Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn là một trong sáu nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP được quy định tại Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được đánh giá là nhóm sản phẩm mà Hà Nội có tiềm năng lớn phát triển. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa có một sản phẩm OCOP nào thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: SONG ANH
Du khách tham quan Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: SONG ANH

Nhiều tiềm năng chưa khai thác

Trải hơn nghìn năm hình thành và phát triển, Hà Nội là nơi có bề dày văn hóa, lịch sử cùng hệ thống di sản, làng nghề đặc sắc phân bố khá đều ở cả khu vực nội thành, ngoại thành. Thành phố cũng có hệ sinh thái phong phú, được thiên nhiên ưu đãi khí hậu bốn mùa rõ rệt. Thực tế, rất ít Thủ đô trên thế giới có địa hình đa dạng từ những cánh đồng lúa trù phú ở Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa… đến những dãy núi đồi uốn lượn ở khu vực Sóc Sơn, Ba Vì. Cùng với đó là hệ thống cảnh quan sinh thái đa dạng ở các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh… Đây đều là những địa phương có truyền thống lâu đời, có thể vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt du lịch nông thôn, du lịch trang trại.

Hệ thống nghề và làng nghề của Hà Nội rất phong phú và đa dạng với 47/52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề và làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện và thị xã đã được công nhận. Trong đó, có thể kể đến làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) với sản phẩm dệt lụa; làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với các sản phẩm đồ gốm; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với những nếp nhà cổ được lưu giữ qua nhiều thế hệ, cùng đặc sản gà Mía, bánh tẻ Phú Nhi; hay Hồng Vân-ngôi làng ven sông Hồng thuộc huyện Thường Tín có trà thảo mộc 4 sao OCOP và tour tuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa, làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh); làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức); làng thuốc nam người Dao (huyện Ba Vì)… Từ lâu, đây đều là những điểm du lịch tham quan của du khách trong và ngoài nước, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hùng (làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) chia sẻ, từ năm 2008, gia đình tôi bắt đầu nhận đón du khách tham quan nhà cổ, tại đây chúng tôi cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, làm các món quà quê truyền thống như chè lam, tương. Mô hình homestay đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập khá ổn định trong những năm qua.

Cần sự phát triển xứng tầm

Một trong những yếu tố khó nhất hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn là giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng, bởi giao thông có thuận lợi thì mới mở ra nhiều cơ hội cho các điểm đến. Ngoài ra, môi trường nông thôn cũng là vấn đề cần quan tâm đối với định hướng phát triển du lịch bền vững. Thực tế hiện nay, việc quản lý và xử lý môi trường tại khu vực nông thôn đã được quan tâm cải thiện. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí và yêu cầu phát triển du lịch. Ở nhiều nơi, việc chia sẻ lợi ích giữa các bên còn thiếu tính minh bạch, sự liên kết giữa chính quyền địa phương-cộng đồng-doanh nghiệp thiếu tính ổn định. Một số địa phương đặt ra chủ trương xây dựng, phát triển mô hình du lịch tại cộng đồng song lại thiếu thực tế, người dân không được trao quyền nên mô hình “chết yểu” sau thời gian ngắn. Ngược lại, một số nơi lại phát triển quá nhanh, nguồn cung vượt cầu đã dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa bản địa.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, theo định hướng đến năm 2025, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Vì vậy, mục tiêu hiện nay là xây dựng du lịch trở thành ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp với năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; lấy khoa học-công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiến hành triển khai Kế hoạch 73/KH-UBND của thành phố về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022-2025. Đây là cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan khu vực nông thôn Hà Nội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn, Hà Nội cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch quản lý và phát triển hoạt động du lịch; nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền đầu tư, hỗ trợ các đơn vị điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; chuyển hướng đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch nội địa; lồng ghép việc quảng bá sản phẩm, điểm đến, đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch giáo dục, du lịch học đường đến các điểm đến du lịch cộng đồng…