“Cởi trói” năng suất lao động (Kỳ 3)

Kỳ 3: Giải pháp nâng cao năng suất lao động
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh).
Sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh).

Để Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045, việc lấy lại đà tăng năng suất lao động (NSLĐ) là yêu cầu bắt buộc khi mốc mục tiêu chỉ còn hơn 20 năm. Trong yêu cầu tăng năng suất lao động, việc tạo ra động lực cho lực lượng lao động là yếu tố rất quan trọng. Chúng ta cần tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để khuyến khích người lao động làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Là người Việt Nam không ai không biết về câu chuyện “Khoán 10”. Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bằng bước đi táo bạo đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở một địa phương thuần nông như Vĩnh Phúc. Vẫn con người ấy, đồng ruộng ấy, từ chỗ làm không đủ ăn chúng ta chuyển sang xuất khẩu lúa gạo. Sự chuyển đổi phương thức sản xuất dẫn đến những thay đổi cách mạng trong thời điểm hiện tại là quá tham vọng. Nhưng dư địa để chúng ta đưa ra những bước ngoặt còn lớn. Việt Nam hoàn toàn xứng đáng có được một vị thế tốt hơn nhiều trong bảng xếp hạng NSLĐ.

Điểm nghẽn

Cả hệ thống đang có sự chuyển mình mạnh mẽ cùng với quyết tâm tinh gọn. Đây được coi là điểm nghẽn duy nhất và quan trọng nhất gây nên sự yếu kém, thiếu hiệu quả của bộ máy. Câu chuyện NSLĐ của mỗi cá nhân hay trên bình diện quốc gia có những điểm tương đồng và cũng có điểm khác biệt. Một điểm nghẽn duy nhất cần làm rõ và thay đổi quyết liệt. Hệ quả của sự thay đổi này sẽ là những thay đối tích cực ở các nút thắt khác nhau.

Trong kỳ trước, chúng ta đã phần nào hiểu mối quan hệ hiện hữu đang vận hành giữa lương tối thiểu - thu nhập - NSLĐ. Đây có thể được coi là mấu chốt của vấn đề nếu muốn tăng NSLĐ. Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho rằng, không thể đổ lỗi vấn đề năng suất cho người lao động. Năng suất là sự hài hòa giữa cung - cầu lao động và điều kiện sản xuất, kinh doanh. “Phải có đất tốt người lao động mới dụng võ được”.

Vậy đâu mới được coi là “mảnh đất tốt” cho người lao động? Thật tình cờ Việt Nam đã có một thí dụ tương đối rõ ràng. Giai đoạn 2011 và 2015 chứng kiến mức tăng kỷ lục lương tối thiểu. Lương các vùng đều tăng lên hơn 2 lần (lương tối thiểu vùng 1 từ 1.350.000 đồng tăng lên 3.100.000 đồng; vùng 4 từ 830.000 đồng tăng lên 2.150.000 đồng). Trong giai đoạn tiếp theo, 2016 - 2019 (trước dịch Covid-19), NSLĐ cải thiệt rõ rệt. Đây cũng là giai đoạn có NSLĐ tăng cao nhất, hơn 6%.

Cũng trong giai đoạn này, mức tăng lương tối thiểu vùng giảm hẳn. Trong 4 năm chỉ tăng khoảng 25%. Kết quả là từ đó đến nay, mức tăng NSLĐ lại quay về 4,5 - 4,6%. Như vậy, việc tăng lương tối thiểu có tác dụng rõ rệt tăng NSLĐ với các giai đoạn tiếp theo.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Một số người bày tỏ lo ngại nếu tăng lương tối thiểu quá cao sẽ dẫn tới mất một số việc làm. Những việc làm trong ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày hay linh kiện điện tử bị ảnh hưởng đầu tiên. Trong buổi nói chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương lo lắng: Nếu tăng đột ngột lương tối thiểu, rất có thể nhiều việc làm bị mất. Theo tính toán 950.000 việc làm có thể mất đi.

Cách nghĩ này có vẻ như đi ngược với xu hướng của thế giới. Năm 2021, Giải Nobel kinh tế trao cho ba nhà kinh tế học David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens. Kết quả nghiên cứu của họ chứng minh tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến số lượng việc làm hay số lượng nhân viên. Những tác động tiêu cực ít hơn nhiều so với những gì mà trước đây người ta thường nghĩ.

Nhận thức cũng dần thay đổi dựa trên nghiên cứu thuyết phục. Theo một khảo sát năm 1992, 79% thành viên Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA) tin rằng, lương tối thiểu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở những người lao động trẻ và có kỹ năng thấp. Tuy nhiên đến năm 2000, chỉ còn 46% có quan điểm tương tự. Cần lưu ý thêm nhưng người lao động trẻ và kỹ năng thấp cũng chính là những người làm trong các ngành thâm dụng lao động ở Việt Nam.

Đột phá quyết liệt

Trong 3 năm đại dịch Covid-19, từ 2020 - 2022, GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với thế giới. Tính trung bình giai đoạn này chúng ta tăng trưởng GDP khoảng 4,48%. Thế nhưng mức lương tối thiểu trong 3 năm không hề có thay đổi. Đến năm 2023, GDP tiếp tục tăng 5,05% và mức lương tối thiểu tăng hầu như không đáng kể. Chỉ trong vài năm chúng ta đã chứng kiến nguy cơ tụt hậu đáng kể giữa mức lương tối thiểu hay thu nhập người lao động trên tốc tộ tăng trưởng GDP.

Ở phạm vi doanh nghiệp, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một doanh nghiệp có truyền thống lâu đời. Trong những năm gần đây, công ty có những sự chuyển mình lớn về cơ cấu sản phẩm, xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2022, doanh thu của công ty đã tăng 15%, sang năm tiếp theo tăng 23%. Tính cả 2 năm công ty tăng NSLĐ 41,45%. Đó là chưa tính nhờ tối ưu hóa quy trình sản xuất, mỗi năm công ty lại cắt giảm được từ 20 - 25 nhân công trên tổng số 310 người tại nhà máy ở Bắc Ninh. Doanh thu tăng, nhân công giảm, hiển nhiên nhiều người đang nghĩ đến một mức tăng thu nhập đáng kể của người lao động. Tuy nhiên thực tế không như vậy. Thu nhập của người lao động trong năm 2024 chỉ cao hơn 500.000 đồng so với năm 2023 (3%). Mức thu nhập bình quân ở nhà máy sản xuất phích nước Rạng Đông tại Bắc Ninh vào khoảng 13 - 14 triệu đồng/lao động.

Mức lương và thu nhập thực tế của người lao đông tụt hậu quá xa so với những gì họ có thể hưởng. Để dễ hiểu hơn, chúng ta quay trở lại với lao động dệt may. Chi phí lao động gần như cố định trong chi phí sản xuất. Doanh thu bán áo tăng tương ứng mọi chi phí trong sản xuất đều tăng tương ứng. Chẳng hạn như khấu hao tăng để rút ngắn thời gian khấu hao máy móc. Chi phí nguyên liệu tăng tương ứng để đủ số áo làm ra. Kỳ lạ là chi phí lao động chưa bao giờ có một mức tăng tương ứng NSLĐ.

Báo cáo mới đây của ILO/ADB về Cộng đồng ASEAN 2015 cho thấy những quốc gia có NSLĐ cao thường có mức lương cao hơn. TS Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cũng đưa ra một thí dụ khá thú vị khác. Trước năm 1905, Henry Ford, nhà sáng lập Tập đoàn Ford Motor (Mỹ) đã trả lương cho công nhân cao gấp 2 lần mức lương thông thường. Lương cao nhưng giảm giờ làm. Ông nhận ra rằng, chính sách tiền lương làm tăng hiệu quả công việc cho tập đoàn Ford lên rất nhiều lần. Henry Ford không chỉ đổi mới ngành công nghiệp ô-tô, mà còn là người có tác động đến ngành kinh tế thế kỷ 20. Sản xuất hàng loạt với lương cao nhưng vẫn có những sản phẩm tốt với giá thành thấp tạo nên một đẳng cấp mới.

Tốc độ tăng lương tối thiểu nên tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP. Mặc dù chưa thể thay đổi ngay thu nhập của người lao động nhưng sẽ kéo theo rất nhiều hiệu ứng tích cực. Trước mắt, việc giờ làm thêm giảm sẽ đem đến khả năng tái tạo sức lao động. “Lời nguyền 35 tuổi” trong các KCN không còn nữa. Người lao động có thêm thời gian nâng cao trình độ kiến thức, thêm thời gian tiêu dùng, từ đó kích thích thị trường tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp ngành thâm dụng lao động buộc phải lựa chọn giữa trả công hợp lý hoặc nhường chỗ cho những ngành công nghệ cao.

Hiển nhiên mặt bằng chung mới sẽ được thiết lập, định hình lại toàn bộ giá trị của nền kinh tế Việt Nam. NSLĐ hầu như sẽ được cải thiện ngay lập tức kéo theo sự thay đổi trong thu nhập người lao động. Ở phần trên chúng ta đã xem xét đến tỷ lệ tương đối giữa NSLĐ và thu nhập lao động trên bình diện quốc gia. Rất khó để đạt tỷ lệ 1/1 giữa hai chỉ số này ngay lập tức. Nhưng rõ ràng, kéo thu nhập lại gần với NSLĐ thì sức lao động sẽ được trả lại đúng giá trị thực.

TS Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng: “Người lao động được trang bị thông tin đầy đủ để tự đấu tranh cho quyền lợi của mình”. Nhưng ngay cả khi được trang bị thông tin đầy đủ thì đây vẫn là cuộc đàm phán khó công bằng.

“Cởi trói” năng suất lao động (Kỳ 1)

“Cởi trói” năng suất lao động (Kỳ 2)