo, lát đá vỉa hè khoảng 360 tỷ đồng. Chỉ riêng cho phần tính giá cho vật liệu đá tự nhiên đã có sự “cong vênh” qua mỗi dự án. Điển hình tại dự án Nam Từ Liêm, giá đá 40x40x4cm là 270.000-300.000 đồng/m2. Trong khi đó tại dự án Hà Đông, giá đá cùng chủng loại được tính 410.000 đồng/m2. Hai dự án có sự cách biệt về mặt địa lý không xa nhưng giá đã “xa nhau” lên đến 30%. Đó là vẫn chưa kể đến sự khác biệt cả về đơn giá nhân công, máy móc, việc khảo sát thực trạng vỉa hè trước khi cải tạo chưa chi tiết dẫn đến thiết kế không đầy đủ, thiếu các chỉ tiêu về chủng loại đá, khối lượng. Cùng với đó là lỗi có tính chất dây chuyền đã dẫn tới việc chất lượng các vỉa hè lát đá tự nhiên không bảo đảm, khiến ngân sách Nhà nước thất thoát một khoản đáng kể. Sau kết luận, hàng loạt các tập thể, cá nhân có trách nhiệm liên quan đã phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc là… “rút kinh nghiệm”. Chỉ riêng quận Hà Đông đã có 3 đơn vị phòng (Tài chính - Kế hoạch, Quản lý đô thị, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hà Đông) cùng 21 cá nhân phải kiểm điểm sâu sắc.
2/ Những tưởng hai chữ “vĩnh cửu” đã được trả lại cho đá vỉa hè Hà Nội. Nhưng thực tế hóa ra không phải, “sợi dây rút kinh nghiệm” kéo dài từ năm 2018 đến nay dường như chưa thể kết thúc. Đá lát vỉa hè chỉ một thời gian ngắn xong tiếp tục vỡ, hỏng. Tuyến đường Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, đã bong tróc từng mảng, nhiều đoạn sụt lún gây nguy hiểm cho cả người đi bộ. Tuyến Liễu Giai mặc dù liên tục được thay đá trong hai năm nay nhưng đá vẫn nứt vỡ, gập ghềnh nhiều chỗ. Sự kiên nhẫn của dư luận đang được đặt trước những giới hạn cao nhất. Phải chăng “nước mưa” đang đặt ra những rào cản không thể vượt qua cho những viên đá tự nhiên như lời của một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội?
Một chuyên gia Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhận xét: Đá tự nhiên bị nứt vỡ chỉ có đá vôi. Loại đá đó không ai dùng làm ốp lát. Nếu ai đã từng sang châu Âu, cụ thể hơn là Thụy Sĩ, sẽ dễ dàng thấy người ta dùng đá lát cho cả lòng đường nhưng vẫn bền theo thời gian. Vấn đề cơ bản ở đây phải dùng đúng đá tự nhiên tiêu chuẩn, đá có kích thước càng nhỏ, các cạnh bo tròn thì khả năng chịu lực càng cao. Nếu cộng với thi công nền, móng cẩn thận thì không bao giờ phải lo lắng đến việc bị nứt vỡ hay vỉa hè bị sụt lún.
Một vấn đề tưởng chừng đơn giản hóa ra lại phức tạp khi triển khai. Từ chủ trương của UBND thành phố đến Phòng Quản lý đô thị, Sở Xây dựng thiết kế kết cấu, giao cho UBND các quận, huyện, thị xã thi công rồi lại tiến hành nghiệm thu cùng với tư vấn giám sát của Chi cục Giám định xây dựng. Một quy trình quá rõ ràng nhưng lại không thể tạo ra những “sản phẩm” đồng nhất về mặt chất lượng.