Công cụ kiềm chế

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) vừa cảnh báo rằng, nếu mức trần nợ công của nước này không thay đổi, Chính phủ Mỹ có nguy cơ “vỡ nợ” khi không còn khả năng vay bằng các “biện pháp đặc biệt” trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHENXIA
Biếm họa: CHENXIA

Trong báo cáo công bố tuần trước, CBO cũng cho biết, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong năm 2023 được dự báo là 1.400 tỷ USD (khoảng 5,3% GDP), dự kiến đến năm 2033 có thể lên tới 2.700 tỷ USD (6,9% GDP). Tỷ lệ nợ trên GDP tăng hằng năm có thể đạt mức cao kỷ lục 118% vào năm 2033.

Ngày 19/1/2023, nợ công của Mỹ đã chạm trần 31.400 tỷ USD, khiến Bộ Tài chính nước này phải áp dụng các “biện pháp đặc biệt” nhằm bảo đảm chính quyền liên bang có thể duy trì chi trả cho các hoạt động. Song, các biện pháp này chỉ kéo dài đến tháng 6 tới. Khi đó, hoặc Mỹ phải nâng trần nợ hoặc cắt giảm ngân sách, khiến kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái.

Nếu trần nợ công không được nâng lên hoặc đình chỉ áp dụng trước khi các “biện pháp đặc biệt” hết hiệu lực, chính phủ sẽ không còn khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, vì thế phải trì hoãn thanh toán đối với một số hoạt động, kéo dài việc chi trả các khoản nợ, thậm chí rơi vào cảnh “vỡ nợ”.

Tuy nhiên, CBO cho rằng, thời điểm các “biện pháp đặc biệt” hết hiệu lực vẫn chưa chắc chắn, vì thời hạn cùng các khoản thu và chi tiêu có thể khác so với dự báo. Nếu các khoản thu thiếu hụt, Bộ Tài chính Mỹ thậm chí có thể cạn nguồn ngân sách trước tháng 7 tới.

Cảnh báo được CBO đưa ra trong bối cảnh bất đồng giữa các nghị sĩ hai phe Dân chủ và Cộng hòa gia tăng liên quan chi tiêu ngân sách. Đảng Dân chủ cho rằng, việc không nâng trần vay nợ sẽ làm tổn hại kinh tế. Trong khi đó, chiếm đa số tại Hạ viện khóa mới, đảng Cộng hòa muốn áp đặt giới hạn tài chính với ngân sách đề kiềm chế chi tiêu. Phe Cộng hòa dọa bác bỏ dự luật nâng trần nợ công, nếu phe Dân chủ không đồng ý cắt giảm chi tiêu ngân sách.

Mở rộng giới hạn vay nợ không phải câu chuyện mới, khi mà nước Mỹ vẫn trong tình trạng chi nhiều hơn thu. Từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã 78 lần can thiệp để thay đổi mức vay nợ. Thậm chí, vấn đề nâng trần nợ công đã bị chính trị hóa, trở thành công cụ kiềm chế, thậm chí đối đầu giữa hai phe tại Mỹ.