“Sốc” vì đề thi
Ngay trong ngày thi đầu tiên (25-6) của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều thí sinh ra khỏi trường thi đã bật khóc tức tưởi vì độ “quái đản” của hai môn thi Toán và Ngữ văn.
Thí sinh Nguyễn Thùy Linh, Trường THPT Việt-Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, đề thi Ngữ văn năm nay vừa dài vừa khó, đa phần thí sinh sau khi đọc đề đều hoang mang. “Ở đề thi Ngữ văn, phần nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay, theo em là tương đối khó, hơi trừu tượng. Vì sứ mệnh của mỗi cá nhân hình như hơi to tát, còn tiềm lực đất nước không phải học sinh nào cũng biết. Còn phần nghị luận văn học, không chỉ có kiến thức lớp 12 mà còn kiểm tra cả kiến thức lớp 11 thông qua hai tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu và “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Để làm được câu hỏi mở, chúng em còn thiếu kiến thức thực tế sâu rộng. Đề dài nên chúng em phải rất tập trung thì mới làm hết. Đa phần, đến các câu cuối là chúng em làm hời hợt!”, em Linh cho biết.
Buổi sáng thi Văn còn chưa hết bàng hoàng, đến chiều thi Toán, nhìn thấy tờ đề trắc nghiệm dài năm trang, nhiều thí sinh đã “sốc”. Ra khỏi cổng trường, em Vũ Tuấn Mạnh, Trường THPT Tây Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội mắt còn đỏ hoe. “Đề Toán năm nay có 50 câu và trung bình mỗi câu trắc nghiệm chỉ làm trong 1,8 phút. Em chỉ làm được 30 câu. Nhiều câu em tính toán mãi cũng không ra đáp án. Em không tự tin đạt điểm cao vì đề rất khó, có nhiều câu khoanh bừa, 20 câu đầu dễ, 30 câu sau khó. Em nghĩ chỉ được khoảng 6 điểm”, Mạnh chia sẻ.
“Đề khó, em cảm thấy buồn vì không làm được như kỳ vọng. Cả đề Toán và Văn đều quá dài và vượt quá khả năng chúng em. Đề Toán năm nay nhiều câu khó không phù hợp để làm theo hình thức trắc nghiệm. Còn đề Văn đòi hỏi kiến thức bên ngoài quá nhiều. Em không hài lòng về bài thi của mình”, em Phạm Thu Thảo, học sinh Trường THPT Tây Hồ nói.
Nhận xét về đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), nhiều thầy cô đều cho rằng, đề năm nay dài và khó, có tính phân loại cao, thí sinh học lực nào sẽ đạt điểm trình độ đó. Với đề thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) và Tiếng Anh, nhiều bạn thí sinh hy vọng rằng đây có thể trở thành cơ hội gỡ điểm vì đề không quá khó. Môn Tiếng Anh có phần nâng cao nhưng những câu dễ và trung bình vẫn khá nhiều, riêng với tổ hợp KHXH thì môn Lịch sử vẫn là “quả bom khó” với hầu hết thí sinh.
Các bậc phụ huynh cũng âu lo không kém. Ảnh: SONG ANH
Khó đạt được nhiều mục tiêu
Đồng hành cùng thí sinh, các bậc phụ huynh cũng âu lo không kém trước kỳ thi “chẳng đâu vào đâu” của các con. Anh Nguyễn Bùi Hải, phụ huynh đưa con đi thi tại điểm Trường THPT Việt-Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Ngành giáo dục luôn kêu gọi giảm tải từ áp lực học hành đến thi cử. Nhưng nhìn toàn cục, chưa thấy giảm tải được chút nào. Đơn cử từ kỳ thi này, tôi thấy áp lực càng đè nặng lên các em học sinh. Đề thi ra thật khó, bao gồm toàn bộ chương trình THPT, lại thêm nhiều môn (các tổ hợp). Phương thức thi thay đổi (từ tự luận sang trắc nghiệm) thì buộc học sinh phải học thêm ngày càng nhiều mới hy vọng đỗ đạt!”.
Nhiều ý kiến cho rằng, với một kỳ thi mục tiêu chính là để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì liệu có cần ra đề có những câu hỏi quá khó, tạo nên nhiều lo lắng cho thí sinh, phụ huynh và cả xã hội hay không? Việc ra được một đề thi thỏa mãn hai mục tiêu là rất khó. Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) lo ngại: Nếu đề thi lạc vào hướng tăng độ khó thì số đông phụ huynh học sinh sẽ có phản ứng. Hy vọng Bộ GD&ĐT thay đổi có chừng mực để kết quả của kỳ thi đúng là kỳ thi THPT Quốc gia. Đề thi mang tính phổ thông, cơ bản chứ không lạc vào phân hóa quá khiến cho kỳ thi này trở thành kỳ thi tuyển sinh đại học.
GS, TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét: “Dư luận vốn đã lên án gay gắt về phương thức thi trắc nghiệm môn Toán. Với kiểu thi này, học sinh không biết cách trình bày bài giải, không rèn giũa cách suy luận, chỉ cắm cổ tính cho thật nhanh; người khoanh kết quả đúng chưa chắc là người giải đúng. Nên cho dù đề thi ra khó, nhưng sẽ không phân loại được học trò”, GS, TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng nói.
Bên cạnh đó, về thời gian làm bài, bài thi KHTN gồm ba môn thành phần (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) có khoảng cách thi giữa môn thứ nhất và môn thứ hai; môn thứ hai với môn thứ ba chỉ có 10 phút mà thí sinh vừa phải nộp bài thi, nhận đề mới thì hầu như các em không có thời gian nghỉ ngơi.
Tại buổi họp báo diễn ra ngay sau kỳ thi, đại diện Bộ GD&ĐT, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, thừa nhận: “Nói độ khó của đề tăng lên so với 2017 là đúng, vì năm nay mở rộng thêm kiến thức lớp 11. Nhưng điều này học sinh đã được thông báo từ đầu năm học. Hội đồng đề thi cũng tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo là đề thi 2018 phải tăng cường phân hóa. Vì thế, có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Như vậy, không phải tất cả đề thi khó mà có một số câu để dành cho học sinh khá giỏi làm, mục đích là để phân loại thí sinh!”.
Dù Bộ GD&ĐT đánh giá như vậy, nhưng dư luận xã hội cho rằng, Bộ đang lúng túng trong cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia này. Năm 2017, đề thi trắc nghiệm bị cho là dễ, phù hợp với xét tốt nghiệp, nhiều điểm 10, xã hội phê phán. Năm nay, Bộ muốn hạn chế điểm 10 nên yêu cầu đề ra khó hơn. Thông thường, một câu khó phải suy nghĩ 5 - 7 phút mới phát hiện ra cách giải, phải mất 1 - 2 phút mới tìm ra kết quả đúng. Chỉ cần 10 - 12 câu loại này thì đã ngốn hết thời gian làm bài của thí sinh. Vậy mà, bài thi môn Toán, thậm chí Vật lý, Hóa học trong kỳ thi năm nay có tới 20 câu thuộc diện khó, hoặc phải tính toán trong nửa trang giấy nháp mới tìm được kết quả đúng. Phải chăng, để thực hiện tham vọng muốn gộp hai kỳ thi làm một (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh) nên Bộ GD&ĐT đã chạy từ thái cực này sang thái cực khác?
Cần xóa bỏ tính áp đặt trong giáo dục, thi cử
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tính áp đặt trong giáo dục phổ thông nói chung, trong thi cử nói riêng vẫn còn nặng nề. “Kiểu thi cử như thế này tưởng tốt nhưng vẫn “có vấn đề”. Nhìn qua có vẻ nhẹ nhàng hơn vì ngày thi giảm đi. Nhưng thực tế nội dung thi tăng, môn thi tăng lên thành ra lại tăng áp lực. Tăng môn nào, bổ sung nội dung gì, dù chính hay phụ thì học sinh vẫn phải học hết. Việc học sinh không có quyền lựa chọn các môn thi theo thiên hướng cá nhân và phù hợp với sự chuẩn bị cho tương lai. Cách thi, phương thức thi thiếu ổn định. Cộng với việc thiếu vắng những khảo sát thực tế khiến các em toàn rơi vào thế bị động, xoay trở vất vả, mệt mỏi”, bà Minh nói.
Có ý kiến đề xuất, kỳ thi để xét tốt nghiệp có thể ủy quyền cho các Sở GD&ĐT, hoặc là thi, hoặc là xét. Còn việc tuyển sinh vào đại học như thế nào thì Bộ GD&ĐT với các trường tính toán. Theo một chuyên gia độc lập về lĩnh vực khảo thí, do tính chất và mục đích của hai kỳ thi rất khác nhau, không nên ghép hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học vào làm một bài thi. Nếu cố khiên cưỡng thì sẽ có rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như rất khó có thể kiểm soát được độ khó của đề thi để bảo đảm cả hai mục đích. Thực tế đề năm ngoái quá dễ, còn năm nay là quá khó. Mức độ phân loại của đề thi cũng khó được bảo đảm. Điều này khiến cho người học bị thiệt thòi.