1/ Ở Hà Nội, vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng xe cá nhân tăng nhanh, gây quá tải hạ tầng, đe dọa môi trường, trong khi phát triển giao thông “xanh” vẫn còn khá mới mẻ. Cùng với đó, phần lớn người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải công cộng, mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1 triệu ô-tô và hơn 6,5 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác cũng thường xuyên tham gia vào mạng lưới giao thông tại Thủ đô. Với số lượng xe cộ như vậy, không khó hiểu khi trên nhiều tuyến phố, ô-tô chiếm hết các làn đường, buộc xe máy phải tràn lên vỉa hè hoặc len lỏi giữa các hàng ô-tô để rồi giao thông rơi vào cảnh hỗn loạn, mất kiểm soát trong giờ cao điểm.
Tình trạng giao thông tại các thành phố lớn căng thẳng đến mức trẻ em gặp nhiều khó khăn trong việc đi bộ và đi xe đạp đến trường, buộc phụ huynh vẫn phải đưa, đón hằng ngày. Điều này làm phát sinh những hành trình không cần thiết và khiến tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn. Vì thế, phần lớn không gian mặt đường chủ yếu phục vụ các phương tiện cơ giới; xe bus và xe đạp vô hình trung trở thành các phương tiện yếu thế, không thể cạnh tranh được với các loại phương tiện cá nhân khác. Đáng nói là tình trạng khí thải từ các phương tiện giao thông đang rất đáng báo động, đe dọa môi trường, sức khỏe của người dân, thế nhưng để người dân chấp nhận chuyển đổi sang các phương tiện vận tải công cộng sử dụng năng lượng sạch thì lại không hề đơn giản.
PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô-tô, (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, cao gấp nhiều lần so khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguyên nhân của tình trạng này đến từ giao thông vận tải, bởi số lượng phương tiện cơ giới đường bộ càng tăng thì lượng phát thải càng cao. Do đó, việc áp dụng các loại phương tiện sử dụng nguồn năng lượng “xanh”, sạch là một trong những biện pháp tốt nhất để giảm thải cho ngành giao thông vận tải. Hơn nữa, còn có thể tái tạo năng lượng và giảm thiểu khí thải nhà kính cho môi trường sống ở hiện tại và kiến tạo tương lai.
2/ Cuối năm 2021, việc đưa vào khai thác tuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông đánh dấu bước ngoặt của phát triển giao thông “xanh”, góp phần hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, ba tuyến bus điện đầu tiên khi lăn bánh đã nhận được những đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện môi trường. Có thể thấy, việc đưa vào vận hành các tuyến xe bus sử dụng năng lượng “xanh”, bao gồm xe bus điện của Vinbus và xe bus sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG của Công ty Bảo Yến đã thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít rào cản trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông “xanh” mà Hà Nội đặt ra. Hiện tại, thành phố vẫn còn thiếu những chính sách có tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình, tạo sự thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng. Một số ý kiến cho rằng, Hà Nội chưa đủ điều kiện để phát triển mô hình giao thông “xanh”, đặc biệt là thiếu nguồn vốn đầu tư, hạ tầng kỹ thuật cho xe bus sạch, xe đạp công cộng… Tuy nhiên, có lẽ cái khó nhất không phải là thiếu cơ sở vật chất mà là thiếu cơ chế, chính sách, cũng như ý thức tự giác, đoàn kết vì lợi ích chung của người dân chưa cao.
Nhiều năm qua, thói quen sử dụng xe máy, ô-tô cá nhân dường như đã đi sâu vào tiềm thức một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội. Bởi thế nên mỗi khi đề cập tới việc hạn chế xe cá nhân, chuyển đổi phương tiện sang đi bộ, xe đạp, xe bus, chính quyền thành phố lại gặp không ít khó khăn bởi có quá nhiều quan điểm chung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, để xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại, đáng sống với giao thông “xanh”, rất cần có các chính sách, chiến lược khung phát triển bền vững, hướng tới sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, các vấn đề như hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho vận tải công cộng; phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.