Chủ nghĩa cực đoan trên internet

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây cảnh báo, truyền thông mạng xã hội đang trở thành công cụ để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm truyền bá chủ nghĩa cực đoan, bạo lực. Ông Guterres kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ ngăn chặn các phát ngôn gây thù hận trên internet.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nghĩa cực đoan trên internet trở thành thách thức với chính quyền nhiều quốc gia. Ảnh: ISTOCK
Chủ nghĩa cực đoan trên internet trở thành thách thức với chính quyền nhiều quốc gia. Ảnh: ISTOCK

Gia tăng nội dung thù hận trên mạng

Ngày 27/1 vừa qua, phát biểu ý kiến tại lễ tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa bài Do thái (cuộc diệt chủng người Do thái do phát-xít Đức thực hiện trong Chiến tranh thế giới thứ hai, còn được gọi là Holocaust), Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh: Một số mạng xã hội hiện biến thành “bãi rác độc hại của những phát ngôn thù hận và những thông tin bịa đặt xấu xa”, tiếp tay cho chủ nghĩa cực đoan phát triển. Người đứng đầu LHQ cũng chỉ trích các nền tảng truyền thông xã hội và các nhà quảng cáo đã “tiếp tay”, “đồng lõa” và thu lợi từ việc sử dụng các thuật toán để lan truyền các nội dung kích động thù hận, thu hút nhiều tài khoản người dùng theo dõi những nội dung này.

Ngoài ra, Tổng Thư ký LHQ bày tỏ lo ngại về việc trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, con người có thể dễ dàng tiếp cận những ngôn từ kích động thái độ thù hận, thông tin không được kiểm chứng. Người đứng đầu LHQ còn cho rằng, việc gia tăng chủ nghĩa bài Do thái cũng phản ánh sự gia tăng của tất cả các hình thức thù hận khác như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại, kỳ thị người đồng tính…

Trước đó, tại một cuộc họp báo cuối năm 2022, ông Guterres khuyến nghị các nền tảng mạng xã hội tôn trọng tự do ngôn luận, đặc biệt là từ các nhà báo, ngăn chặn những bài viết đăng tải trên mạng xã hội chứa nội dung kích động thù hận, cổ vũ chủ nghĩa phát-xít mới, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hay các tư tưởng cực đoan khác.

Vì vậy, ông Guterres khẩn cấp kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng trong hệ sinh thái thông tin ngăn chặn các phát ngôn gây thù hận, thiết lập các cơ chế bảo vệ và thực thi những cơ chế đó. Ông nhấn mạnh điều quan trọng không phải ai quản lý nền tảng truyền thông xã hội, mà nền tảng đó được quản lý như thế nào. Tổng Thư ký LHQ cũng khẳng định, để tưởng nhớ các nạn nhân Holocaust một cách thiết thực nhất chính là hãy kêu gọi luôn cảnh giác trước những tư tưởng cực đoan: “Chúng ta đừng bao giờ im lặng trước sự thù hận. Đừng bao giờ dửng dưng trước nỗi đau khổ của người khác và chúng ta không để cho sự căm ghét có tiếng nói cuối cùng”.

“Cuộc chiến” không dễ dàng

Theo The Guardian, hiện số lượng người sử dụng mạng xã hội vẫn tăng lên mỗi ngày. Các mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất là Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, Snapchat… Lợi dụng việc có một lượng lớn người sử dụng mạng xã hội, nhiều tổ chức khủng bố, cực đoan đã sử dụng các nền tảng nói trên để tuyên truyền tư tưởng thù hận dân tộc, kích động bạo lực.

Trong những năm qua, đặc biệt vào các dịp lễ của người Hồi giáo, tổ chức khủng bố như tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda… đã đăng tải trên mạng xã hội các đoạn video chứa nội dung kêu gọi những người mang “đức tin và tín ngưỡng” ở khắp thế giới coi những kẻ cực đoan “tấm gương để hành động”, đồng thời kêu gọi các phần tử thánh chiến tham gia những cuộc tiến công khủng bố thông qua mạng xã hội. Tuy cách thức này không hề mới, song cho đến nay vẫn được các nhóm khủng bố sử dụng hiệu quả. Trên thực tế ở nhiều nước, đã có nhiều người dùng bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi những đoạn video, tin nhắn được phát tán một cách rộng rãi như vậy.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, nhiều nội dung bài trừ người gốc Á, Phi trên các trang mạng cũng làm nổ ra hàng loạt cuộc tiến công vào hai nhóm đối tượng này, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, nhà chức trách thế giới nhiều năm qua đã đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn thông tin cổ súy chủ nghĩa cực đoan trên không gian mạng. Cụ thể, từ năm 2017, Quốc hội Đức đã thông qua luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG) và dùng công cụ pháp lý này để hạn chế các loại hình tội phạm trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt là hoạt động của những tổ chức cực đoan, nhóm khủng bố. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng đã tuân thủ quy định mới của NetzDG. Facebook, YouTube, Twitter... phải tăng cường đầu tư các công cụ nhằm thanh lọc những nội dung vi phạm.

Tháng 9/2022, YouTube cho biết, sẽ mở rộng các chính sách liên quan chủ nghĩa cực đoan để xóa bỏ nội dung tôn vinh các hành vi bạo lực, ngay cả khi người tạo video không dính dáng các tổ chức khủng bố. Nền tảng này cũng cam kết khởi động một chiến dịch “xóa mù chữ” trên phương tiện truyền thông để dạy người dùng trẻ tuổi cách phát hiện các thủ đoạn thao túng được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch.

Trong khi đó, hãng công nghệ Microsoft cho biết, họ sẽ cung cấp một phiên bản trí tuệ nhân tạo (AI) và công cụ học máy (machine learning) cơ bản với giá cả phải chăng hơn cho các trường học và tổ chức nhỏ để giúp họ phát hiện và ngăn chặn bạo lực trên internet. Tương tự, Twitch - một dịch vụ phát trực tuyến thuộc sở hữu của Amazon, sẽ sớm tung ra các công cụ mới để giúp người sáng tạo cải thiện độ an toàn và hạn chế quấy rối trên kênh của họ. Chủ sở hữu Facebook là hãng Meta thông báo họ sẽ hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chống khủng bố của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury nhằm đưa ra các giải pháp công nghệ giúp ngăn chặn tư tưởng cực đoan trên internet.

Ngày 15/9/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi người dân nước này chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan tại một cuộc họp ở Nhà trắng, nơi quy tụ các chuyên gia và đồng thời bao gồm các lãnh đạo địa phương đa đảng. Tại sự kiện này, ông Biden cho biết, sẽ yêu cầu Quốc hội làm nhiều hơn nữa để buộc các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về việc lan truyền sự thù hận.

Trong phát biểu vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Anotio Guterres cho biết, ông đã đề xuất một “Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu” vì một tương lai kỹ thuật số mở, miễn phí, an toàn cho tất cả mọi người và gắn chặt với nhân quyền. Cùng với đó là xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm thúc đẩy tính liêm chính trong thông tin công cộng, để mọi người có thể đưa ra lựa chọn dựa trên thực tế.

Theo The Independent, việc chính phủ các nước siết chặt quản lý các mạng xã hội là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh người dùng không có khả năng ngăn chặn những tác động tiêu cực và khó có thể tự bảo vệ mình khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội. Sau nhiều vụ tiến công mà các thành phần khủng bố sử dụng internet để hoạt động, các mạng xã hội lớn đều đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, những cam kết vẫn chưa “đi vào đời sống”, khi những kẻ xấu vẫn lợi dụng kẽ hở từ các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền nội dung cực đoan. Trong thời gian tới, giới chức các nước cần phối hợp các nền tảng mạng xã hội nhằm đưa ra những chính sách toàn diện hơn, qua đó có thể mang lại môi trường lành mạnh trên không gian mạng.